Rầm rộ xuất quân dự SEA Games

08:10, 27/10/2011

Cuối tuần này Thể thao Việt Nam sẽ long trọng làm lễ xuất quân lên đường dự SEA Games 26 tại Indonesia. Chỉ tiêu đặt ra cho đoàn là phấn đấu đạt 70 Huy chương Vàng trở lên và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực.

Cuối tuần này Thể thao Việt Nam sẽ long trọng làm lễ xuất quân lên đường dự SEA Games 26 tại Indonesia. Chỉ tiêu đặt ra cho đoàn là phấn đấu đạt 70 Huy chương Vàng trở lên và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực.
 
Các VĐV môn Wushu của Việt Nam
Các VĐV môn Wushu của Việt Nam

HY VỌNG TỪ NHỮNG BỘ MÔN NÀO?

Lễ xuất quân dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội và sau đó ngày 4/11 TP HCM sẽ tổ chức chương trình “Niềm tin chiến thắng” để động viên tinh thần các VĐV. Tranh tài trên đất khách lần này, Thể thao Việt Nam cử một lực lượng hùng hậu gần 900 thành viên tham dự.

 Tại Indonesia, Thể thao Việt Nam sẽ được chia làm 2 đoàn. Tại thủ đô Jakarta, Việt Nam tham dự 16 môn với 19 đội tuyển) gồm: Bắn cung, cầu lông, chèo thuyền, xe đạp đường trường, xe đạp địa hình, kiếm, bóng đá nam, Futsal, Judo, bóng chày, Rowling Golf, các môn võ Karatedo, Pencak Silat, Taekwondo, Vovinam, Wushu, Shorinji Kempo. Tại Palembang, đoàn thi đấu 14 môn (với 17 đội tuyển) gồm: Điền kinh, bơi lội, nhảy cầu, bi a, cờ vua, Boxing, lặn, thể dục dụng cụ, Aerobic, bi sắt, cầu mây, bắn súng, quần vợt, bóng chuyền, bóng chuyền bãi biển, cử tạ, vật. Các đội tuyển xã hội hóa trong các môn bơi nghệ thuật, bóng chày, leo tường, bóng rổ, dù lượn và Roller Sport cũng được phân theo địa điểm thi đấu. Đông nhất trong số các đội tuyển là bóng đá, bên cạnh đó là điền kinh (với 41 VĐV), kế tiếp là bơi, bắn súng, môn vật...

Theo Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, mục tiêu đạt 70 HCV trở lên nằm trong tầm tay của Thể thao Việt Nam vì các bộ môn đã có sự chuẩn bị khá kỹ. Hầu hết các bộ môn thể thao thi đấu chính thống lâu nay đều có át chủ bài của mình cho việc tranh HC, còn với những môn mới nặng về giải trí như đánh bài, trượt patin đường phố… 10 môn với 120 bộ huy chương) thì Việt Nam đến để… học hỏi. Cần biết rằng trong khu vực có những quốc gia rất mạnh về các môn giải trí này như Malaysia, Philippines và việc họ giành HCV là điều hiển nhiên nên Thể thao Việt Nam chỉ phấn đấu nằm trong tốp dẫn đầu huy chương của khu vực.

Kể từ SEA Games 22 đến nay, Thể Thao Việt Nam luôn duy trì vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á. Tại SEA Games 22, với tư cách chủ nhà, Thể thao Việt Nam giành đến 156 Huy chương Vàng (HCV), xếp nhất toàn đoàn. Tại SEA Games 23 Thể thao Việt Nam giành được 71 HCV, xếp thứ 3; tại SEA Games 24 giành 64 HCV xếp thứ 3 và SEA Games 25 vừa qua, Thể thao Việt Nam xếp thứ 2 với 83 HCV. Để lọt vào tốp 3 quốc gia đứng đầu lần này, theo tính toán Thể thao Việt Nam cần giành ít nhất 70 HCV.

Trong số các bộ môn có khả năng tranh chấp huy chương cao, hy vọng nhất vẫn là các môn võ, vốn là thế mạnh lâu nay của Thể thao Việt Nam như Judo, Wushu, vật, Karate, Pencak Silat, Taekwondo… Đặc biệt với Vovinam, môn võ được Việt Nam đưa vào SEA Games và năm nay với 16 nội dung thi đấu, các VĐV Việt Nam hoàn toàn hy vọng có thể tạo nên một cơn mưa HC Vàng cho bộ môn này. Vật (17 nội dung) cũng là một môn mà VĐV Việt Nam hoàn toàn hy vọng có thể tranh chấp các vị trí cao nhất. Kế đến là bắn súng, điền kinh. Với bắn súng dù bị cắt giảm hàng loạt các nội dung vốn là thế mạnh lâu nay nhưng vẫn còn ít nhất là 6 nội dung để Thể thao Việt Nam có thể tranh chấp với các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia để giành HCV. Điền kinh cũng được đặt nhiều hy vọng đạt từ 8 đến 10 HCV với các khuôn mặt nổi bật như Trương Thanh Hằng (nội dung 800m, 1.500m), Vũ Thị Hương (nội dung 100m, 200m), Nguyễn Đình Cương (cự ly 800m, 1.500m), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp)... Lặn, Cử tạ, Cầu mây… hy vọng cũng sẽ mang lại không ít HC trong đó có HCV.
 
Võ thuật vẫn là bộ môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam
Võ thuật vẫn là bộ môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam

THƯỞNG BAO NHIÊU CHO MỘT HCV?

Theo một thông tin gần đây, việc thưởng cho VĐV đoạt HC tại SEA Games 26 cũng được Thể thao Việt Nam đặt ra trước khi xuất quân với mức cụ thể như sau: với mỗi HCV được thưởng 40 triệu đồng, HC Bạc 25 triệu đồng và HC đồng 20 triệu đồng. VĐV phá kỷ lục SEA Games sẽ được thưởng thêm 15 triệu đồng. Để khuyến khích các VĐV giành HC, một Mạnh Thường Quân trong nước sẽ tài trợ để thưởng thêm cho mỗi tấm HCV 3 triệu đồng, một nhà tài trợ khác thưởng nóng 50 triệu cho 5 HCV đầu tiên trong 5 nội dung khác nhau. Như vậy, tính tổng số tiền thưởng cho 1 HCV khoảng 50 triệu đồng. Nếu đạt được 70 HCV như chỉ tiêu đặt ra, cộng thêm cả tiền thưởng HCB, HCĐ cùng tiền thưởng cho HLV, tổng số tiền dành cho giải thưởng sẽ vào khoảng trên 10 tỷ đồng, một con số không phải nhỏ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với bóng đá nam - môn thể thao vua ở Việt Nam thì con số này lại chẳng thấm vào đâu nếu tính chia đều cho số người. Trước khi xuất quân, một số doanh nghiệp trong nước rồi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF đã treo thưởng nếu như thầy trò HLV Falko Goetz giành HCV, tiền thưởng sẽ không dưới 30 tỷ đồng. Nếu so 30 tỷ với 10 tỷ cho cả đoàn hơn 40 đội tuyển, trên 500 VĐV thì đúng là quá… chênh lệch. Tất nhiên, với điều kiện là đội bóng phải đoạt được HCV, còn không thì cũng chẳng ra sao.

Theo ông Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, dù tiền thưởng chỉ đến mức như thế nhưng đây đã là một số gắng rất lớn của Chính phủ trong điều kiện hiện nay. Vấn đề theo ông là một số bộ môn cần làm tốt hơn công tác xã hội hóa, cần đẩy mạnh việc quảng bá để có thể có thêm tiền thưởng hơn cho VĐV, bù đắp phần nào công sức họ bỏ ra tập luyện thi đấu.

VIẾT TRỌNG (tổng hợp)