
Cả đất nước New Zealand, gần cả trăm nghìn khách quốc tế đến đây cùng hơn 4 tỷ người trên khắp hành tinh qua truyền hình những ngày này đang thưởng thức các trận đấu đầy hấp dẫn của giải Bóng bầu dục Thế giới 2011 (Rugby World Cup 2011) diễn ra từ 9/9 đến 23/10.
![]() |
Một trận đấu bóng bầu dục. Nguồn Internet |
KHI BÓNG BẦU DỤC LÀ BÓNG ĐÁ?
Với những người hâm mộ, chẳng hạn như ở Việt Nam, khi nói đến bóng đá thường hiểu rằng đó là trò chơi trên sân với quả bóng tròn, chỉ được chơi bằng chân (trừ thủ môn). Cách hiểu này khá phổ biến ở rất nhiều quốc gia nên trong tiếng Anh, bóng đá là “football”, trong đó “foot” là chân và “ball” là quả bóng. Việt Nam trước đây vẫn có một từ dịch nghĩa rất chính xác từ tiếng Anh này là “túc cầu”. Nhưng có những nơi khi nói đến “football” thì đó không phải là quả bóng tròn như chúng ta vẫn thường nghĩ mà là bóng bầu dục “rugby”, cầu thủ khi chơi bóng dùng cả chân và tay theo một cách rất khác thứ bóng đá có tại Việt Nam hiện nay.
Người Mỹ, khi chơi bóng bầu dục vẫn cho rằng họ đang chơi “football”, còn bóng chơi chỉ bằng chân là “soccer”. Tại Úc khi là một du học sinh ở quốc gia này, người viết đã nhiều lần được bạn cùng lớp rủ đi xem football (hay footy) vốn là bóng đá kiểu Úc, hay là “rugby football”, chơi bóng theo kiểu chân đá, tay ném. Ở Úc, rugby và bóng gậy (cricket) là 2 môn thể thao rất phổ thông, còn bóng đá football không mấy người chơi. Để phân biệt football với rugby, Đội bóng đá quốc gia Úc được đặt biệt danh là “Socceroos” (ghép từ từ soccer và nửa sau của Kangaroo, tên của loài chuột túi biểu tượng của nước này). Với bóng bầu dục rugby, Úc có giải quốc gia rất lớn thu hút đông đảo khán giả đến sân cổ vũ. Người viết từng chứng kiến đường phố Sydney đông nghịt người từ mọi nơi đổ về khu vực sân vận động Olympic, nơi các trận đấu đinh diễn ra. Họ đi thành đoàn rất trật tự, mặc áo thi đấu, cổ quấn khăn màu truyền thống của đội mình để cổ vũ, đặc biệt có rất đông phụ nữ và trẻ em cùng đi.
Rugby được coi là một dạng như bóng đá, xuất hiện rất lâu trong lịch sử nước Anh rồi lan rộng ra nhiều quốc gia châu Âu. Lúc đầu, đây được coi là trò chơi của các làng với nhau, quả bóng lúc đầu sử dụng là một bong bóng heo tự nhiên được xử lý lại, người chơi hai đội thi nhau bắt heo (là quả bóng) để mang đến chợ, chợ là vạch cuối sân. Bắt heo thì phải đông người, dùng cả tay lẫn chân giữ con heo chộp được nên lúc đầu mỗi đội đông bao nhiêu cũng được, hầu như là trai tráng cả làng tham gia. Luật chơi môn này dần được hoàn thiện trong thế kỷ 19 và sau đó được đưa vào trường học với các giải thi đấu của học sinh hằng năm. Để tránh cái cảnh chen lấn, xô đẩy gây chấn thương, số người trong mỗi đội dần được hạn chế. Tuy nhiên, nếu như bóng đá “football” nhờ đơn giản hóa luật chơi nên phát triển nhanh trên phạm vi toàn cầu thì trong bóng bầu dục “rugby” mỗi quốc gia vẫn tồn tại những cách chơi khác nhau. Chẳng hạn, rugby ở Mỹ chơi khác với rugby ở Canada. Ngay cả ở Úc trong một quốc gia vẫn tồn tại 2 loại rugby, 1 loại là “rugby union”, loại thứ 2 là “rugby league”. Hai cách chơi có những điểm tương đồng nhau nhưng trong 2 loại thì “rugby league” được coi là có cải tiến nhiều so với “rugby union”, luật lệ dễ chơi hơn, trận đấu nhanh hơn, hấp dẫn hơn. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là cầu thủ “rugby union” 15 người trong khi của “rugby league” chỉ có 13.
Về cơ bản dù có nhiều khác biệt nhưng cũng không khó lắm để theo dõi một trận đấu của rugby union đang diễn ra ở Cúp Bóng bầu dục thế giới. Giống như sân bóng đá, sân chơi bóng bầu dục cũng là sân cỏ, chiều dài khoảng 100 mét, chiều rộng 70 mét, hai cầu môn chữ H cuối sân. Hai đội bóng mỗi đội 15 người, cầu thủ 2 đội tranh nhau ôm bóng lao về phía trước ghi điểm hoặc đá vào cầu môn đối phương. Bóng có thể đá, có thể ôm bóng chạy nhưng chỉ được chuyền ngang bóng, không chuyền tới trước. Do quả bóng hình bầu dục nên quỹ đạo đi khó đoán trước được và theo luật thì khi một cầu thủ có bóng thì cầu thủ đối phương sẽ làm mọi cách để chặn cầu thủ này lại bằng cách ôm, đè, chèn người. Để vượt qua sự ngăn chặn của đối phương, các cầu thủ chơi bóng bầu dục phải khéo léo, có kỹ năng xoay trở, phối hợp đồng đội tốt và cái chính là phải to, khỏe để đè lại đối phương. Chính vì vậy, những ai lần đầu đến sân sẽ thấy môn thể thao này sao mà… bạo lực quá. Người viết một lần đã chứng kiến cảnh 2 cầu thủ lao vào nhau cùng chấn thương phải cáng ra sân trong tình trạng nguy kịch. Nhưng với những người Úc yêu bóng bầu dục, đây mới thực sự là môn thể thao của đàn ông, một sự thử thách về ý chí, sức mạnh, sự dũng cảm, tính kiên trì…
CƠ HỘI QUẢNG BÁ CHO NEW ZEALAND
Đây là lần thứ 7 Cúp Bóng bầu dục thế giới được tổ chức kể từ năm 1987 theo chu kỳ 4 năm 1 lần và chủ nhà lần này là New Zealand, một quốc gia 4 triệu dân nằm gần Úc ở Nam bán cầu. Giải diễn ra từ ngày 9/9 kéo dài trong 7 tuần và trận chung kết sẽ được tổ chức vào chủ nhật 23/10, ngày nghỉ lễ lao động của nước này. Tranh cúp năm nay có 20 đội tuyển quốc gia đến từ 5 châu lục, chia làm 4 bảng thi đấu vòng tròn, (bảng A: chủ nhà New Zealand, Pháp, Canada, Tonga (một quốc đảo trên Thái Bình Dương, gần Úc) và Nhật Bản ; bảng B gồm Argentina, Anh Quốc, Scotland, Georgia và Rumani; bảng C có Úc, Ireland, Ý, Mỹ và Nga; bảng D có Nam Phi, Xứ Wales, Namibia (một quốc gia ở châu Phi), Fiji và Samoa (2 quốc đảo trên Thái Bình Dương, gần Úc), các đội xếp đầu sẽ lọt vào vòng trong.
Mặc dù đây là lần thứ hai New Zealand đăng cai Cúp thế giới bóng bầu dục (lần đầu năm 1987) và cũng 3 lần nước này tổ chức thành công các sự kiện lớn như Thế vận hội Khối thịnh vượng chung (Commonwealth Games) năm 1990, Cúp thế giới bóng gậy (Cricket) 1992, nhưng với Cúp bóng bầu dục thế giới lần này được coi là sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay mà quốc gia nhỏ này từng tổ chức. Để chào đón các đoàn và người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới về đây cho ngày hội, New Zealand đã chi ra hơn 329 triệu đô New Zealand để tu bổ các sân vận động, công trình phục vụ mới tại 13 điểm thi đấu và nước này dự kiến thu vào khoảng 289 triệu đô NZ chỉ riêng cho việc bán vé. Đây cũng là một cơ hội lớn để quốc gia xinh đẹp vốn nằm biệt lập này quảng bá về đất nước mình trên các kênh quốc tế. Với 91 đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại, gần một nửa thế giới với 4 tỷ người theo dõi qua màn hình, quả thật đây là một con số đầy ấn tượng. Năm ngoái, đích thân các lãnh đạo New Zealand đã đi quảng bá sự kiện này đến nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam, nhưng điều đáng tiếc rằng ở nước ta hiện nay bóng bầu dục vẫn là một môn còn xa lạ lắm.