Đưa Taekwondo vào vùng dân tộc thiểu số

VIẾT TRỌNG 06:30, 04/01/2024

Rất tình cờ khi về xã Pró, huyện Đơn Dương để cách ly xã hội vì từ nước ngoài về trong thời điểm đại dịch COVID -19 bùng phát, một võ sư Taekwondo đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Taekwondo để thanh, thiếu niên trong vùng sinh hoạt và đến nay vẫn tiếp tục duy trì, phát triển.

 HLV Nguyễn Thành Hưng (hàng sau, thứ hai bên phải sang) cùng các môn sinh
HLV Nguyễn Thành Hưng (hàng sau, thứ hai bên phải sang) cùng các môn sinh

Đến Nhà văn hóa tại trung tâm xã Pró - một xã vùng dân tộc thiểu số ở bờ Nam sông Đa Nhim, huyện Đơn Dương trong những ngày cuối năm này có thể thấy một lớp võ với các môn sinh áo trắng cứ chiều tối vẫn đều đặn đến tập luyện. Đó là câu lạc bộ (CLB) của bộ môn Taekwondo và CLB này đã duy trì nơi đây đến nay gần 4 năm. 

Điều đáng nói, để có lớp võ trong vùng dân tộc thiểu số của huyện Đơn Dương là một câu chuyện hết sức tình cờ. Võ sư đứng ra thành lập CLB này là Nguyễn Thành Hưng, một người Đà Lạt, sinh năm 1986. Anh tập Taekwondo tại Đà Lạt từ nhỏ, khi xuống TP Hồ Chí Minh học tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh vẫn tiếp tục tập luyện và hiện mang đai đen 3 đẳng. 

Học điện ảnh với ước mơ khi ra trường làm diễn viên nhưng Nguyễn Thành Hưng sau đó lại sang Indonesia và Philippines làm việc cho một tổ chức quốc tế trong nhiều năm liền. Tháng 3/2020, khi dịch bệnh COVID- 19 bùng phát, anh về nước. Theo quy định phải cách ly xã hội, anh đã chọn xuống cách ly tại Pró, huyện Đơn Dương, nơi có nhà của anh chị mình một thời gian.

Tại đây, trong những tối ở Pró, một xã với cộng đồng người Churu rất nhiều, anh thấy thanh, thiếu niên hầu như thiếu chỗ sinh hoạt nên muốn mở một CLB tập võ. Tập võ thì cần một địa điểm đủ rộng, anh đến gặp Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Pró và xin mở lớp võ chiều tối trong sân trường. Ban Giám hiệu trường đồng ý, anh xúc tiến mọi việc và lớp võ anh mở ra trong tháng 5/2020, chỉ một thời gian ngắn sau đó đã đến trên 200 môn sinh trong vùng, chủ yếu là học sinh từ các bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đăng ký trong đó có đến trên 80 môn sinh là người dân tộc thiểu số.

Để khuyến khích môn sinh đến tham gia tập luyện, võ sư - huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thành Hưng thu học phí rất thấp, những trường hợp khó khăn hay môn sinh là người dân tộc thiểu số còn được miễn phí. 

Duy trì lớp tập đến tháng 10/2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong tỉnh, các môn sinh không được tập trung thì HLV Hưng vẫn cố gắng duy trì lớp tập của mình thông qua hệ thống máy tính hoặc điện thọai thông minh với hệ thống mạng toàn cầu (internet) được anh phát trực tiếp trong các buổi chiều tối. “Lúc đó, tất cả các hoạt động xã hội đều gần như ngừng lại, hầu hết các em đều phải học ở nhà. Các em ở nhà ít được vận động cũng không tốt nên tôi tổ chức cho các em tập ở nhà thông qua hệ thống mạng. Việc duy trì lớp như thế giúp các em vận động, ở nhà không buồn chán nên hầu hết các em đều rất tích cực tập luyện”, HLV Nguyễn Thành Hưng cho biết. 

Sau dịch, CLB Taekwondo Pró từng bước phục hồi trở lại và do cần một địa điểm tránh được mưa nên được chuyển địa điểm sang Nhà văn hóa xã Pró. Tại đây, anh chia thành 2, một lớp cho các môn sinh của xã Pró và một lớp cho môn sinh xã Ka Đô tập xem kẽ các ngày trong tuần, tổng số 2 lớp gần 100 môn sinh, trong đó có không ít là người dân tộc thiểu số. Học phí hiện nay cho mỗi môn sinh vẫn được anh duy trì khá thấp.

Tại CLB, HLV Nguyễn Thành Hưng cùng với dạy võ còn tổ chức rất nhiều hoạt động cho các môn sinh để tạo nên một sân chơi đúng nghĩa cho tuổi trẻ. Anh tổ chức sinh nhật cho các em, tổ chức lễ trung thu, tổ chức các chuyến giao lưu đến các CLB khác trong huyện. Dạy võ, theo anh là để các em tự tin, biết cách tự vệ, biết cách duy trì vận động cho khỏe mạnh, nâng cao sức khỏe. Anh còn dạy các em về đạo đức, tính hào hiệp, cao thượng trong võ thuật, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. 

Cho đến nay, CLB Taekwondo Pró đã có một chỗ đứng vững chắc tại xã vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số Pró, là một trong 4 CLB hoạt động rất tốt của bộ môn Taekwondo tại Đơn Dương (gồm các CLB Thạnh Mỹ, CLB Quảng Lập; CLB Tu Tra và CLB Pró) với tổng cộng trên 500 môn sinh tập luyện hằng ngày. 

Riêng CLB Taekwondo Pró trong gần 4 năm hoạt động, đến nay đã có 35 môn sinh lên đai đen, trong đó có 5 môn sinh mang đai đen 1 đẳng và 30 môn sinh mang đai đen 2 đẳng. 

Ngoài dạy võ với các lớp đêm, HLV Nguyễn Thành Hưng hằng ngày cũng có công việc kinh doanh của mình để mưu sinh, trong đó có việc thu mua nông sản cùng anh chị mình. Với kiến thức học từ Trường Sân khấu Điện ảnh, anh còn nhận trang trí tiệc cưới, tham gia dàn dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ cho xã và cho huyện trong đó có những chương trình do anh đạo diễn đã được giải ở cấp tỉnh.

Từ một người xuống cách ly dịch bệnh trong vùng sâu ít người, đến nay, HLV Nguyễn Thành Hưng đã gắn bó với vùng đất Pró - Đơn Dương. “Coi như là mình có duyên với vùng đất này. Cũng nghĩ lúc đầu là xuống nhà anh chị một quãng khi dịch bệnh qua đi, rồi đi làm lại ở nước ngoài, nhưng giờ đây dưới này cũng có công việc để làm, nhất là có CLB với các môn sinh đang chờ đợi mình hằng ngày nên đi đâu cũng không nỡ”, anh nói. 

Theo võ sư Nguyễn Đăng Dũng - Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Lâm Đồng, HLV Nguyễn Thành Hưng là một người xông xáo, biết việc để làm, trong vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số hầu như không có gì mà nay đã có một CLB Taekwondo với phong trào hoạt động rất tốt là một điều rất đáng biểu dương. “Từ Đà Lạt xuống Pró - Đơn Dương chỉ để ở một thời gian ngắn cho qua dịch bệnh mà nay đã có một CLB Taekwondo hoạt động rất ổn, đào tạo được nhiều VĐV mang đai đen; CLB có các hoạt động phong phú, tổ chức được công tác từ thiện, xã hội, tạo hiệu ứng rất tốt cho phong trào Taekwondo trong tỉnh, thực hiện tốt chủ trương của Liên đoàn là đưa Taekwondo đến với vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số nên chúng tôi cũng mong có thêm nhiều CLB như thế trong vùng sâu, vùng xa của tỉnh”, ông Dũng nói.

Còn HLV Nguyễn Thành Hưng cho biết, đơn giản anh tìm thấy niềm vui lẫn ý nghĩa cuộc sống ở vùng đất này. Và anh bật mí cho tôi biết rằng gần đây anh đã quyết định và mua đất để làm nhà và sống hẳn tại xã Pró.