Ngoại hạng Anh bắt đầu mùa giải mới 2024-2025

VIẾT TRỌNG 04:35, 22/08/2024

Ngoại hạng Anh với 20 đội tranh tài đã bắt đầu mùa giải mới 2024-2025 từ ngày 16/8 và kết thúc vào 25/5/2025.

Các cầu thủ Liverpool ăn mừng trong trận thắng Ipswich Town 0-2 trong trận mở màn mùa giải mới Ngoại hạng 2024-2025
Các cầu thủ Liverpool ăn mừng trong trận thắng Ipswich Town 0-2 trong trận mở màn mùa giải mới Ngoại hạng 2024-2025

NHỮNG TÂN BINH 

Đây đã là mùa giải thứ 126 của giải bóng đá cao nhất xứ sương mù và là mùa giải thứ 33 khi mang một cái tên mới là Ngoại hạng (Premier League). 

Giải năm nay như thông lệ vẫn có 20 đội bóng tranh tài với 38 vòng đấu, bao gồm 33 vòng đấu diễn ra vào cuối tuần, 4 vòng đấu vào giữa tuần và 1 vòng ngay trong dịp Giáng sinh và đầu năm mới. Một lịch thi đấu chi tiết đã được công bố trong tháng 6 vừa rồi, trước khi mùa giải mới diễn ra...

Mùa giải năm nay, để tạo điều kiện cho các cầu thủ có thời gian nghỉ ngơi trong dịp cuối năm và năm mới, thay vì lịch thi đấu dày đặc như cách Ngoại hạng Anh lâu nay vẫn duy trì, Ban Tổ chức giải năm nay cho phép các câu lạc bộ (CLB) giãn bớt thời gian thi đấu ra. Theo đó, sẽ không có CLB nào thi đấu trong vòng 60 giờ sau một trận đấu khác, đồng thời sẽ không có trận đấu nào diễn ra vào ngày Giáng sinh 24/12 năm nay.

Liên đoàn Bóng đá Anh quy định mùa giải mới các CLB được quyền mua sắm cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, bắt đầu từ 14/6 và kết thúc vào 30/8; còn kỳ chuyển nhượng mùa đông sẽ được mở vào ngay ngày đầu năm mới 1/1/2025 và kéo dài đến ngày 3/2/2025.

20 đội bóng tranh tài trong mùa giải năm nay của Ngoại hạng Anh gồm 17 đội xếp hạng từ 1 đến 17 trong bảng xếp hạng mùa giải trước, cộng với 3 đội từ giải hạng Nhất - Championship mới lên lại Ngoại hạng. Đó là các đội Leicester City, Ipswich Town và Southampton; 3 đội này thay thế cho 3 đội xếp hạng từ 18 đến 20 trong bảng xếp hạng mùa giải 2023-2024 phải xuống chơi hạng Nhất mùa giải 2024-2025 là Luton Town, Burnley và Sheffield United. 

Trong 3 tân binh mới lên hạng, Southampton và Leicester City là 2 khuôn mặt khá quen thuộc của Ngoại hạng, trong đó Southampton lâu nay rất nổi danh tại Anh với việc đào tạo bóng đá trẻ. Họ đang duy trì 1 học viện đào tạo bóng đá trẻ với 8 đội trẻ từ 9 tuổi đến 18 tuổi; rất nhiều danh thủ bóng đá Anh từng trưởng thành tại đây. Về cơ bản Southampton là một đội bóng tầm trung, từng vài lần xuống hạng Nhất rồi lên lại, như năm rồi khi xuống hạng họ đã thi đấu rất ấn tượng tại Champi-onship để giành được quyền lên chơi lại Ngoại hạng ngay sau 1 mùa. 

Tân binh Ipswich Town cũng là một tên tuổi đáng kể của bóng đá xứ sương mù. Đội bóng này thành lập từ 1878, từng vô địch Anh thập niên 60, từng giành được Cúp FA, từng giành Cúp UEFA Euro-pa League mùa 1980-1981. Tuy nhiên, sau 20 năm vắng bóng trên sân chơi Ngoại hạng, việc Ips-wich Town trở lại lần này sẽ là một thử thách rất lớn cho họ cũng như cho bất kỳ đội nào mới lên hạng trở lại vì sự cạnh tranh rất khốc liệt tại Ngoại hạng. Cần biết rằng, trong mùa giải vừa rồi cả 3 đội vừa lên hạng là Luton Town, Burnley và Sheffield United đều bị rớt hạng ngay trở lại chỉ sau một năm thi đấu trên sân chơi Ngoại hạng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ mùa giải 1997-1998, Ngoại hạng Anh có ba đội vừa thăng hạng đều phải xuống hạng chỉ sau một mùa giải. 

Riêng Leicester City hiện đang thuộc Tập đoàn King Power của người Thái, với Chủ tịch điều hành là Aiyawatt Srivaddhanaprabha, 39 tuổi, con trai của doanh nhân Vichai Srivaddhanaprabha. Tỷ phú người Thái Vichai mua lại CLB Leicester từ năm 2010. Chỉ 5 năm sau, mùa bóng 2015 - 2016 đội bóng này đã giành được danh hiệu vô địch Ngoại hạng. Trong năm 2018, Vichai Srivaddhanaprabha mất đột ngột trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng bi thảm ngay tại sân nhà King Power của Leicester City.  CLB này sau đó được giao lại cho con trai ông điều hành. 

Một câu hỏi vui rằng, với việc trở lại Ngoại hạng, liệu Leicester City có lại vô địch Ngoại hạng thêm một lần nữa trong mùa giải năm nay hay không? 

Thực ra câu hỏi này đã từng được đặt ra khi Leicester City bước vào mùa giải năm 2015- 2016. Việc đặt ra câu hỏi đội nào sẽ vô địch mùa giải cho những đội có tiềm lực, có khả năng như Manchester City, như Manchester United, Arsenal hay Tottenham tại Ngoại hạng là một điều bình thường, nhưng với một đội làng nhàng như Leicester lại là một một cách nói cho vui mà thôi, vì chuyện này khó như chuyện con voi chui lọt qua lỗ kim. 

Nhưng rồi năm đó Leicester City đã làm một con voi thực thụ để chui qua lỗ kim tí xíu một cách gọn gàng trong sự kinh ngạc của giới làm bóng đá xứ sương mù. Nói thêm rằng, chỉ việc vô địch của Leicester City này đã làm cho nhà cái danh tiếng William Hill lỗ trên 10 triệu bảng Anh trên toàn lãnh thổ Vương quốc Anh. Nguyên do trước đó nhà cái này ra tỷ lệ 5.000/1 (nghĩa là đặt 1 ăn 5.000) cho khả năng vô địch của Leicester năm đó. Thế rồi Leicester vô địch, nhà cái này đâm choáng với việc trả thưởng, vì không ít người đặt cửa cho vui chỉ 1 bảng Anh cho đội nhà của mình vô địch, thế là khi Leicester nâng cúp vô địch, họ phải trả thưởng 5.000 bảng. Sau cú thua lỗ lịch sử này, nhà cái William Hill đến nay chẳng bao giờ dám ra kèo nào có tỷ lệ cao hơn 1.000/1 nữa.  

“Con hơn cha là nhà có phúc”, ông bố Vichai từng làm cho đội bóng mình quản lý giành vô địch Ngoại hạng thì liệu cậu con trai của tỷ phú châu Á này có làm được như cha mình trong mùa giải năm nay? 

VÀ NHỮNG THAY ĐỔI 

Có rất nhiều thay đổi trong cách vận hành các trận bóng đá Ngoại hạng trong mùa giải mới 2024-2025. Trước nhất, các trận đấu của giải lần đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng công nghệ việt vị bán tự động. Việc áp dụng công nghệ VAR với các quyết định cũng được giải thích một cách rõ ràng và cập nhật gần như tức thời cho người hâm mộ thông qua các mạng truyền thông xã hội. 

Cùng đó, cách tính thời gian bù giờ cho các trận đấu cũng có sự thay đổi. Việc tính giờ để bù cho thời gian bóng chết sẽ được tính một cách cẩn thận trong những thời điểm gián đoạn bóng lăn như lúc ghi bàn thắng, lúc thay người, cầu thủ chấn thương hoặc thời điểm chuẩn bị đá phạt… nhằm hạn chế những trận đấu kéo dài hơn 100 phút gây tranh cãi. 

Việc đưa bóng vào sân trở lại khi bóng lăn ra biên cũng được thực hiện một cách nhanh hơn. Trước đây, việc nhặt bóng đưa bóng vào sân trở lại thường giao cho các cậu bé hay cô bé ngồi ở gần biên, trong trường hợp thi đấu trên sân nhà, các cậu bé, cô bé nhặt bóng này thường có cách giúp tạo lợi thế cho đội nhà bằng việc đưa bóng vào sân nhanh cho đội nhà tận dụng thời gian tấn công, hay đưa bóng vào chậm để câu giờ khi cần. Điều này được cho là không công bằng với đội khách, nên nay các rổ bóng được để ngay phía ngoài biên để khi bóng ra biên, các cầu thủ có thể nhặt bóng ở rổ bóng để đưa bóng vào sân ngay. Còn các cậu bé nhặt bóng phía cuối sân được yêu cầu chuyển bóng nhanh vào sân cho thủ môn thực hiện những tình huống phát bóng lên, giảm thời gian bóng chết và giúp trận đấu có thể tiếp tục nhanh hơn.

Ban Tổ chức giải bắt đầu từ mùa này cũng cho phép nhiều cầu thủ dự bị khởi động cùng lúc, mỗi CLB có năm cầu thủ cùng khởi động ngoài sân, thay vì ba cầu thủ như trước đây. Việc xử phạt bóng chạm tay trong khu vực cầu môn cũng được xem xét kỹ, chỉ phạt đền ở những tình huống phạm lỗi rõ ràng, khi cầu thủ cố tình đưa tay “một cách không chính đáng, đưa tay lên cao hơn đầu, ra khỏi cơ thể, để cố tình chặn bóng đi vào vòng cấm hoặc đi vào khung thành”. Trong lúc đá phạt đền, nếu các cầu thủ đứng sau chạy vào vòng cấm trước khi người thực hiện lượt đá 11 m nhưng không ảnh hưởng đến tình huống, quả phạt đền sẽ không được thực hiện lại.