Từ năm 2015, Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, cấp mới, gia hạn thẻ vận động viên (VÐV) điền kinh. Theo đó, quy định các VÐV trước đây thi đấu cho một đơn vị nay chuyển sang thi đấu cho một đơn vị khác thì phải bảo đảm thời gian chuyển nhượng đủ 24 tháng mới được coi là hợp lệ và sau thời điểm 24 tháng mới được thi đấu cho đơn vị mới.
Nguyễn Thị Huyền giải nghệ chuyển sang công tác huấn luyện |
Sau hơn tám năm, quy định này hiện đang bị xem là lạc hậu, là một trong những cản trở đối với sự phát triển điền kinh Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi của VÐV. Những quy định đó cũng không tạo ra động lực để VÐV phấn đấu đạt thành tích cao khi mặc định thời gian chuyển nhượng bắt buộc, cho dù cả đơn vị quản lý họ và đơn vị họ muốn chuyển tới đều đạt được thỏa thuận, trong khi thời gian thi đấu đỉnh cao của VÐV điền kinh vốn rất ngắn.
Từ quyết định nêu trên đã xảy ra những hệ lụy khiến các VÐV và đơn vị quản lý VÐV nản lòng. Một trường hợp như vậy gần đây đã gây thiệt thòi cho VÐV, gây bức xúc trong giới điền kinh, trái ngược với những điều chúng ta mong muốn và khuyến khích cho VÐV phát triển. Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia vào tháng 10/2023, VÐV Huỳnh Thị Mỹ Tiên chạy 100m rào nữ dù tham dự và đạt thành tích 13 giây 40 (phá cả kỷ lục quốc gia do chính mình lập khi giành Huy chương vàng SEA Games 32 tổ chức tháng 5/2023 ở Campuchia với 13 giây 50), nhưng không được công nhận thành tích.
Huy chương vàng sau đó được trao cho VÐV Bùi Thị Nguyên (Quân đội) với thành tích 13 giây 75. Lý do là bởi sau SEA Games 32, hợp đồng của Mỹ Tiên với thể thao tỉnh Vĩnh Long kết thúc và chuyển sang thi đấu cho thể thao tỉnh Ðồng Nai, song chưa đủ hai năm. Qua đó, có thể thấy, quy định của Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam là không công bằng. Trong trường hợp Mỹ Tiên đã hết hợp đồng, không còn ràng buộc với đơn vị cũ và đã được chuyển nhượng sang đơn vị mới, nhất là khi đơn vị cũ Vĩnh Long và đơn vị mới Ðồng Nai đều không có khúc mắc thì nên tạo điều kiện cho VÐV thi đấu, phát triển thành tích.
Mới đây nhất, VÐV chạy cự ly ngắn Lê Tú Chinh cũng “vướng” quy định này. Ngôi sao của điền kinh Việt Nam mới trở lại đường chạy tại SEA Games 32 năm 2023 vừa qua sau thời gian dài chấn thương và đã cùng đội tuyển chạy tiếp sức nữ Việt Nam giành Huy chương bạc chạy 4x100m. Sau SEA Games 32, Tú Chinh bày tỏ nguyện vọng rời Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển đến đầu quân cho đơn vị khác khi vẫn còn hợp đồng hai năm.
Về trường hợp này, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không có chuyện đòi tiền đền bù hay tìm cách gây khó đối với Tú Chinh. Tuy nhiên, thực tế là đến nay, Tú Chinh vẫn chưa thể thanh lý hợp đồng với đơn vị chủ quản để đầu quân cho đơn vị mới vì vướng quy định phải thi đấu đủ hai năm của Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam, cho dù đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định cho cô ra khỏi đội tuyển điền kinh của thành phố từ ngày 1/1/2024.
Ðể quản lý VÐV, đặc biệt là VÐV tài năng, cần có những chế tài chặt chẽ thông qua hợp đồng. |
Ðề cập về quy định này, lãnh đạo Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam vẫn cho rằng nó là cần thiết, giúp cho hệ thống tuyển chọn, đào tạo của điền kinh Việt Nam được bền vững, cho dù các VÐV có thể chịu thiệt thòi. Ðúng là thực tế đã có những địa phương đổ tiền của đầu tư đào tạo VÐV điền kinh, nhưng lại không thể giành huy chương, trong khi cùng thời điểm đó, đơn vị nhận chuyển nhượng VÐV lại có huy chương. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này xem ra không còn phù hợp với điều kiện và thực tế phát triển thể thao chuyên nghiệp nếu nhìn sang các nước trong khu vực và thế giới.
Ở Mỹ, vừa qua luật pháp nước này đã bãi bỏ quy định VÐV điền kinh là sinh viên khi chuyển trường phải nghỉ thi đấu một năm mà cho phép VÐV được thi đấu ngay ở mùa giải kế tiếp. Không chỉ vậy, liên hệ sang các lĩnh vực thể thao khác sẽ càng thấy quy định của Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam là lỗi thời. Nếu những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp như Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu… muốn rời câu lạc bộ chủ quản một cách hợp pháp mà phải chờ đến hai năm sau mới được dự các giải thi đấu tiếp thì họ sẽ phải làm gì trong thời gian chờ đợi đó và liệu còn giữ được phong độ khi được thi đấu tiếp.
Thời gian thi đấu đỉnh cao của mỗi VÐV chuyên nghiệp là rất ngắn, nhất là với các VÐV điền kinh chạy cự ly ngắn như Mỹ Tiên, Tú Chinh... Bởi thế, Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam nói riêng và Cục Thể dục-Thể thao cần sớm sửa đổi những quy định bất cập này. Ðể quản lý VÐV, đặc biệt là VÐV tài năng, cần có những chế tài chặt chẽ thông qua hợp đồng.
Trước đây, việc đào tạo VÐV điền kinh trẻ của nhiều đơn vị không có đủ hợp đồng ràng buộc, cho nên mới xảy ra tranh chấp buộc Liên đoàn Ðiền kinh Việt Nam phải có những quy định như vậy. Không chỉ môn điền kinh, tất cả các môn thể thao khác cũng cần có hợp đồng đào tạo, quy chế chuyển nhượng rõ ràng mới tránh được việc giữ chân VÐV bằng những phương án tiêu cực.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin