SEA GAMES 26: Hoành tráng và lạ lẫm

03:10, 19/10/2011

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa Đại hội thể thao lớn nhất Đông nam Á (Southeast Asian Games - SEA Games) lần 26 sẽ diễn ra tại Indonesia.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa Đại hội thể thao lớn nhất Đông nam Á (Southeast Asian Games - SEA Games) lần 26 sẽ diễn ra tại Indonesia. Bên cạnh việc cam kết tổ chức một Sea Games hoành tráng, nước chủ nhà lần này để tranh huy chương đã không ngại đưa vào những môn thể thao rất “lạ”.
 


LÀM TO THÌ PHẢI... LO

Chỉ cần nhấn chuột máy tính với từ khóa SEA Games 26, người đọc có thể vào trang mạng chính thức của nước chủ nhà Indonessia để xem các hoạt động chuẩn bị đang rộn rịp diễn ra như thế nào (tất nhiên là bằng tiếng Anh). Với chủ nhà Indonesia, như tuyên bố từ trước của BTC, đây sẽ là một SEA Games được tổ chức “hoành tráng bậc nhất từ trước đến nay”.

Để tạo ra sự hoành tráng này, chủ nhà Indonessia đã không ngại chi ra một số tiền lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn để xây dựng cơ sở vật chất. Đây là lần thứ tư Indonesia đứng ra đăng cai nhưng khác với những lần trước đều tổ chức tại Jakarta, lần này Sea Games được đưa về Palembang - một thành phố nằm bên bờ sông Musi phía đông nam đảo Sumatra. Palembang có dân số khoảng 1,5 triệu người, một thành phố loại 2 và để phát triển vùng này chính phủ Indonesia đã đưa Sea games về đây, xây dựng cơ sở vật chất cho thành phố như nhà thi đấu, khách sạn, làng vận động viên… Tổng mức chi phí cho Đại hội Thể thao lần này khoảng 230 triệu USD bằng ngân sách nhà nước lẫn vận động tài trợ, nhưng chắc chắn nếu như việc xây dựng đúng kế hoạch thì con số này không dừng lại ở đây.

Tuy nhiên, tự thân Palembang dù xây dựng hết cỡ cũng không thể cáng đáng hết một Sea Games hoành tráng như vậy. Theo BTC, Sea Games lần này có đến 44 môn thi đấu, trong đó Palembang tổ chức 22 môn, còn thủ đô Jakarta tổ chức 24 môn (có các môn đồng tổ chức tại 2 nơi). Thành phố này sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc (ngày 11 tháng 11) và bế mạc (22 tháng 11). Trong khi các môn thi đấu tại thủ đô Jakarta chủ yếu trong các cơ sở đã có sẵn thì tại Palembang tất cả hầu như được xây mới. Là một thành phố nhỏ, Palembang sẽ chịu áp lực rất lớn về giao thông trong những ngày SEA Games diễn ra. Dự kiến nước chủ nhà sẽ huy động khoảng 20 nghìn tình nguyện viên cho sự kiện lớn này. Chủ nhà Indonesia lần này còn học Trung Quốc bằng cách chọn ra một con số “đẹp” là số 11: khai mạc vào ngày 11/11, diễn ra trong 11 ngày (kết thúc vào 22/11) với 11 đoàn tham dự!

Nhưng giao thông không phải chỉ là mối lo chính cho các đoàn đến Palembang. Theo ước tính có gần 16 nghìn VĐV và quan chức sẽ đổ về quốc gia này trong đó một nửa đến Palembang. Truyền thông nước này cho biết làng VĐV vừa xây cất nơi đây chỉ đáp ứng cho khoảng 2.000 chỗ, thêm 4.500 chỗ từ hệ thống khách sạn trong thành phố nên vẫn còn khoảng 1.500 người không có chỗ trú ngụ. Trước sức ép của báo giới, quan chức thành phố này đã lên tiếng trấn an về chuyện không thiếu chỗ ở và gần đây BTC còn đưa ra kế hoạch mượn cả tàu hải quân làm chỗ nghỉ trong trường hợp thiếu phòng.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất chính là việc nhiều công trình thể thao tại Palembang chưa hoàn tất dù chỉ còn hơn 2 tuần đến khai mạc. BTC thành phố này đã phải vắt chân lên cổ chạy nước rút với thời gian để hối thúc thi công. 5 công trình chưa hoàn thiện được nêu ra là Trung tâm thể thao dưới nước, nhà thi đấu quyền Anh, nhà thi đấu thể dục, trường bắn súng và khu thi đấu môn leo tường. Chứng kiến tình cảnh trên, quan chức của một hiệp hội thể thao nước chủ nhà đã thở dài: "Chúng tôi cần một phép màu”.

TINH THẦN THỂ THAO Ở ĐÂU?

Để là một Sea Games hoành tráng và lớn nhất lịch sử từ trước đến nay, chủ nhà Indonesia đã không ngại khi đưa vào một số bộ môn mà không ít giới thể thao của các quốc gia khác trong vùng phải giật mình vì nhìn vào không biết là môn gì, chưa nói đến luật thi đấu, cũng chưa từng xuất hiện tại các kỳ SEA Games trước đây.

Chẳng hạn trong 44 môn thi đấu chính thức của giải, có môn Shorinji Kempo khi tìm hiểu kỹ thì mới biết đây là một môn võ của Nhật, phát triển như một nhánh của Karate, nhưng rất ít thông dụng tại một số quốc gia. Có những môn “là lạ” khác như leo tường, trượt patin tốc độ. Nhưng lạ nhất là môn đánh bài tây 52 con (Bridge). Với nhiều quốc gia, chẳng bao giờ coi đây là một môn thể thao nhưng chủ nhà vẫn cứ điềm nhiên đưa vào tranh tài đến 9 nội dung.

Thật ra, ngay từ đầu Indonesia đã đưa ra chỉ tiêu dẫn đầu SEA Games lần này với 200 huy chương vàng nên không họ chỉ đưa ra các môn lạ làm khó các đội khác tạo điều kiện cho VĐV nhà giành huy chương mà còn nhắm đến việc hạn chế những môn, những nội dung mạnh của các quốc gia khác có thể tranh chấp huy chương. Chẳng hạn như trong Pencak Silat một môn võ xuất xứ từ Indonesia được nước này đưa vào Sea Games (giống như Việt Nam đã đưa vào võ Vovinam) nhưng thay vì coi Sea Games lần này như một cơ hội quảng bá nhân rộng hơn cho Pencak Silat phát triển thì chủ nhà lại cắt bớt đi đến 5 hạng cân trong môn này. Lý do của việc cắt bỏ này vì ngại Pencak Silat Việt Nam tranh huy chương. Nỗi lo này là có cơ sở vì gần đây Pencak Silat Việt Nam không ít lần qua mặt Indonesia. Không chỉ ở Pencak Silat, chủ nhà Indonesia còn cắt bỏ nhiều nội dung khác mà VĐV họ không mạnh hoặc bị VĐV các quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan cạnh tranh, trong đó có cả những nội dung quan trọng của Olympic.

Theo giới chuyên môn, Thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này chỉ có thể tranh tài khoảng 30 môn, trong đó có chừng 10 môn và một số nội dung trong các môn rất khó đạt huy chương. Thậm chí nhiều môn thể thao Việt Nam chỉ đến mà “học hỏi” như đánh bài Bridge, trượt patin tốc độ… Còn với chủ nhà Indonesia, nhiều người cho rằng với những môn lạ và cách cắt bớt nội dung thi đấu đầy chủ ý thế này họ dư sức nhất SEA Games lần này. Nhưng như thế liệu cuộc chơi có còn công bằng như tinh thần thể thao SEA Games vẫn mong muốn hay không?

VIẾT TRỌNG