Thử thách cùng năm mới

04:01, 11/01/2012

Cuối tuần này, ngày 15/1 cuộc đua xe “hoành tráng” nhất thế giới ngay trong đầu năm mới 2012 mang tên Dakar Rally sẽ kết thúc tại Lima - Peru một quốc gia ở Nam Mỹ.

Cuối tuần này, ngày 15/1 cuộc đua xe “hoành tráng” nhất thế giới ngay trong đầu năm mới 2012 mang tên Dakar Rally sẽ kết thúc tại Lima - Peru một quốc gia ở Nam Mỹ.

Đoàn xe đua tập kết tại điểm xuất phát
Đoàn xe đua tập kết tại điểm xuất phát

THỬ THÁCH CÙNG NĂM MỚI

Giống như Bóng đá Anh dịp năm mới trong khi các giải bóng đá khác đều nghỉ thì cầu thủ Anh phải ra sân cày cật lực 3 -4 ngày /trận vì những ngày này khán giả nghỉ lễ cần xem bóng đá; giải đua xe lừng danh Dakar cũng thường chọn xuất quân trong đầu năm mới, năm nay là ngày mồng 1/1. Giải kéo dài trong 14 ngày, cho đến ngày 15/1 với 14 chặng đua “thử thách nhất thế giới” xuyên qua 3 ba quốc gia với 5 chặng tại Argentina, 5 ở Chilê và 4 chặng còn lại tại Peru. Đường đua nơi nơi các tay đua thi thố là các sa mạc hoang vắng, các cao nguyên lổn nhổn đầy đá trên dãy Andes hiểm trở chạy dọc theo các quốc gia này.

Theo ban tổ chức giải, cuộc đua năm nay có 742 tay đua đến từ 50 nước khắp trên thế giới tham dự, trong đó đông nhất là nước Pháp với 133 người. Trong 465 xe dự đua có 171 ô tô, 185 mô tô, 33 xe tải, số còn lại làm nhiệm vụ hộ tống, thêm một số máy bay tiếp tế, quan sát từ trên không. 4 nội dung chính cho cuộc đua là đua ô tô, đua xe máy, đua xe tải và đua theo đội. Sẽ có khoảng 1.000 người là nhân viên kỹ thuật, nhân viên phục vụ bám theo đoàn đua. Tất nhiên, sự kiện thể thao lớn đầy hấp dẫn này cũng thu hút không ít các nhà báo của các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới đến tường thuật. Chỉ tính riêng truyền hình đã có khoảng 70 đài truyền hình lỉnh kỉnh trang thiết bị theo đoàn đua để đưa thông tin đến 190 quốc gia với khoảng 1 tỷ người theo dõi cuộc đua.

Xuất phát chặng 1 năm nay đúng trong ngày đầu năm tại Mar del Plata - Argentina nhưng để đưa được các xe đua sang quốc gia này, các tay đua châu Âu đã phải chuẩn bị từ rất sớm. Theo lịch trình từ ngày 21-22/11 xe đua được đưa lên tàu vận tải chở sang Nam Mỹ. Ngày 27-28/12, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, các tay đua xe mang xe về tập trung tại điểm tập kết. Ngày 31/12 một bữa tiệc năm mới sẽ được tổ chức cho những người đua và trong suốt nửa tháng sau đó, cho đến khi cuộc đua kết thúc, tất cả gần như “ăn trên xe ngủ cùng với xe”.

Đây là lần thứ 4 giải đua xe danh tiếng hằng năm này được tổ chức tại Nam Mỹ. Cuộc đua đầu tiên diễn ra năm 1978, bắt đầu từ một ý tưởng của Thierry Sabine một tay đua người Pháp. Trong một lần tham dự cuộc đua xe máy xuyên lục địa sang châu Phi do Pháp tổ chức, khi bị lạc ở sa mạc Libia, Sabine đã nảy ra ý tưởng sao không tổ chức một cuộc đua trên sa mạc cho các tay đua thử sức. Khi về Pháp ông đã đứng ra thực hiện ý định này và bắt đầu vận động thành lập giải. Một năm sau đó, giải hình thành, lúc đầu có tên là Paris - Dakar Rally vì xuất phát từ Paris, thủ đô Pháp, xuyên qua biển Địa Trung Hải và sa mạc châu Phi với đích đến là Dakar, thủ đô của Senegal.

Cho mãi đến năm 1994, cuộc đua vẫn theo hành trình gốc với điểm xuất phát và điểm đến là Paris-Dakar dù lộ trình có thay đổi theo từng năm.Tuy nhiên những năm sau đó, do nhiều nguyên nhân, địa điểm xuất phát cũng dần bị thay đổi, có lần xuất phát ở miền bắc nước Pháp, có lần đưa sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và có năm lại xuất phát ở châu Phi.

Nhưng đến năm 2009, đã có một sự thay đổi lớn khi châu Phi đánh mất quyền tổ chức giải vì nạn khủng bố. Không chỉ giết hại du khách quốc tế ở Mauritani - một quốc gia trên đường đua, các nhóm khủng bố đã gửi thông điệp đe đọa đến giải khiến BTC phải đình hoãn cuộc đua trong năm 2008. Để cứu đường đua nổi tiếng và cũng vì lợi nhuận lớn thu được từ cuộc đua, giải đã được chuyển sang Nam Mỹ nới cũng có địa hình khác nghiệt như châu Phi. Ban đầu, giải tổ chức tại Argentina và Chile nhưng năm nay đã mở rộng sang đến nước Peru. Điều vui là tổ chức ở Nam bán cầu, giải hiện nay chỉ còn cái tên Dakar với “hồn” ở châu Phi nhưng “xác” tại Nam Mỹ.

CUỘC CHIẾN CỦA CÁC ĐẠI GIA

Dakar Rally là cuộc đua xe địa hình dành cho những kẻ chuyên nghiệp. Hầu hết các chặng đua nơi đoàn đua đi qua đều hoang dã, chẳng có đường sá gì cả (off-road). Các tay đua phải vượt cồn cát, băng qua sình lầy, lội suối, chạy trên con đường đầy đá cuội…. Độ dài chặng đua cũng rất khác nhau, từ vài mươi đến cả vài trăm cây cho một ngày. Chính vì vậy, rất nhiều hãng xe đã coi Dakar Rally như một cơ hội để trình diễn độ bền của xe của họ sản xuất, mặc dù hầu hết những lọai xe này đều được cải tiến để thích nghi với sự khốc liệt của đường đua.

Nếu như trong thời kỳ đầu, một số đại gia ô tô của châu Âu và Nhật Bản thay nhau thống trị đường đua như Land Rover, Range Rover, Toyota Land Cruiser, Mercedes Gelandewagen (G-class), Pinzgauer (hãng chuyên về xe địa hình của Áo) thì lần lượt gần đây đã có sự thay đổi. Không chấp nhận đứng ngoài cuộc, các hãng xe hạng sang cũng nàh vào cuộc đua, cải tiến các kiểu xe thành thị thành xe đua địa hình, điển hình như hãng Rolls Royce, hãng Citroen, hãng Porsche, hãng Volkswagen và gần đây là các hãng châu Á như Mitsubishi và Nissan của Nhật, Hyundai của Hàn Quốc…

Trong xe tải nặng nổi lên trong cuộc đua đua có các hãng châu Âu và Nhật như Tatra,, Kamaz, Hino, MAN, DAF, Mercedes-Benz, trong đó hãng Kamaz không ít lần thắng giải. Trong xe máy, nổi tiếng nhất là mô tô của hãng KTM (Áo) từng nhiều lần chiến thắng nhưng nay đang chịu cạnh tranh gay gắt với hãng Yamaha của Nhật.

Tất nhiên sát cánh cuộc đua bên cạnh các hãng ô tô, mô tô còn có các hãng dầu nhớt (Total, Shell, BP…), hãng sản xuất vỏ lốp xe, đồ phụ tùng xe (lốp xe ta sản xuất chạy sa mạc được, nhằm nhò gì với đường phố)..cùng nhiều hãng tài trợ khác, từ thời trang đến thực phẩm, thuốc men đến hãng truyền thông mua bản quyền truyền hình.Đây thực sự là một cuộc chiến tiền bạc của các hãng và họ làm mọi cách để “gà nhà “ của họ (tay đua, xe đua) thắng cuộc. họ chấp nhận trả nhiều tiền cho các tay đua để tìm người giỏi nhất, tìm cách đánh cắp bí mật công nghệ hãng khác cho mục tiêu chiến thắng. Chỉ tính sơ lợi nhuận mà riêng Argentina thu được trong tổ chức cuộc đua tại quốc gia mình năm vửa rồi là 280 triệu USD.

Không phải dễ ăn vì đây là cuộc đua nguy hiểm nhất thế giới với không ít tại nạn bất ngờ trên đường đua gây chết người. Năm nay ngay vài chặng đầu đã có tay đua thiệt mạng. Một điển hình là chính người sáng lập ra cuộc đua cũng chết vì nó: 7 giờ 30 tối ngày 14/1/1986, chiếc trực thăng chở Thiery Sabine khi đi cùng đoàn đua gặp phải bão cát đột ngột đã rơi trên sa mạc Mali, Phi Châu. Chết trong đợt này cùng với ông còn có phi công và 2 nhà báo cùng đi.

Nhưng với những tay đua, tiền bạc là một vấn đề nhưng chính nguy hiểm của đường đua cũng là một cám dỗ. Không có chiến thăng nào ngọt ngào hơn chién thắng bản thân mình nên dù biết như thế rất nhiều người vẫn chấp nhận.

VIẾT TRỌNG