Hai ngày, bầu Kiên nhận 2 thất bại liên tiếp

08:03, 01/03/2012

Chỉ trong 2 ngày, bầu Kiên đã thua ở hai bản hợp đồng: hợp đồng với cầu thủ Đinh Thanh Trung và hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.

Chỉ trong 2 ngày, bầu Kiên đã thua ở hai bản hợp đồng: hợp đồng với cầu thủ Đinh Thanh Trung và hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.

Đối đầu với bầu Kiên, cầu thủ giành chiến thắng

Vụ việc rắc rối xung quanh bản hợp đồng giữa cầu thủ Đinh Thanh Trung và CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên rút cuộc đã có kết thúc. Phòng pháp lí và tư cách cầu thủ của VFF đã xác nhận tiền vệ Đinh Thanh Trung là cầu thủ tự do và yêu cầu CLB bóng đá Hà Nội phải trả giấy thanh lý hợp đồng cho cầu thủ này.

Trước đó, Thanh Trung đã có hành động từ chối ra sân do hợp đồng đã kí của anh với CLB Hòa Phát Hà Nội trước đây hết hạn vào ngày 21/1/2012. Trong hợp đồng có bản phụ lục cầu thủ và CLB sẽ thương lượng để kí tiếp hợp đồng sau khi hợp đồng cũ kết thúc. Tuy nhiên, mức giá mà bầu Kiên đưa ra đã không đáp ứng được nguyện vọng của Thanh Trung. Tiền vệ này đã nhiều lần chủ động liên lạc nhưng đã không đạt được thỏa thuận với đội bóng.

Hợp đồng đã hết hạn, việc Thanh Trung từ chối ra sân là đúng theo luật. Tuy nhiên, bầu Kiên lại yêu cầu Thanh Trung “phải thực hiện đúng những gì đã cam kết”. Trong những lần gặp, bầu Kiên còn nói với Thanh Trung rằng mình có nhiều luật sư đứng đằng sau và Thanh Trung sẽ rất khó thắng kiện.
 

Bầu Kiên liên tục thất bại ở cả chuyện hợp đồng với cầu thủ và hợp đồng bản quyền TH
Bầu Kiên liên tục thất bại ở cả chuyện hợp đồng với cầu thủ và hợp đồng bản quyền TH


Thanh Trung đã phải nhờ đến người đại diện là luật sư Phạm Huỳnh làm việc với CLB nhưng cũng không có kết quả. Vụ việc được đưa lên phòng pháp lí và tư cách cầu thủ. Dựa trên các văn bản đã kí, phòng pháp lí và tư cách cầu thủ đã kết luận Thanh Trung là cầu thủ tự do.

Công lí đã được thực thi và trong cuộc “đối đầu” với ông bầu quyền lực bậc nhất Việt Nam này, cầu thủ đã đúng và đã giành chiến thắng. Không chỉ về mặt lí lẽ, cách mà bầu Kiên đối xử với Thanh Trung còn bị đánh giá là thiếu tình nghĩa bởi Thanh Trung là cầu thủ trẻ, đã có nhiều đóng góp cho Hòa Phát Hà Nội.

AVG thẳng thừng từ chối VPF về đề nghị bản quyền truyền hình

Sau khi có buổi làm việc giữa VPF và AVG về bản quyền truyền hình, trước những yêu cầu mà VPF đưa ra, một cách rất cầu thị và tôn trọng VPF, AVG đã hẹn sẽ trả lời sau một tuần. Đúng hẹn, AVG đã có văn bản trả lời VPF.

AVG khẳng định chỉ đàm phán với VPF về bản quyền (tức là khai thác thương mại các trận đấu đã được hoàn thành phần sản xuất tín hiệu) sau khi VPF đáp ứng được điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất, VPF đã có các cơ sở pháp lý sau: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng ủy quyền cho VPF khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam; Bộ VH-TT&DL phê duyệt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, bổ sung.

Điều kiện thứ hai , VPF phải công nhận và cam kết tôn trọng hợp đồng mà AVG đã ký với VFF về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá Việt nam 2011-2030.

Về các yêu cầu cụ thể của APF, AVG đã trả lời như sau:

Với đề nghị của VPF sẽ để Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị độc quyền nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, AVG không đồng ý. AVG đã có kế hoạch và đang làm việc với VTV, VTC theo hướng cả 3 đơn vị cùng hợp tác khai thác (thậm chí cùng nhận chuyển nhượng từ VFF) thương quyền truyền hình các giải bóng đá của Việt Nam (đương nhiên nếu được sự đồng ý của VFF).

Với đề nghị về số tiền phải trả: AVG cho hay AVG cùng VTV và VTC sẽ trao đổi và có ý kiến trả lời VPF sau. Tuy nhiên, AVG nhấn mạnh đến thời điểm này, số tiền cần thanh toán theo Hợp đồng là trả cho VFF chứ không phải trả cho VPF.

Về đề nghị AVG phải làm việc với VFF để giao lại quyền khai thác thương quyền cho VPF, AVG sẽ không thực hiện.

VPF có quyền đề nghị VFF, nhưng trong mọi trường hợp AVG khuyến cáo VFF và VPF cần tôn trọng hợp đồng đã ký với AVG. Một khi AVG (với sự đồng ý của VFF) đã phối hợp với VTV và VTC cùng khai thác thương quyền truyền hình bóng đá thì tới đây, VFF hoặc đơn vị được ủy quyền của VFF sẽ trao đổi cùng với cả ba đơn vị là VTV, VTC và AVG.

Trong trường hợp cả 3 bên (VTV, VTC và AVG) cùng nhận chuyển nhượng và cùng khai thác thương quyền truyền hình bóng đá Việt Nam, AVG vẫn giữ nguyên cam kết dành toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh thương quyền truyền hình bóng đá để đóng góp cho các hoạt động thể thao Việt Nam.
 

AVG giữ nguyên cam kết dành lợi nhuận đóng góp cho thể thao Việt Nam
AVG giữ nguyên cam kết dành lợi nhuận đóng góp cho thể thao Việt Nam


Với việc đưa ra tuyên bố chỉ làm việc với VPF sau khi VPF có được đầy đủ sự ủy quyền từ VFF, quy chế bóng đá chuyên nghiệp được phê duyệt, rồi kèm theo điều kiện VPF phải tôn trọng bản hợp đồng bản quyền TH đã kí, có thể thấy rằng AVG chỉ tôn trọng VPF khi VPF đã “đủ tư cách” và thực sự được thừa nhận. Trong khi đó, VFF vẫn chuyên chuyển giao hết những gì liên quan đến việc tổ chức, điều hành giải đấu cho VPF, vì vì thế, nói một cách nôm na là VPF chưa chính danh, hay “chưa đủ tuổi”. Về cơ bản, AVG vẫn nắm giữ hợp đồng bản quyền TH và sẽ chủ động làm việc với VTV, VTC chứ chẳng mấy liên quan đến VPF. Rõ ràng, sau kết luận thanh tra của Bộ VH-TT-DL thì đây có thể coi là một lần thất bại nữa của VPF và bầu Kiên trong vấn đề bản quyền truyền hình.

Hợp đồng nhỏ với cầu thủ mà bầu Kiên đã tìm cách dìm xuống, hợp đồng lớn về bản quyền truyền hình mà bầu Kiên tìm cách nâng lên, ông bầu này đều phải nhận thất bại. Điều đáng nói hơn nữa, sau những gì đã làm, bầu Kiên đang đánh mất thiện cảm từ người hâm mộ.

(Theo vnmedia)