Để quần vợt Lâm Đồng lên tầm cao mới…

03:02, 08/02/2012

Lâm Đồng hiện nay có hơn 1.000 người gồm các hội viên chính thức và không chính thức ở các Câu lạc bộ (CLB) thường xuyên tham gia tập luyện thi đấu quần vợt (Tennis) và môn thể thao này đã ngày càng được phổ thông hóa…

Lâm Đồng hiện nay có hơn 1.000 người gồm các hội viên chính thức và không chính thức ở các Câu lạc bộ (CLB) thường xuyên tham gia tập luyện thi đấu quần vợt (Tennis) và môn thể thao này đã ngày càng được phổ thông hóa…

Trao giải cho các VĐV
Trao giải cho các VĐV

Tại Đà Lạt - trung tâm phát triển quần vợt mạnh nhất tỉnh, đã có trên 30 sân quần vợt, chủ yếu là sân của các tổ chức, đơn vị tự đầu tư xây dựng như cụm 2 của sân Công an tỉnh, sân Học viện Lục quân, sân Tỉnh đội…, các sân đơn của các khách sạn Cảng Sài Gòn, Palace, Khách sạn Vietso Petro… Cũng có những sân đơn do tư nhân đam mê bỏ tiền tự đầu tư xây dựng như sân Ngọc Anh, được bảo quản giữ gìn rất đẹp. Đầu tư một sân quần vợt hiện nay giá thành không rẻ chút nào, từ vài trăm triệu trở lên, tùy theo vật liệu đầu tư và nếu không bảo quản, sử dụng tốt sân sẽ xuống cấp khá nhanh.

Bảo Lộc hiện nay cũng có gần 20 sân, sân của đơn vị nhà nước có, tư nhân có và đây là một địa phương duy nhất tỉnh đã thành lập được Hội quần vợt từ nhiều năm nay. Trong khi phong trào quần vợt tại Đà Lạt phát triển rất mạnh nhưng chủ yếu phát triển theo mô hình CLB từng sân, mạnh ai lấy chơi thì Hội quần vợt Bảo Lộc đã quy tụ được hầu hết các CLB tại đây về một mối và phát triển phong trào rất bài bản, xã hội hóa rất mạnh. Chính vì vậy trong những năm gần đây, Tennis Bảo Lộc khi tập trung lực lượng thi đấu đã đoạt không ít các giải tỉnh cao nhất.

Một địa phương khác phát triển phong trào quần vợt khá nhanh gần đây trong tỉnh là Đức Trọng. Hệ thống sân bãi tại đây phát triển khá tốt, điển hình là các sân tại khu liên hợp thể thao do Cty Đức Phú đầu tư. Năm 2008, giải Quần vợt Thanh thiếu niên cụm Miền Trung - Tây Nguyên đã được tổ chức khá thành công tại Đức Trọng, quy tụ gần 80 tay vợt của 7 tỉnh.

Nhìn chung hầu hết các huyện còn lại trong tỉnh đều đã có sân quần vợt. Đây là một điều kiện rất cơ bản để phát triển phong trào của từng địa phương. Trong các giải tỉnh gần đây bên cạnh các tay vợt Đà Lạt, Bảo Lộc đã xuất hiện nhiều VĐV đến từ các huyện vùng sâu vùng xa.

Theo ông Vương Văn Hòa, Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Lâm Đồng, hằng năm Liên đoàn đã phối hợp tốt với ngành Thể thao Lâm Đồng tổ chức, huy động lực lượng tham gia 3 giải chính của tỉnh là giải Vô địch tỉnh, giải Các nhà quản lý và giải Trung cao tuổi toàn tỉnh. Thông qua nguồn vận động tài trợ, hằng năm Liên đoàn cũng tổ chức khá thành công giải quần vợt cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Điển hình như giải Quần vợt Doanh nghiệp năm nay vừa diễn ra đầu tháng 2 /2012 tại Đà Lạt với trên 70 VĐV của 19 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia. Để tổ chức được giải, Liên đoàn đã vận động trên 60 triệu đồng với sự đóng góp của các doanh nghiệp như VNPT Lâm Đồng, BiDV, Nghĩa AD, Cty Cà phê Phan Nguyên Minh …

Bên cạnh đó, Liên đoàn Quần vợt tỉnh hằng năm còn phối hợp với Thể thao tỉnh hỗ trợ các ban ngành,đoàn thể các doanh nghiệp tổ chức các giải tại đơn vị; phối hợp với Trung tâm TDTT tỉnh tuyển chọn VĐV thành lập đội tuyển tham dự các giải khu vực và quốc gia. Đến nay đã góp phần hình thành một đội ngũ trọng tài và cộng tác viên khi cần có thể huy động để làm nhiệm vụ tại các giải địa phương, giải đơn vị và giải tỉnh, giải khu vực.

Tuy nhiên, để thúc đẩy Quần vợt Lâm Đồng lên một tầm cao mới vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Vương Văn Hòa, vốn từng là HLV phụ trách bộ môn Quần vợt của tỉnh rất lâu năm của Lâm Đồng, lâu nay quần vợt đỉnh cao Lâm Đồng chỉ được ở các lứa trẻ, năng khiếu, đặc biệt là nữ, nhưng càng lên cao càng đuối dần. Lâm Đồng đã từng có VĐV trẻ thi đấu tốt tại giải quốc gia, chẳng hạn tay vợt Nguyễn Viết Hiếu từng giành không ít huy chương ở giải trẻ toàn quốc, từng góp mặt vào Đội tuyển Quần vợt Quốc gia và hiện nay sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT VĐV này đã về công tác với vai trò là HLV quần vợt của Lâm Đồng tại Trung tâm TDTT tỉnh. Nhưng những khuôn mặt nổi trội và được đầu tư như Viết Hiếu không nhiều. Một số VĐV nữ trẻ của Lâm Đồng ban đầu khá thành công ở các giải quốc gia như Thanh Trúc, Thùy Trâm, Thúy Vi, Tường Vy… nhưng sau đó nhiều nguyên do bị chững lại. Theo ông Hòa, cũng một phần tennis là một bộ môn đầu tư khá tốn kém nên nhiều gia đình ngại, muốn tập trung cho con cái học văn hóa nên nhiều năng khiếu chơi rất tốt nhưng sau đó cũng chỉ mãi là năng khiếu, quẩn quanh trong các giải tỉnh.

Một hạn chế khác của quần vợt đỉnh cao Lâm Đồng hiện nay là lớp trẻ thiếu niên nhi đồng tập luyện môn này vẫn còn rất ít. Khác với môn bóng bàn khi lớp trẻ chiếm đại đa số, trong quần vợt chiếm đa số là lớp lớn tuổi, nhiều người đến với môn thể thao này chủ yếu là rèn luyện sức khỏe, chơi phong trào. Chính vì vậy cho đến nay việc tìm kiếm phát hiện các năng khiếu cho bộ môn này để bồi dưỡng thi đấu các giải quốc gia vẫn còn rất hạn chế.

Một trăn trở khác của những người chơi quần vợt là Lâm Đồng và Đà Lạt cho đến nay vẫn chưa có một hệ thống sân đủ chuẩn để đăng cai các giải quốc gia tại đây. Giải quốc gia khi diễn ra tại địa phương chính là một điều kiện tuyệt vời để thúc đẩy phong trào phát triển. Với điều kiện khí hậu ưu đãi, Đà Lạt nói riêng và cả Bảo Lộc nữa, có thể đăng cai tổ chức các giải như vậy trong mùa hè, khi các địa phương khác vùng đồng bằng trong nước trở nên nóng bức. Việc tổ chức giải quốc gia còn là một mô hình kết hợp tuyệt vời giữa thể thao và du lịch như lâu nay vẫn nói với lượng VĐV đổ về thi đấu, du khách đến xem, chỉ cần Lâm Đồng có các cụm sân 4 sân liền nhau, có chỗ ngồi cho khán giả. Theo ông Hòa, trong phương hướng xây dựng khu liên hợp thể thao sắp đến của tỉnh nên lưu ý đến điều này.

Về phía Liên đoàn, sắp đến sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực hơn. Lâu nay do 25 ủy viên của Ban chấp hành được cơ cấu từ khắp các cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh nên nhiều vị có tên mà chẳng thấy mặt, rất khó tập trung do điều kiện công tác. Vai trò của Liên đoàn vì thế vẫn còn rất hạn chế. Chính vì vậy, sắp đến Liên đoàn đang hướng đến việc củng cố tổ chức bộ máy tinh gọn, năng động hơn; kiện toàn các hội ở địa phương, các CLB thành viên. Để phát triển phong trào, Liên đoàn cho biết cũng đưa ra mục tiêu đẩy mạnh hơn việc xã hội hóa bộ môn này, tìm kiếm vận động nguồn tài trợ ổn định để có thể tổ chức định kỳ hằng năm từ 1-2 giải như giải Doanh nghiệp, giải Các CLB và nếu được là tổ chức cả giải mở rộng.

VIẾT TRỌNG