Không phải là vận động viên tập luyện đi thi đấu giải, lớn tuổi, sống trong vùng nông thôn, đến với xe đạp vì niềm vui, vì sức khỏe, nhưng những người phụ nữ này đã đạp xe vượt những con đèo cao ngút quanh đất Lâm Đồng mà đến nam giới đôi lúc cũng phải ngần ngại.
Các thành viên trong nhóm xe đạp của bà Lê Thị Mai và bà Dương Thị Ái Phượng đạp xe vượt đèo lên Đà Lạt |
Cũng áo quần thể thao rực rỡ sắc màu, túi thể thao nhỏ sau lưng mang theo các vật dụng cần thiết cho đạp xe trên đường, đầu đội nón bảo hộ, mắt mang kính chống nắng, chân mang giày thể thao chuyên cho vận động viên xe đạp, tay dắt những chiếc xe đạp đua rất đẹp, không ai nghĩ rằng đây là những người phụ nữ đã lớn tuổi, tận huyện Đức Trọng đã vượt một chặng đường gần 50 km, vượt đèo Prenn lên Đà Lạt để cổ vũ cho đoàn đua xe đạp tranh cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh trong chặng đua quanh hồ Xuân Hương Đà Lạt 2024 vào tháng 4 năm nay.
“Chúng tôi cũng thường đạp xe vượt đèo lên Đà Lạt. Nhưng giải đua Cúp Truyền hình HTV năm nay có một điều đặc biệt, đó là có cháu Lộc, gia đình cháu ở cách nhà tôi vài căn, đang thi đấu rất tốt trong mùa giải năm nay nên cả xã ai đạp xe có thời gian thì tranh thủ lên đây cổ vũ cho cháu và cho đoàn đua”, bà Lê Thị Mai - một thành viên trong nhóm cho biết.
Phạm Lê Xuân Lộc, 19 tuổi, là người thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, hiện đang đầu quân và thi đấu nổi bật trong đội đua xe đạp nam Quân khu 7. Liên tục trong 3 năm gần đây, Lộc là VĐV trẻ xuất sắc tại Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh - giải đua xe đạp nam lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Sinh năm 1963, bà Mai người thôn Phú An, xã Phú Hội cho biết, bà gia nhập nhóm xe đạp ở Phú Hội đã hơn 4 năm. “Trước cũng chỉ ở nhà làm vườn, mua bán tạp hóa, quẩn quanh trong thôn xóm. Nhưng từ khi con cái trưởng thành, nên vợ chồng, tôi cũng rảnh bớt, dành thời gian theo mọi người trong xóm tập luyện thể dục thể thao, tập dân vũ, tham gia các hoạt động xã hội. Con cái trong nhà thấy vậy cũng mừng, vận động vợ chồng tôi nên dành thời gian cho thể dục, nâng cao sức khỏe. Trong xóm tôi, lâu nay có nhiều người rủ mua xe đạp về đạp cho khỏe, chồng tôi ban đầu tham gia nhóm rồi đến tôi. Lúc đầu cũng chỉ đạp xe lòng vòng các con đường trong xã, rồi sau đó đạp qua các xã xung quanh, đến các con đường quanh Thủy điện Đa Nhim tại xã Ninh Gia, rồi tôi đạp xa hơn chút, nhiều lần vượt đèo Prenn lên Đà Lạt”, bà Mai kể lại.
“Được một điều là phong trào đạp xe giờ rất nổi ở xã tôi cũng như tại xã Ninh Gia và xã Tân Hội, trong đó, Tân Hội rất đông người tham gia, có thành lập câu lạc bộ bài bản. Nếu tính chung 3 xã phải đến 40 - 50 người đạp xe. Còn xã tôi có các nhóm xe đạp, trong đó có không ít những người lớn tuổi như tôi nên cũng rất vui”, bà Mai nói thêm.
Ấn tượng nhất trong những chuyến đi xa, theo bà Mai, chính là năm 2023 khi các nhóm xe đạp của 3 xã: Phú Hội, Tân Hội và Ninh Gia cùng tập hợp với nhau thành 1 đoàn gần 40 thành viên cùng đạp xe xuống Phan Thiết qua Di Linh, để tham dự các hoạt động với các nhóm xe đạp phong trào của Phan Thiết. Khi về lại Lâm Đồng, cả đoàn đã vượt đèo Gia Bắc. “Chuyến đi đó, tôi cũng muốn đạp xe thử sức mình nhưng được phân công làm hậu cần. Vì mọi người đi xe đạp nên cần 2 - 3 chiếc xe máy chở nước, thức ăn, ba lô, áo quần, các vật dụng cần thiết cho các thành viên trong đoàn. Tôi cùng một nhóm 6 người đi trên 3 chiếc xe máy để phục vụ, chuyến đi rất vui, có rất nhiều nữ lớn tuổi như tôi, mọi người đoàn kết, cùng vượt qua một cung đường đi về rất dài trong đó có việc leo đèo cao bằng xe đạp”, bà Mai kể.
Trong tháng 8 vừa rồi, bà Mai cho biết cũng có 1 đoàn xe đạp chừng 10 thành viên trong 3 xã, chủ yếu là người lớn tuổi, trong đó có chồng bà, ông Phùng Văn Lý (sinh năm 1957), cùng đạp xe từ Đức Trọng xuống ngả Phan Rang, ra Nha Trang - Khánh Hòa tham dự một hoạt động của nhóm xe đạp của thành phố này mời, sau đó từ Nha Trang cả nhóm thử sức mình bằng cách leo đèo Khánh Vĩnh để lên lại Đà Lạt rồi xuôi về Đức Trọng. “Không chỉ tôi mà rất nhiều người lớn tuổi từ khi tham dự nhóm xe đạp, đạp xe đi đây đó thấy tinh thần thoải mái hẳn. Như tôi bệnh khớp, đau yếu lặt vặt cũng giảm hẳn vì sức khỏe mình thấy được nâng lên. Và cái được nữa là niềm vui, vui được giao lưu với các anh chị ngang lứa tuổi mình hay nhỏ hơn tại nhiều nơi cùng yêu thích xe đạp”, bà Mai chia sẻ.
Bà Mai cho biết, trong tháng 11 sắp đến, các thành viên xe đạp trong 3 xã của bà lại sẽ đạp xe vượt đèo lên Đà Lạt cho một chương trình giao lưu với các nhóm xe đạp ở Đà Lạt, chủ yếu cũng người lớn tuổi.
Không chỉ các thành viên của xã Phú Hội, trong nhóm lên Đà Lạt đón đoàn đua xe đạp HTV hôm đó còn có các thành viên của xã Ninh Gia, một trong số đó là bà Dương Thị Ái Phượng. Bà Phượng (sinh năm 1973), người thôn Đăng S’rol, xã Ninh Gia cho biết đã tham gia cùng nhóm xe đạp trong xã hơn 6 năm. “Bận công việc nhà nhưng thấy thể thao có lợi cho sức khỏe nên tôi những năm gần đây đã dành thời gian để đi tập luyện. Lúc đầu, tôi đi bộ, rồi tập aerobic, tập dân vũ, tập yoga, sau được mọi người vận động tôi tham gia nhóm xe đạp và thấy mê nó từ đó đến giờ”, bà Phượng nói.
Mê nên bà Phượng đã quyết định mua một chiếc xe đạp trên 30 triệu đồng. “Lúc đầu, tôi mua xe đạp chỉ 5,5 triệu đồng, nghĩ là đạp được rồi, nhưng sau đó đã đổi chiếc đang đi này. Phải có giá vậy thì mới đạp đi xa được, an toàn trên đường, xe nhẹ, rất dễ đạp, chứ xe ít tiền, khung sườn rất nặng, đạp mất sức. Trong nhóm tôi có người mua xe đạp cả trăm triệu đồng, có người còn mua xe nhiều tiền hơn”, bà cho biết.
Điểm thuận lợi cho những người yêu thích xe đạp tại xã Ninh Gia và các xã chung quanh trong vùng, theo bà Phượng, là có hồ thủy điện Đại Ninh rất đẹp. Lãnh đạo đơn vị quản lý hồ đã mở cửa cho người dân địa phương vào đạp xe các con đường quanh hồ hằng ngày. Cứ 5 giờ 30 sáng, bà Phượng cùng các bạn bè đạp xe ra con đường này, cùng chạy lòng vòng bờ đập, rồi tập thể dục, chừng 7 giờ về lo công việc nhà.
Mê xe đạp nên bà Phượng lâu nay luôn là thành viên tích cực trong các hoạt động của nhóm xe đạp xã Ninh Gia. Trong năm ngoái, khi các nhóm xe đạp của 3 xã Ninh Gia, Tân Hội và Phú Hội cùng tổ chức chuyến đi giao lưu tại thành phố Phan Thiết - Bình Thuận, bà đã đạp xe suốt cho chặng đi và cả cho lượt về trong đó có việc leo đèo cao.
Gần đây, nhóm xe đạp của bà đã tổ chức chuyến đi Phan Rang - Ninh Thuận, bà cùng nhóm đạp xe xuống Phan Rang, đi xe dọc theo con đường biển trong đó có việc leo đèo Vĩnh Hy của Ninh Thuận trước khi về lại Lâm Đồng trong đó có việc chinh phục đèo Sông Pha cùng các thành viên trong nhóm. “Nhìn đường thì dài nhưng cứ đi rồi sẽ đến. Còn leo đèo dù cao thì cứ đạp mệt thì nghỉ, uống nước, rồi đạp tiếp. Tùy sức, mình đâu có đua với ai, chỉ đua với chính mình”, bà Phượng cười.
“Trước tôi đi bộ nhưng do bị thần kinh tọa, bác sĩ bảo cũng hạn chế, nay đạp xe thấy khỏe hẳn ra. Các nhóm đạp xe trong vùng với các thành viên nữ nhiều người cũng lớn tuổi, có người lớn tuổi hơn nhiều mà vẫn đạp được và chạy rất tốt thì mình cũng phải cố gắng. Các nhóm sinh hoạt rất vui, có rất nhiều hoạt động trong tháng, ai có điều kiện thì tham gia”, bà Phượng cho biết.
Rất nhiều thành viên tích cực trong nhóm thường đạp xe chung với nhau mà bà Mai và bà Phượng nhắc đến với chúng tôi, như bà Bùi Thị Nhung, sinh năm 1958, tuổi này nhưng bà vẫn chạy xe rất khỏe hằng ngày; như chị Phương Thị Tú Châu, sinh năm 1979, vừa chơi cầu lông vừa đạp xe đạp. Hay như bà Nguyễn Thị Ty, sinh năm 1968, người thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia cũng rất tích cực, và còn rất nhiều người khác trong các vùng quê của 3 xã của vùng đất Đức Trọng này nữa.
Đến đây mới thấy thể thao không chỉ riêng cho ai đó mà dường như đã dành cho tất cả mọi người dân nơi đây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin