HLV tiên phong trong làng quần vợt Lâm Đồng

03:02, 29/02/2012

Đó là HLV Vương Văn Hòa, người đầu tiên mở lớp huấn luyện quần vợt cho các năng khiếu thể thao Lâm Đồng, góp phần lớn đưa phong trào quần vợt Lâm Đồng phát triển mạnh như hiện nay.

Đó là HLV Vương Văn Hòa, người đầu tiên mở lớp huấn luyện quần vợt cho các năng khiếu thể thao Lâm Đồng, góp phần lớn đưa phong trào quần vợt Lâm Đồng phát triển mạnh như hiện nay.

Nhưng có một điều lý thú rằng, ông không phải là một người chơi quần vợt (tennis) từ nhỏ, mà vị huấn luyện viên (HLV) này lại xuất phát là cầu thủ bóng đá.

HLV Vương Văn Hòa (đứng trước) trao giải cho các VĐV tại giải doanh nghiệp toàn tỉnh 2012 vừa được tổ chức trong tháng 2/2012
HLV Vương Văn Hòa (đứng trước) trao giải cho các VĐV tại giải doanh nghiệp toàn tỉnh 2012 vừa được tổ chức trong tháng 2/2012


Ông sinh năm 1951, người Đà Lạt, chơi bóng từ nhỏ và đến với thể thao Lâm Đồng rất sớm. Năm 1967, khi chỉ 16 tuổi, ông đã góp mặt với đội tuyển bóng đá tỉnh tại Đà Lạt lúc đó. Sau giải phóng, ông vẫn là một cầu thủ của đội bóng đá Lâm Đồng, rồi chính thức làm việc cho ngành thể thao Lâm Đồng từ năm 1976.

Cơ may ông đến với quần vợt cũng hết sức ngẫu nhiên. Năm 1992, có một lớp huấn luyện dành cho HLV quần vợt cả nước tổ chức tại TP HCM và người đứng lớp trực tiếp giảng dạy là một chuyên gia quần vợt người Australia. Không có ai đi, ông tình nguyện tham dự với tinh thần “học việc”, coi như đi học để về phát triển thêm một môn thể thao mới cho phong trào địa phương.

Quần vợt lúc đó vẫn còn rất xa lạ với nhiều người ở Lâm Đồng. Toàn tỉnh chỉ có một số ít người biết chơi, tập trung ở Đà Lạt và Bảo Lộc. Sân bãi quần vợt cũng chẳng có nhiều, chủ yếu là các sân còn lại trước năm 1975 lúc đó đã xuống cấp trầm trọng. “Thật ra trước đó tôi cũng có chơi quần vợt nhưng chơi cho biết mà thôi” - HLV Vương Văn Hòa nhớ lại.

Nhưng ở cương vị HLV quần vợt, ông lại rất có duyên trong huấn luyện. Năm 1994, chỉ hai năm sau khi thành lập tuyển năng khiếu Quần vợt Lâm Đồng với 4 thành viên do ông trực tiếp đào tạo, thể thao Lâm Đồng đã có huy chương quần vợt đầu tiên từ giải trẻ quốc gia. Trong lần tham dự năm này, quần vợt trẻ Lâm Đồng giành được tấm huy chương vàng vô địch lứa tuổi 12 (U 12) và thêm một tấm huy chương đồng lứa tuổi U 14. Từ đó đến những năm gần đây, dưới sự huấn luyện của ông hầu như năm nào đội tuyển năng khiếu quần vợt Lâm Đồng cũng có huy chương từ các giải quốc gia, rất nhiều năm giành được huy chương cao nhất.

Đáng nhớ nhất với ông là tấm huy chương bạc đôi nữ cho thể thao Lâm Đồng tại Đại hội THTT toàn quốc năm 2006 của 2 VĐV đánh đôi Thanh Trúc - Thùy Trâm. Cặp đôi này vốn là 2 VĐV năng khiếu được ông đào tạo từ nhỏ.

Có thể kể đến rất nhiều những VĐV được ông đào tạo nay đang chơi rất tốt trong các giải phong trào quần vợt của tỉnh và trong khu vực như Trần Quang, Nguyễn Đăng Khoa, Vương Anh Hào (con ông), Nguyễn Viết Hiếu, Tường Vi, Thúy Vi… Trong số VĐV này nổi bật có tay vợt Nguyễn Viết Hiếu từng được triệu tập vào đội tuyển quốc gia và nhiều năm là thành viên trong đội tuyển quần vợt Việt Nam. Hiện nay, sau khi hoàn tất chương trình Đại học TDTT, Viết Hiếu đang trở về công tác tại Trung tâm TDTT Lâm Đồng.

Là một HLV, bản thân ông rất chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ huấn luyện. Cho đến trước khi về hưu năm 2008, ông là HLV cấp quốc gia cao nhất tỉnh, là HLV cấp 1 quốc tế. Ông luôn tích cực tham gia phát triển phong trào quần vợt trong tỉnh, là Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Lâm Đồng. Ông đã góp phần đắc lực trong việc hình thành các giải đấu quần vợt phong trào của Liên đoàn tổ chức hằng năm giải Quần vợt Cán bộ quản lý - Trung cao tuổi, giải Quần vợt Doanh nghiệp và chính ông trực tiếp điều hành giải.

Quần vợt theo ông, cho đến nay đã không còn là một bộ môn thể thao “quí tộc” như trước mà được bình dân hóa, ai chơi cũng được. Chẳng có gì khó chơi nếu chịu khó tập luyện một chút. Hiện trong tỉnh đã có trên 1.000 người tập luyện thường xuyên trong các CLB có mặt trong hầu hết các địa phương của tỉnh.

Tại Đà Lạt hiện nay đã có trên 30 sân quần vợt trong đó có những sân tư nhân tự bỏ tiền xây dựng, Bảo Lộc cũng khoảng 20 sân và hầu hết các huyện đều có. “Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển phong trào quần vợt rộng hơn nữa”. Tuy nhiên, trong thi đấu nâng cao theo ông quần vợt Lâm Đồng vẫn có những hạn chế nhất định, một lẽ vì lực lượng năng khiếu vẫn còn rất mỏng. Hầu hết người chơi đến với môn này khi đã lớn tuổi, trong khi để thành công trong các giải quốc gia cần phải tập luyện từ rất sớm. Cùng đó, nhiều gia đình vẫn còn ít quan tâm đầu tư cho con mình vì e ngại sẽ không đi đến đâu. Chính vì vậy, rất nhiều năng khiếu đã phải bỏ cuộc giữa chừng dù chơi rất tốt.

16 năm làm công tác huấn luyện quần vợt, gần như cả đời gắn với thể thao, vui có buồn có nhưng niềm vui nhất theo ông chính là sự đam mê thể thao, được sống, được làm việc với niềm đam mê của mình. Hầu như nhớ hết những người ông đã từng huấn luyện, mỗi khi các giải phong trào diễn ra, ông lại thấy vui vì những người học trò của mình cũng tìm thấy niềm vui trên sân bóng, niềm vui trên từng cú đánh đẹp, không phải vì chuyện thắng thua mà vì vẻ mê hoặc của môn chơi đầy hấp dẫn này.

Viết Trọng