Cần đầu tư dài hơi cho điền kinh Lâm Đồng

03:03, 14/03/2012

Với địa hình đồi dốc trên độ cao 1.500 mét, khí hậu miền núi ôn hòa, không khí loãng, VĐV có thể tập luyện quanh năm nhưng lâu nay với điền kinh Lâm Đồng ưu thế này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Với địa hình đồi dốc trên độ cao 1.500 mét, khí hậu miền núi ôn hòa, không khí loãng, VĐV có thể tập luyện quanh năm nhưng lâu nay với điền kinh Lâm Đồng ưu thế này vẫn chưa được hiện thực hóa.
 

 Trao thưởng cho HLV, VĐV đội tuyển điền kinh Lâm Đồng đạt thành tích tại các giải quốc gia năm 2011.
Trao thưởng cho HLV, VĐV đội tuyển điền kinh Lâm Đồng đạt thành tích tại các giải quốc gia năm 2011.

Phải nói rằng phong trào điền kinh trong tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây đã có những khởi sắc rất đáng nói. Một minh chứng là trên 400 VĐV của 22 đơn vị trong tỉnh dự giải Việt dã truyền thống 26/3 hằng năm do Tỉnh đoàn Lâm Đồng phối hợp với Báo Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Du lịch - Thể thao Lâm Đồng vừa diễn ra trong ngày 11/3 vừa qua. Đây là những VĐV đoạt thành tích tại các giải cấp huyện thành, được cử đi dự giải tỉnh với một số lượng có hạn cho từng đoàn, chính vì vậy giải có chất lượng rất cao. Trước đó, đã có gần 4.000 VĐV tham dự các giải cấp cơ sở do các Huyện Đoàn, Thành Đoàn trong tỉnh phát động, kể cả khối các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, đặc biệt là ở khối trường học phổ thông trong toàn tỉnh.

Đây là lần thứ 15 giải được tổ chức khá thành công. Không chỉ đơn thuần là giải của khối Đoàn Thanh niên mà đây chính là giải vô địch điền kinh tỉnh hằng năm. Không chỉ huy động được một lực lượng đoàn viên thanh niên đông đảo ở hầu hết các huyện thành trong tỉnh tham dự, thông qua đó phát động rộng rãi hơn phong trào điền kinh đến những huyện vùng sâu vùng xa, giải còn quy tụ được những VĐV xuất sắc của phong trào điền kinh Lâm Đồng, đặc biệt là trong khối trường học, góp phần phát hiện không ít khuôn mặt mới cho đội tuyển điền kinh Lâm Đồng để bồi dưỡng tham dự các giải khu vực và quốc gia.

Giải cũng là một minh chứng thành công cho việc xã hội hóa thể thao của tỉnh. Là đơn vị chịu trách nhiệm huy động lực lượng, tổ chức giải từ cấp cơ sở, Tỉnh Đoàn hằng năm còn tích cực vận động các doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ cho giải, điển hình như sự tài trợ của Mobile Phone trong năm nay. Với hệ thống Đoàn khối từ cơ sở đến cấp tỉnh, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã khá thành công trong việc đẩy mạnh phong trào việt dã - điền kinh tỉnh phát triển rộng khắp và đưa phong trào lên một tầm cao mới như hiện nay.

Một điển hình thú vị trong việc phát hiện các khuôn mặt năng khiếu bổ sung cho tuyển điền kinh Lâm Đồng từ giải này chính là điền kinh Di Linh. Những năm trước điền kinh Đà Lạt tương đối mạnh, đặc biệt là khối các trường học phổ thông như THPT Chi Lăng, Hermann Gmeiner, Trần Phú nhưng trong vòng 5 năm gần đây, điền kinh Di Linh đã thống lĩnh cả giải tỉnh và rất khó có một địa phương nào trong tỉnh vượt qua mặt địa phương này. Hầu như những năm gần đây, năm nào điền kinh Di Linh cũng giới thiệu thêm những khuôn mặt mới.

Năm nay cùng với giải nhất toàn đoàn, Di Linh có 2 VĐV Vũ Ngọc Hương và Trần Thị Anh Đài trong nội dung nữ. Cả hai vẫn còn rất trẻ, ở tuổi học sinh nhưng thể hiện rất xuất sắc trên đường chạy: Vũ Ngọc Hương một mình dẫn đầu từ nửa chặng đường bỏ xa các đối thủ bám sau để về đích một cách nhẹ nhàng.

Theo HLV đội tuyển điền kinh Lâm Đồng Hồ Văn Chương, Di Linh hiện nay cung cấp gần như toàn bộ VĐV cho đội tuyển điền kinh tỉnh. Đội tuyển Điền kinh tỉnh cộng năng khiếu có 13 thành viên (có 2 kiện tướng quốc gia), ở tuyến năng khiếu trẻ có 9 thành viên, hầu như tất cả đều là người Di Linh, cụ thể xuất phát từ lò đào tạo của một người từng là VĐV điền kinh: Phan Hoàng Điệp. Âm thầm, lặng lẽ, tận tụy, làm vì niềm đam mê và yêu thích, anh đã phát hiện, bồi dưỡng, cho ra lò rất nhiều khuôn mặt mới cho Điền kinh Lâm Đồng. Phan Hoàng Điệp, rất xứng đáng được biểu dương vì những gì anh đã làm được cho Thể thao Lâm Đồng.

Nhưng trên cái nền phong trào phát triển rộng khắp như vậy, với rất nhiều những khuôn mặt mới hằng năm, với ưu thế địa hình thời tiết thuận lợi, điều đáng tiếc là ngành Thể thao Lâm Đồng vẫn chưa phát huy hết thế mạnh này tại các giải quốc gia hằng năm. So với các địa phương xung quanh được đầu tư mạnh mẽ và bài bản như Khánh Hòa, Đăk Lăk nên đoạt nhiều thành tích cao tại giải quốc gia, điền kinh Lâm Đồng cho đến nay vẫn loay hoay với cấp độ phong trào, có nâng cao hơn một chút và vẫn “sống nhờ” vào điền kinh cấp huyện của Di Linh. Trong năm 2001 vừa qua, 4 huy chương (HC) từ các giải quốc gia (3 bạc, 1 đồng, trong đó VĐV Đinh Quang Phương (sinh 1981) 2 gồm HC đồng bán Maratong giải Báo Tiền Phong quốc gia, HC bạc Vô địch Điền kinh toàn quốc nội dung Maratong 42 km; 1 HC bạc của Đinh Hoàng Phúc (1995) tại giải Vô địch điền kinh toàn quốc các lứa tuổi, 1 HC bạc của VĐV Đoàn Ngọc Hoàng (1993) tại giải điền kinh trẻ toàn quốc), tất cả đều là VĐV Di Linh.

Theo HLV Hồ Văn Chương, mặc dù chế độ tập luyện cho VĐV đội tuyển tỉnh và tuyến trẻ hiện nay đã được nâng cao hơn trước nhưng vẫn rất khó cho điền kinh Lâm Đồng nâng cao vì nhiều lý do: Thiếu sân bãi tập luyện (đặc biệt cho các cự ly ngắn), thiếu dụng cụ hỗ trợ cho VĐV, chỗ ở tập trung không có nên đa số hiện nay được gửi về địa phương để VĐV vừa học vừa tự tập luyện, không có HLV nâng cao theo dõi nên rất khó nâng thành tích. Cùng đó, khó khăn về kinh phí nên đội tuyển tỉnh vẫn chưa có những chuyến tập huấn trong nước để học tập các địa phương khác, cải thiện trình độ. “Chỉ duy trì, nâng cao rất khó” - HLV Hồ Văn Chương trăn trở.

Một tín hiệu vui cho giải Việt dã năm nay là chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của điền kinh phong trào Lâm Hà. Trong nội dung nam 7km, 2 anh em K’Nhes và K’Nhây người K’ho xã Đạ Đờn đã chiếm cả giải nhất và giải nhì. K’Nhes năm nay là học sinh lớp 12 trường PTCS và PTTH Lê Quí Đôn Lâm Hà, nhiều lần vô địch điền kinh huyện còn K’Nhep, anh của K’Nhes cũng đạt nhiều thành tích không kém em mình, hiện nay là sinh viên năm 1 của Đại học TDTT TP HCM môn điền kinh. Ước mơ của K’Nhep sau khi ra trường là về dạy học, có thời gian thành lập một CLB phát triển phong trào điền kinh tại địa phương như cách Di Linh đã làm.

Rất nhiều đoàn VĐV các bộ môn trong nước hằng năm lên Đà Lạt tận dụng địa hình, thời tiết để tập luyện. Kế hoạch xây dựng một Trung tâm Huấn luyện cấp quốc gia tại Đà Lạt cũng đang được hiện thực hóa. Còn với điền kinh Lâm Đồng vẫn phải hụt hơi tại các giải đấu lớn trong khi chờ đợi sự đầu tư bài bản đúng mức hơn.

VIẾT TRỌNG