Trong khi đội bóng đá tỉnh nhiều năm không trở lại thứ hạng cao được thì bóng đá phong trào trong tỉnh vẫn phát triển mạnh
Trong khi đội bóng đá tỉnh nhiều năm không trở lại thứ hạng cao được thì bóng đá phong trào trong tỉnh vẫn phát triển mạnh
Các giải bóng đá phong trào vẫn được tỉnh và các địa phương tổ chức thường xuyên hằng năm. |
Theo Liên đoàn Bóng đá Lâm Đồng, trong 5 năm vừa qua, bóng đá phong trào trong tỉnh đã phát triển rất mạnh ở hầu hết khắp các địa phương từ huyện đến xã phường, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Hầu hết các huyện thành phố đến nay đều có đội tuyển bóng đá, hằng năm thăm dự thi đấu giải cấp tỉnh, các xã đều có các đội bóng đá thi đấu tại địa phương; các đội bóng doanh nghiệp, đơn vị, ngành thi đấu các giải hội thao cấp ngành hoặc liên ngành, hội thao công nhân viên chức. Hầu hết các huyện thành phố hằng năm đều tổ chức các giải bóng đá cơ sở ở xã, các giải cấp huyện và liên huyện. Điển hình cho các địa phương phong trào bóng đá mạnh hiện nay có thể kể đến Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc và Đà Lạt.
Đến nay, Liên đoàn Bóng đá tỉnh đã có 11 thành viên là Hội bóng của hầu hết các huyện thành trong tỉnh với gần 400 câu lạc bộ (đội bóng) đang tập luyện trên 100 sân bóng trong đó có 1 sân cấp tỉnh, 4 sân cấp huyện và 96 sân cấp xã phường. Cùng với Liên đoàn, nhiều Hội bóng đã các huyện hoạt động rất tích cực, hằng năm phối hợp với các Trung tâm Văn hoá thể thao các huyện, thành tổ chức nhiều giải bóng đá cho nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng từ cán bộ công chức, học sinh sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số, đơn vị lực lượng vũ trang, khối doanh nghiệp… Trung bình mỗi năm gần đây có khoảng 50 giải bóng đá phong trào được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh, thu hút hơn 1000 vận động viên của các câu lạc bộ tham gia.
Để vận hành các giải bóng đá phong trào trong tỉnh, Liên đoàn Bóng đá Lâm Đồng trong thời gian qua đã thành lập Hội Trọng tài bóng đá với 22 hội viên. Hằng năm không chỉ vận hành các giải cấp tỉnh và huyện, hội Trọng tài còn phối hợp với Trung tâm Thể thao tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong tài cho cấp cơ sở. Nhiều trọng tài Lâm Đồng hiện nay được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam triệu tập hằng năm điều hành các trận đấu ở giải chuyên nghiệp, giải hạng nhất, hạng nhì quốc gia.
Trên các nền phong trào mạnh này, trong những năm gần đây các đội năng khiếu bóng đá tỉnh đã thi đấu khá tốt trong giải các lứa tuổi quốc gia hằng năm. Năm 2008, U.11 Lâm Đồng đã vào đến vòng chung kết Cúp Yamaha và vòng chung kết Bóng đá tiểu học Hội khoẻ Phù Đồng toàn quốc tại Phú Thọ. Đội bóng thanh niên dân tộc Lâm Đồng cũng có thành tích rất tốt tại giải bóng đá các tỉnh Tây nguyên hằng năm . Đặc biệt trong thời gian vừa qua, đội bóng đá nữ Lâm Đồng lần đầu tiên đã được tập trung và tham gia giải vô địch quốc gia.
Trong nỗ lực đi lên bằng nội lực, trong những năm gần đây cầu thủ đội tuyển bóng đá Lâm Đồng đã dần được thay thể bằng các cầu thủ trẻ ở các lớp năng khiếu của tỉnh vốn được tuyển chọn từ các giải phong trào. Điều đáng tiếc duy nhất hiện nay là đội tuyển bóng đá Lâm Đồng vẫn đang giậm chân ở giải hạng nhì. Một điểm khác nữa là cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao trong tỉnh vẫn còn rất ít và chưa được đầu tư đúng mức. Đà Lạt hiện vẫn không biết chừng nào mới có sân vận động, nhà thi đấu tại Khu liên hợp Thể thao Phường 7.
Để đưa môn thể thao vua trở lại với giải đấu thứ hạng cao trong nước, Liên đoàn Bóng đá Lâm Đồng đang đặt ra chỉ tiêu đưa đội tuyển bóng đá tỉnh trở lại hạng nhất trong năm 2011. Để làm được điều này, việc cơ bản, theo Liên đoàn, cần duy trì và phát triển bóng đá phong trào như hiện nay đã có một cách sâu rộng vững chắc hơn, với mục tiêu cụ thể là 50% số xã phường trong toàn tỉnh xây dựng được đội bóng đá và câu lạc bộ bóng đá. Liên đoàn sắp đến sẽ kết hợp chặt chẽ hơn với các ngành Giáo dục, Liên đoàn lao động tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân… để tổ chức các giải bóng đá hằng năm trong khối của mình. Cùng đó, để tạo thêm nguồn lực, việc vận động tài trợ, huy động xã hôi hoá cho bóng đá cũng sẽ được Liên đoàn chú ý và đẩy mạnh