Để đưa mỗi trận đấu, mỗi giải đấu thể thao đến thành công, cần có sự góp sức từ nhiều phía, từ phía vận động viên, từ ban tổ chức giải và cũng có một phần rất lớn từ trọng tài - những người chịu trách nhiệm “cầm cân nẩy mực” điều hành các trận đấu một cách công bằng.
Trọng tài Võ Duy Cảnh |
Cũng từng có ước mơ trở thành một cầu thủ, mơ trở thành một vận động viên theo đuổi nghiệp thể thao, nhưng rồi lại trở thành một trọng tài, như một “cơ duyên”, một “ cái nghiệp” mà “mình lỡ theo rồi thì phải làm cho tốt”. Đó là chia sẻ của anh Võ Duy Cảnh, một trọng tài của làng thể thao Lâm Đồng với trên 20 năm cầm còi trong các trận đấu bóng đá phong trào của tỉnh, từ giải cấp xã, giải cấp huyện đến cấp tỉnh.
Sinh năm 1981, anh Cảnh người thôn An Phước, Đạ Đờn, Lâm Hà. Anh mê quả bóng từ nhỏ, khi vào bậc trung học cơ sở đã là thành viên đội tuyển bóng đá và bóng chuyền của Trường Võ Thị Sáu tại Đạ Đờn. Lên bậc trung học phổ thông, anh cũng là thành viên đội tuyển bóng đá của Trường Trung học phổ thông Lâm Hà. Khi hết phổ thông, anh chọn thi vào một trường thể dục thể thao tại TP Hồ Chí Minh để theo nghề dạy giáo dục thể chất trong trường học. Nhưng ước vọng không thành, anh ở nhà lập gia đình và an phận với nghề làm vườn, canh tác cà phê của mình.
Nhà anh có 7 sào cà phê gần nhà, đây là đất của cha mẹ để lại cho gia đình anh. Đạ Đờn nổi tiếng là vùng đất cà phê phì nhiêu của huyện Lâm Hà, 2 vợ chồng anh canh tác phần đất này để nuôi 2 đứa con ăn học. Trồng cà phê, theo anh, cũng nhàn, chỉ bận rộn lúc vào mùa, nhưng những thời điểm đó anh chị đều thuê thêm người để thu hoạch. “Thời điểm này trong năm, vùng tôi đã bắt đầu hái lai rai, cà phê đang có giá. Năm ngoái nhà tôi thu chừng hơn 3 tấn nhân, do bán từ đầu mùa dù giá lúc đó đã tăng rồi nhưng không tăng cao gấp đôi như hiện nay. Với giá như thời điểm này, người trồng cà phê an tâm sống được”, anh Cảnh tươi cười.
Ở nhà làm vườn, anh Cảnh lúc rảnh vẫn thường xuyên đi đá bóng trong xã. Một dịp, có một cán bộ ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Lâm Hà hỏi anh có muốn làm trọng tài các giải đấu trong huyện không, anh đã không ngần ngại đồng ý.
Sau khi tham dự các lớp tập huấn trọng tài của huyện, anh Cảnh bắt đầu nghiệp cầm còi của mình, như là một niềm vui cùng với nghề làm cà phê của mình. Cứ có điện thoại mời dự giải là anh đi, từ bóng đá phong trào của xã đến các giải của huyện, các giải thể thao xã hội hóa trong vùng, cả làm trọng tài cho các giải bóng chuyền và các môn thể thao khác.
Năm 2011, anh Cảnh được Hội Trọng tài tỉnh cử đi tham dự lớp trọng tài bóng đá quốc gia, khi về, anh bắt đầu tham gia điều hành các giải bóng đá phong trào trong tỉnh từ đó đến nay.
Và không chỉ trọng tài bóng đá và bóng chuyền, anh còn làm trọng tài cho rất nhiều các môn khác trong các giải cấp tỉnh như cầu lông, quần vợt, bóng bàn… khi cần. Không chỉ các giải tổ chức ở Đà Lạt, anh còn làm trọng tài các giải tổ chức ở các địa phương trong khắp cả tỉnh, các hội thao của các sở, ban, ngành.
Cũng cần nói rằng, anh Cảnh không phải là người ăn lương để làm trọng tài mà chỉ là một người tham gia công tác này như là một người làm thêm ngoài giờ. So với nghề làm vườn thì tất nhiên, thu nhập từ nghề làm thêm này hầu như chẳng bao nhiêu so với công sức anh bỏ ra. “Hầu hết là tự bỏ tiền túi ra. Cứ nghe điện báo có giải là mình sắp xếp công việc để từ Đạ Đờn vượt đèo lên Đà Lạt dự giải. Nhận lời làm trọng tài thì mưa gió gì cũng đi. Thường thì có giải sáng đi chiều về, nhưng cũng có giải phải ở lại Đà Lạt hay ở các huyện dài ngày. Có những giải có các đơn vị bao ăn, nhưng nhiều giải mình phải tự túc, cả ăn lẫn chỗ ở”, anh Cảnh nói.
Theo anh Cảnh, hầu hết các giải phong trào, như giải bóng đá 11 người cấp tỉnh hằng năm chẳng hạn, thường có nhiều đội tham dự. Do các đội ở xa, có nhiều trận đấu trong các vòng đấu nên Ban tổ chức giải thường phải bố trí đá các trận liền nhau trong ngày, cả sáng, chiều. Giải kéo dài vài ngày thì các trọng tài phải trực giải, thay phiên bắt chính hay làm trọng tài biên, làm giám sát, hầu như chạy cả ngày trên sân, xong giải mới được nghỉ. Tiền thù lao trả từng trận đấu như vậy cho cả tổ trọng tài thường không nhiều. “Có giải trả được được chút vì có sự tài trợ nhưng có những giải tiền bồi dưỡng cho trọng tài chẳng bao nhiêu. Có giải mỗi trận như thế mỗi trọng tài thường nhận được chừng vài chục nghìn đồng, có giải chưa đến 100 nghìn đồng trả mỗi ngày cho một trọng tài. Còn giải cấp tỉnh thì cũng chừng 120 nghìn đồng/người/ ngày, quy định như thế thì mình phải tuân thủ theo thôi”, anh Cảnh cho biết.
Đầu trần, áo thể thao tay ngắn, quần đùi, chân mang giày, là trọng tài anh phải chạy cả ngày dầm mưa dãi nắng trên sân. Người sạm nắng, thu nhập chẳng bao nhiêu mà phải rong ruổi đường dài nên anh cho biết, nhiều lúc bị vợ cằn nhằn. “Những năm đầu, vợ thường nói sao cứ vắng nhà hoài, không chỉ bảo con cái ăn học hằng ngày, không lo được con cái. Do những ngày trước 2 con trai còn nhỏ, mình vợ lo không xuể. Nhưng nay 2 con cũng lớn rồi, tự lo được nên cũng an tâm, vợ cũng bớt nói. Với lại vợ cũng biết niềm đam mê thể thao của mình nên cũng đỡ. Cứ có giải là đi”, anh nói.
Rất nhiều chuyện vui buồn trong cái nghiệp cầm còi bóng đá phong trào anh kể lại cho chúng tôi nghe. “Thường thì các cầu thủ tuân thủ theo luật chơi nhưng cũng có những trận đấu có cầu thủ có máu ăn thua, gây áp lực, đòi hành hung trọng tài, đòi giành quả đá phạt, cay cú vì cách đá của các cầu thủ đội bạn... Rất nhiều tình huống trên sân mà nếu điều hành không tốt thì trận đấu có thể đổ vỡ. Lúc đó mình cần bình tĩnh, tham khảo ý kiến từ 2 bên cầu thủ, từ đồng nghiệp làm biên, nhờ ban tổ chức vào để cùng dàn xếp mọi việc ổn thỏa”, anh Cảnh cho biết.
“Mỗi trận đấu thành công góp phần làm giải đấu thành công. Để giải thành công phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó cần làm tốt công tác tổ chức và công tác trọng tài. Giải tổ chức tốt sẽ góp phần không nhỏ để địa phương phát triển phong trào", anh Cảnh chia sẻ.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình trên sân hay trong từng trận đấu, theo anh Cảnh, một người trọng tài cần nắm vững luật thi đấu và những quy định của giải, công tâm, không thiên vị, bình tĩnh để giải tỏa những pha tranh cãi không đáng có. “Cần vui vẻ, hòa nhã, tươi cười, hòa đồng, giảm căng thẳng 2 bên, phán xử hợp tình hợp lý để trận đấu kết thúc tốt đẹp, bên thắng lẫn bên thua đều vui là được”, anh nói.
Mong muốn của anh là Hội Trọng tài của tỉnh đã nhiều năm nay chưa tổ chức được đại hội nên sớm củng cố trở lại. Để những người làm trọng tài trong tỉnh gặp nhau, cùng đoàn kết, chia sẻ công việc cũng như niềm vui, niềm đam mê cùng nhau cống hiến cho thể thao. “Giờ thì còn sức cứ làm, hễ có giải là lên đường. Còn mê còn chơi, lớn tuổi rồi tính sau. Chắc lúc đó hết làm trọng tài thì về nhà làm vườn”, anh Cảnh vui cười.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin