Thể thao châu Á những năm gần đây đã có những nỗ lực lớn để vươn lên khẳng định mình trong các kỳ Thế vận hội mùa hè (Summer Olympic Games), nổi bật là các quốc gia vùng Đông Á với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đội bóng đá nam Nhật Bản tranh tài tại Thế vận hội mùa hè Paris, 2024 |
• TRUNG QUỐC - CƯỜNG QUỐC THỂ THAO CỦA CHÂU Á
Nếu so với một số quốc gia tại châu Á khác, chẳng hạn như Ấn Độ (từng tham gia Thế vận hội mùa hè đầu tiên từ năm 1900 tại Paris, Pháp), Nhật Bản (tham gia Thế vận hội mùa hè từ năm 1912, Stockholm, Thụy Điển ) thì Trung Quốc đến với Thế vận hội mùa hè có muộn hơn, từ năm 1932 tại Los Angeles, Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 1932 đến 1948, đoàn thể thao lúc đó của quốc gia này còn mang tên là Trung Hoa Dân Quốc. Phải đến Thế vận hội năm 1952, tại Helsinki, Phần Lan, Trung Quốc mới thi đấu dưới tên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng năm đó họ chỉ đến kịp để thi đấu duy nhất 1 nội dung. Do nhiều nguyên do phải đến năm 1980 họ mới trở lại với Thế vận hội, năm đó là Thế vận hội mùa đông tại New York, Mỹ. Sau đó 4 năm, nước này cử vận động viên (VĐV) đến Thế vận hội mùa hè 1984 tại Los Angeles, Mỹ.
Dù tham gia gần đây nhưng với ưu thế về dân số đông và một hệ thống đào tạo vận động viên được tuyển chọn kỹ, tập trung từ nhỏ trong các trường thể thao chuyên nghiệp chuyên thi đấu giải đỉnh cao nên Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp các quốc gia mạnh về thể thao lâu đời ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nước này sau đó còn tiến tới việc đăng cai Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh và Thế vận hội mùa đông năm 2022 cũng tại Bắc Kinh và hiện nay đây là một cường quốc thể thao hàng đầu của châu Á và của thế giới với một đội tuyển thể thao rất mạnh tại các kỳ Olympic.
Ngay tại lần trở lại tại Thế vận hội mùa hè Los Angeles 1984, đội tuyển Trung Quốc với đội hình hùng hậu 216 VĐV đã giành được 32 huy chương (HC), trong đó có 15 HC Vàng, đứng thứ tư toàn đoàn, sau Mỹ, Romania và Tây Đức. Từ Thế vận hội trên đất Mỹ này, Trung Quốc luôn duy trì thế mạnh thể thao của mình, liên tục xếp hạng toàn đoàn, trong khoảng thứ 4, thứ 3 hay thứ nhì thế giới, chỉ một lần duy nhất xếp toàn đoàn thứ 11 vào Thế vận hội mùa hè Seoul, Hàn Quốc năm 1988 và cũng có 1 lần nước này đứng nhất toàn đoàn tại Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 khi họ là chủ nhà.
Như gần đây nhất, tại Thế vận hội mùa hè Tokyo, Nhật Bản 2022, Trung Quốc với đoàn 406 VĐV tranh tài, họ đã giành được 88 HC, trong đó có 33 HC Vàng, đứng nhì toàn đoàn. Tính cho đến nay, Trung Quốc đã giành được tổng cộng 634 HC từ các Thế vận hội mùa hè, trong đó có đến 262 HC Vàng. Về cơ bản, các VĐV Trung Quốc đã giành được HC ở hầu hết các bộ môn thi đấu tại Thế vận hội mùa hè, ngoại trừ có một số môn vẫn chưa có HC như 3 môn phối hợp, cưỡi ngựa, bóng nước và bóng bầu dục.
Tuy nhiên, dù giành được HC nhưng VĐV Trung Quốc không mạnh đều ở tất cả các môn thi đấu tại Olympic mùa hè mà họ rất mạnh ở một số bộ môn như nhảy cầu (giành đến 69 HC Thế vận hội tính đến thời điểm này, trong đó có 40 HC Vàng), cử tạ (giành được 54 HC, trong đó có 31 HC Vàng), thế dục dụng cụ (29 HC Vàng trong 72 HC giành được), bóng bàn (28 HC Vàng trong 53 HC), bắn súng (22 HC Vàng trong 56 HC), cầu lông (18 HC Vàng trong 41 HC giành được), gần đây có bơi (13 HC Vàng trong tổng số 48 HC Thế vận hội mùa hè).
Tại Thế vận hội mùa hè Paris, Pháp 2024, Trung Quốc có một lực lượng đông đảo với gần 400 VĐV tranh tài trong các nội dung thi đấu, trong đó bên cạnh việc tập trung cho những môn thế mạnh của mình, nước này còn đang hướng mục tiêu đến những bộ môn ít được HC Vàng lâu nay.
• NHẬT BẢN VỚI NHỮNG TẤM HC VÀNG JUDO
Có mặt tranh tài từ Thế vận hội mùa hè Stockholm, Thụy Điển 1912, dù lúc đó mới chỉ có 2 VĐV tham dự và không giành được tấm HC nào, tuy nhiên đến Thế vận hội mùa hè 1920 tại Antwerpen, Bỉ, Nhật Bản đã có đoàn 15 VĐV tranh tài và giành được 2 HC Bạc. Đến Thế vận hội mùa hè Los Angeles 1932 ở Mỹ, họ đã có 131 VĐV thi đấu và giành đến 18 HC trong đó có 7 HC Vàng.
Từ đó đến nay, Nhật Bản đều có mặt tại các kỳ Thế vận hội mùa hè, chỉ trừ có 2 lần vắng mặt vì nhiều lý do vào Thế vận hội mùa hè năm 1948 và Thế vận hội 1980 ở Moscow, Nga. Nước này cũng 4 lần đăng cai Thế vận hội, 2 lần Thế vận hội mùa hè vào năm 1964 và năm 2020 đều tại To-kyo; 2 lần Thế vận hội mùa đông năm 1972 tại Sapporo và năm 1998 tại Nagono.
Tính đến nay, Nhật Bản đã giành được tổng cộng 439 HC, trong đó có đến 142 HC Vàng, nhiều nhất trong số HC Vàng này là của bộ môn Judo - Nhu đạo với 39 HC. Được coi là môn võ xuất phát từ Nhật Bản, Judo nam có mặt như là một môn thể thao tại Thế vận hội mùa hè 1964 tại Tokyo khi nước này đăng cai. Đến năm 1988, Thế vận hội mùa hè Seoul - Hàn Quốc thì Judo cho VĐV nữ mới được đưa vào chương trình thi đấu. Cho đến nay, các võ sỹ Judo Nhật Bản hầu như rất mạnh trên sàn đấu Olympic mùa hè.
Tuy nhiên, Nhật Bản tại Olympic còn có các môn thể thao có thế mạnh khác, đó là đấu vật, với 69 HC giành được từ Thế vận hội mùa hè, trong đó có 32 HC Vàng. Cùng đó là thể dục dụng cụ với 98 HC giành được, trong đó có 31 HC Vàng. Môn bơi Nhật Bản cũng từng có các VĐV rất mạnh, giành được đến 88 HC, trong đó có 22 HC Vàng. Điền kinh cũng là một thế mạnh của đội tuyển quốc gia này.
Trong Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 vừa rồi, với ưu thế chủ nhà nên Nhật Bản đã giành được 58 HC, trong đó có 27 HC Vàng, đứng thứ 3 toàn đoàn, chỉ xếp sau đoàn Mỹ (đứng nhất với 113 HC, trong đó có 39 HC Vàng) và đoàn Trung Quốc (với 88 HC, trong đó có 38 HC Vàng).
Tại Thế vận hội mùa hè Paris năm nay, Nhật Bản có đến 393 VĐV tham gia tranh tài, là một trong những đoàn có đông VĐV tại Thế vận hội (đông nhất là đoàn Mỹ với 592 VĐV, sau đó đến chủ nhà Pháp với 573 VĐV; Australia có 460 VĐV, Đức có 428 VĐV; Italy có 403 VĐV). Mục tiêu của Thể thao Nhật kỳ này không chỉ là Judo mà các môn có thế mạnh lâu nay là họ còn muốn tranh HC trong các môn thể thao hiện đại mới đưa vào chương trình thi đấu Olympic gần đây.
HÀN QUỐC VÀ THẾ MẠNH BẮN CUNG
Hàn Quốc bắt đầu tham gia Thế vận hội mùa hè từ năm 1948 tại London, Anh và ngay trong năm này đội tuyển quốc gia với 50 VĐV, họ đã giành được 2 tấm HC Đồng.
Nhưng rồi suốt những năm sau đó, từ 1948 đến Thế vận hội mùa hè năm 1972 tại Munich - Tây Đức, dù có số VĐV tham dự khá đông, họ cũng chỉ giành được số ít HC Đồng và HC Bạc, chưa vươn tay đến được HC Vàng. Chẳng hạn như Thế vận hội mùa hè Tokyo 1964, họ có đến 154 VĐV tranh tài nhưng chỉ giành được 3 tấm HC, trong đó có 2 HC Bạc và 1 tấm HC Đồng.
Phải đến Thế vận hội mùa hè 1976 tại Montreal - Canada, với 50 VĐV tranh tài, Hàn Quốc giành được 6 HC, trong đó có tấm HC Vàng đầu tiên trong lịch sử tham gia của mình. Sau năm này, Hàn Quốc đã liên tục giành được HC Vàng từ Thế vận hội mùa hè. Trong tổng số 288 HC giành được từ năm 1948 đến nay, đã có đến 96 HC Vàng, 91 HC Bạc. Tại Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, họ giành được 20 HC, trong đó có 6 HC Vàng, xếp hạng 16 toàn đoàn thế giới.
Thế mạnh của Thể thao Hàn Quốc chính là bắn cung. Họ đã giành đến 43 HC bắn cung qua các kỳ Thế vận hội mùa hè, trong đó có đến 27 HC Vàng. Một môn thế mạnh khác vào “hàng quốc hồn quốc túy” của Hàn Quốc là Taekwondo, họ cũng giành được nhiều HC, trong đó có 12 tấm HC Vàng. Các môn họ giành nhiều HC Vàng nữa tại Thế vận hội mùa hè là Judo và vật (đều được 11 HC Vàng). Tuy nhiên, Thể thao Hàn Quốc cũng giành được HC Vàng Thế vận hội mùa hè ở các môn bắn súng, cầu lông, quyền Anh, chạy vượt rào, đấu kiếm, bóng bàn... Có thể thấy trong danh sách giành HC Vàng Thế vận hội mùa hè của Hàn Quốc khá đa dạng các môn chứ không hẳn nghiêng về các môn mình có thế mạnh, nên có thể nói rằng thể thao Hàn Quốc (cùng với Nhật) phát triển khá toàn diện theo mô hình của Mỹ.
Cũng cần nói rằng, khi mạnh về kinh tế, Hàn Quốc đã đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất sân bãi thi đấu để phát triển thể dục thể thao trong nước. Nước này từng đăng cai thành công 2 kỳ Thế vận hội gồm Thế vận hội mùa hè Seoul 1988 và Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Tại Thế vận hội Paris 2024 này, Hàn Quốc có 142 VĐV tranh tài trong nhiều bộ môn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin