Cuối tuần đi xem đua xe đạp

03:04, 25/04/2012

Với 4 chặng đua diễn ra trên địa phận của mình, Lâm Đồng lâu nay vẫn là một điểm đến quan trọng của Cúp Truyền hình TP HCM - giải đua xe đạp lớn nhất Việt Nam được tổ chức hằng năm.

Với 4 chặng đua diễn ra trên địa phận của mình, Lâm Đồng lâu nay vẫn là một điểm đến quan trọng của Cúp Truyền hình TP HCM - giải đua xe đạp lớn nhất Việt Nam được tổ chức hằng năm.

Các tay đua cán đích quyết liệt
Các tay đua cán đích quyết liệt


Với chủ đề “Hành trình chiến thắng”, cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP HCM lần thứ 24 năm nay qui tụ gần 100 tay đua của 11 đội tranh tài. Trong số những đội tham dự này, chỉ duy nhất có một đội đến từ Hà Nội là Đống Đa - Hà Nội còn lại là từ các tỉnh phía Nam, quanh TP HCM như Bảo vệ Thực vật Sài Gòn, Vinamit TP HCM, ADC - Truyền hình Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Dược Domesco Đồng Tháp, Bảo vệ Thực vật An Giang, Quân khu 7.

Để tăng thêm độ thử thách cho các tay đua, trong lộ trình 1.805 km với 15 chặng đua năm nay, BTC giải đã đưa ra các chặng đua khác hơn so với 3 lần tổ chức gần đây. Bắt đầu từ ngày 14/4 tại Quảng Trị, cuộc đua xuất phát với 20 vòng đua quanh Thành Cổ, sau đó đi qua các địa danh lịch sử khác như cầu Hiền Lương, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn rồi đến Huế. Từ Huế vào Đà Nẵng, đoàn đua chinh phục đèo Hải Vân, xuôi theo các tỉnh miền Trung đến Qui Nhơn. Tại Qui Nhơn, các tay đua leo ngược lên Gia Lai qua Quốc lộ 19, chinh phục các đèo An Khê và Măng Giang rồi làm một vòng tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk. Từ Ban Mê Thuộc, đoàn đua đổ đèo Phượng Hoàng quanh co để về Nha Trang. Ngày 27/4 /2012, thứ sáu tuần này, trong chặng 12 đoàn đua đã lại ngược đường lên Tây Nguyên lần nữa theo đường đèo mới ngả 723 nối Nha Trang và Đà Lạt qua Khánh Lê (Khánh Hòa) và Lạc Dương (Lâm Đồng). Tại Đà Lạt, sáng thứ bảy 28/4, sẽ diễn ra chặng đua thứ 13 quanh hồ Xuân Hương (10 vòng, 52 km); sáng chủ nhật 29/4 đoàn đua đến Bảo Lộc và trong ngày 30/4 đoàn sẽ hoàn tất chặng đua 15 cuối cùng dài 180 Km từ Bảo Lộc với đích đến là Dinh Thống Nhất - TP HCM.

Trong hành trình 15 chặng đua này, có đến 4 chặng đua diễn ra trên đất Lâm Đồng, trải dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Những người dân sống trên đất Lâm Đồng dọc theo Quốc lộ 20 sẽ có dịp xem và cổ vũ khi đoàn đua đi qua. Trong 5 chặng đua được HTV 9 truyền hình trực tiếp có chặng đua quanh bờ hồ Xuân Hương và chặng đua cuối từ Bảo Lộc đi TP HCM.

Theo Ban tổ chức, có 4 cách tính thành tích: áo vàng dành cho tay đua dẫn đầu mỗi chặng đua; áo xanh dành cho tay đua có tổng giờ ít nhất tính đến từng chặng, VĐV sẽ được mặc áo xanh cho chặng đua kế tiếp; áo đỏ “vua leo núi” dành cho các VĐV chinh phục đường đèo tốt nhất. Tùy theo mức độ khó của đèo mà có những cách tính điểm khác nhau, đèo càng khó điểm càng cao. Cụ thể, trong đường đua năm nay, đường đèo khó nhất và có điểm chinh phục cao nhất chính là đèo mới trên đường 723 từ Khánh Lê lên đỉnh Bidoup Núi Bà (Hòn Giao) dài 28 Km. VĐV về đầu trong chặng này được cộng đến 14 điểm trong khi dẫn đầu chinh phục đèo Hải Vân chỉ là 8 điểm. Bên cạnh đó, cuộc đua còn có giải thưởng áo trắng cho VĐV trẻ nhất trong 10 hạng đầu bảng tổng sắp sau 15 chặng đua, giải phong cách, giải đồng đội chung cuộc.

Mặc dù hầu hết các đội tham dự giải là các đội mạnh trong nước, VĐV đã có sự chuẩn bị khá tốt nhưng với một chặng đua khắc nghiệt như vậy, để có thành tích tốt, các tay đua cần nhanh, mạnh, bền, khôn khéo xử lý tình huống trên đường đua cộng với sự hỗ trợ tích cực của đồng đội khi cần thiết. Cho đến trước các chặng đua trên đất Lâm Đồng, đội Bảo vệ Thực vật Sài Gòn đang có ưu thế lớn. 2 tay đua của đội này là Mai Nguyễn Hưng và Lê Văn Duẩn đang nổi lên như là những ứng viên nặng ký cho áo vàng và áo xanh chung cuộc, còn chức vua leo núi sẽ được quyết định ở trên đường đèo mới 723.

Bao giờ Lâm Đồng có đội đua xe đạp?

Hỏi thế vì có vẻ đua xe đạp vẫn là một môn xa lạ với nhiều người Lâm Đồng. Trong khi nhiều tỉnh phía Nam, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều người rất thích đua xe đạp, hằng năm thường xuyên tổ chức các giải đua xe trong tỉnh hoặc liên tỉnh (Cúp xe đạp Đồng bằng sông Cửu Long) thì ở các tỉnh phía Bắc (ngoại trừ Hà Nội), miền Trung và Tây Nguyên dường như môn này vẫn ít ai thèm chơi, dù chiếc xe đạp thì chẳng lạ gì. Thật ra, trước đây Lâm Đồng từng có thành viên tham gia đoàn đua nhưng đã từ rất lâu rồi. Trong nhiều năm nay, khi đoàn đua đi qua, sự tham gia tích cực nhất của Thể thao Lâm Đồng là cử các đội mô tô hoành tráng của mình hộ tống đoàn đua, phối hợp bảo vệ an toàn đường đua và… trao giải thưởng. Liệu đến khi nào Lâm Đồng - Đà Lạt mới có được một đội tham dự cuộc đua này để bà con nhà ra cổ vũ gà nhà cho vui?

Nhưng câu hỏi này có lẽ cũng nên hỏi nhiều nơi khác trong nước nữa. Có cảm giác rằng cuộc đua Cúp Truyền hình TP HCM - HTV này dù là một cuộc đua lớn nhất nước và đã qua 24 lần tổ chức nhưng vẫn chỉ là một cuộc chơi “nội bộ” của xe đạp các tỉnh phía Nam. Vẫn chưa có nhiều địa phương mạnh dạn phát triển phong trào đua xe đạp, nhiều tỉnh vẫn đứng ngoài với cuộc đua. Thiếu sự cạnh tranh trong nước, thiếu sự tham gia của các quốc gia trong khu vực, giải lớn này chưa biến thành một giải đẳng cấp, có tầm của Việt Nam. Có thể giải thưởng chưa hấp dẫn nên các đoàn xe đạp quốc tế tham gia năm có năm không.

Rộng hơn một chút, tính trung bình mỗi năm, xe đạp Việt Nam cũng khá rộn ràng với trên dưới 10 giải lớn nhỏ. Để tổ chức được giải tốn không ít tiền nhưng vì sao chúng ta vẫn chỉ quẩn quanh trên sân nhà với cuộc đấu nội bộ, trong khi các quốc gia xung quanh đang dần đưa uy tín của giải xe đạp nước mình lên. Với tư cách là một giải đấu lớn nhất Việt Nam và với năng lực của mình đã được chứng minh qua các lần tổ chức, có lẽ HTV cần một cách làm mới hơn để có thể đưa giải này lên một đẳng cấp mới.

Viết Trọng