“Anh cả” làng Taekwondo Lâm Đồng

10:01, 30/01/2012

Đã 63 tuổi nhưng ngày ngày vẫn tận tình hướng dẫn học trò ở võ đường, niềm vui của ông là được thấy học trò trưởng thành về nhân cách, đủ “đức, trí, dũng” của con nhà võ, thành công trong cuộc sống…

Đã 63 tuổi nhưng ngày ngày vẫn tận tình hướng dẫn học trò ở võ đường, niềm vui của ông là được thấy học trò trưởng thành về nhân cách, đủ “đức, trí, dũng” của con nhà võ, thành công trong cuộc sống…

Võ sư Nguyễn Văn Thảo
Võ sư Nguyễn Văn Thảo

Ông là võ sư 6 đẳng Nguyễn Văn Thảo, một “anh cả” của làng Taekwondo (Thái cực đạo) Lâm Đồng. Gia đình ông gốc người Huế vào Đà Lạt từ những năm 30 - 40 thế kỷ trước, ông sinh năm 1949 tại Đà Lạt. Năm 14 tuổi (năm 1963) ông bắt đầu làm quen với Taekwondo. Những người thầy lúc ấy là các võ sư Hàn Quốc sang dạy võ cho một trường võ bị của Đà Lạt và ban đêm họ ra ngoài dạy thêm tại các võ đường, kiểu như Câu lạc bộ ngày nay. Học gần 2 năm tại một võ đường, khi lên 1 đẳng ông bắt đầu phụ đi dạy với các võ sư Hàn Quốc. Cho đến trước năm 1975, Taekwondo Đà Lạt vẫn chủ yếu phát triển trong học đường và lúc đó ông phụ tá dạy võ cho các học sinh tại trường Trí Đức (THCS Quang Trung ngày nay), trường Việt Anh (nơi trước đây trường nghề Lâm Đồng đóng chân) trường Minh Đức (THPT Đống Đa nay), Thao trường Lâm Viên…

Cho đến nay điều đáng tiếc là ông không giữ được liên lạc với những người thầy cũ là thầy Kim và thầy Soon vốn từng gắn bó rất lâu với sự phát triển của Taekwondo tại Đà Lạt. Khi họ về lại Hàn Quốc mọi liên lạc hầu như cắt đứt và ông vẫn chưa có cơ hội để được sang Hàn Quốc tìm lại thầy cũ, có dịp thăm Viện Hàn lâm Quốc tế Taekwondo ở Seul như ông vẫn ước ao.

Bẵng đi một thời gian dài sau giải phóng, mãi cho đến năm 1991, cùng với nhiều hội võ thuật khác trong tỉnh, Hội Taekwondo Lâm Đồng được thành lập và hoạt động trở lại. Là Chủ tịch hội, cùng với nhiều võ sư khác trong tỉnh, ông bắt đầu khôi phục phong trào Taekwondo trong tỉnh và tại Đà Lạt. Năm 2000 ông thôi giữ chức Chủ tịch Hội và chỉ chuyên tâm dạy võ (Chủ tịch Hội Taekwondo Lâm Đồng hiện nay là ông Đỗ Minh Đức, người Lộc Phát, Bảo Lộc).

Ông mở một CLB Taekwondo mang tên Hải Thượng đầu đường Hoàng Diệu- Đà Lạt để dạy võ và cho đến nay sau 20 năm CLB này vẫn hoạt động đều đặn, hằng ngày có hằng trăm võ sinh thuộc nhiều lứa tuổi tập luyện tại đây. “Tôi đã dạy học trò đến thế hệ thứ ba, nghĩa là cha học võ, con học võ nay đã đến cháu học võ” - ông cười. Tại đây không ít học trò của ông huấn luyện đã giành được nhiều huy chương (HC) từ các giải quốc gia như Nguyễn Vũ Kỳ Phong (con thứ hai của ông) - HC vàng quốc gia về quyền năm 1993, (Kỳ Phong hiện nay cũng là một võ sư 6 đẳng, HLV Taekwondo, hiện đang công tác tại Đại học Đà Lạt), như Mai Đình Đức, HC đồng quốc gia về quyền, như Phan Bửu Tú, HC vàng Hội Khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2000, như Trương Thị Diễm Tuyền, HC Đồng giải trẻ quốc gia… Nhiều học trò của ông nay cũng theo nghiệp võ là HLV, góp phần phát triển phong trào Taekwondo trong tỉnh như Phan Bửu Tú, võ sư 5 đẳng, giáo viên Thể chất Đại học Đà Lạt; như Lê Đắc Thái Bình, võ sư 5 đẳng, HLV bộ môn Taekwondo tại Di Linh; như Đỗ Vũ Đạt, HLV 4 đẳng, Phó Chủ tịch UBND Phường 11 - Đà Lạt…

Taekwondo về bản chất, như ông nhận xét, dễ học vì đòn thế rất đơn giản nhưng rất hiệu quả. Cũng như các môn võ khác, võ sinh đến võ đường không chỉ học võ mà người học còn học được nhiều về võ đạo, về đức, trí, dũng của con nhà võ. Trẻ nhỏ tập võ theo ông không chỉ là rèn luyện thể lực mà còn phát triển về trí lực, khôn khéo, nhanh nhẹn, ứng biến; học hỏi về sự kiên trì, nhẫn nại, khi ra đời tự tin vào bản thân, điềm tĩnh trước mọi việc… Ngay cả những người lớn tuổi như ông, sự vận động hằng ngày thông qua tập luyện võ thuật đã giúp ông giữ gìn rất tốt sức khỏe của mình. Hiện nay ngày ngày ông vẫn đến võ đường hướng dẫn học trò. Con lớn của ông là Nguyễn Vũ Thái Bình cũng theo nghiệp bố, hiện cũng là võ sư 5 đẳng, HLV theo phụ huấn luyện cùng với ông.

Trên 40 năm gắn bó với nghiệp võ, với Taekwondo Lâm Đồng, vui buồn cũng nhiều. Nhưng vui nhất với ông là thấy bộ môn Taekwondo lúc đầu chỉ loanh quanh các vùng đô thị như Đà Lạt, Bảo Lộc nay đã phát triển rộng khắp trong tỉnh. Các cuộc thi lên đai cấp tỉnh của bộ môn những năm gần đây võ sinh rất đông và đến khắp nơi từ các huyện trong tỉnh, phải tổ chức 2 nơi tại Bảo Lộc cho các huyện thành phía nam tỉnh, tại Đà Lạt cho các huyện phía bắc và TP Đà Lạt.

Taekwondo phát triển mạnh trong khối trường học với người tập luyện chủ yếu là học sinh, sinh viên, trong đó theo ông, có không ít những năng khiếu võ thuật nếu được phát hiện bồi dưỡng đúng mức thì Taekwondo Lâm Đồng không thiếu cơ hội để cạnh tranh HC từ các giải quốc gia hằng năm.

Theo kinh nghiệm của ông, “Để đạt thành tích, người tập phải có tố chất: nhanh, mạnh, mềm dẻo, khéo léo. Tố chất này giúp người tập tiếp thu hiệu quả hơn các bài học. Nhiệm vụ của người thầy là phát hiện ra những võ sinh như thế và có kế hoạch bồi dưỡng hợp lý”. Ông mong ngành Thể thao tỉnh tiếp tục có sự quan tâm hơn đến bộ môn Taekwondo, bên cạnh đội tuyển năng khiếu Taekwondo Bảo Lộc lâu nay nên có thêm một đội như thế tại Đà Lạt vì ông tin rằng Đà Lạt vẫn là một trung tâm mạnh về Taekwondo của tỉnh.

VIẾT TRỌNG