Khó khăn cho bóng đá sạch

03:05, 23/05/2012

Tuần rồi giải bóng đá hạng nhất vốn im lìm bỗng sôi động lên vì chuyện mua bán độ. Tất cả cho thấy những cơn sóng ngầm vẫn đâu đó lẩn khuất trong lòng Bóng đá Việt Nam chỉ chờ dịp nổi lên làm tan biến những nỗ lực cho một nền bóng đá sạch.

Tuần rồi giải bóng đá hạng nhất vốn im lìm bỗng sôi động lên vì chuyện mua bán độ. Tất cả cho thấy những cơn sóng ngầm vẫn đâu đó lẩn khuất trong lòng Bóng đá Việt Nam chỉ chờ dịp nổi lên làm tan biến những nỗ lực cho một nền bóng đá sạch.

Khán giả chỉ đến sân cổ vũ khi biết các trận đấu đó là thật
Khán giả chỉ đến sân cổ vũ khi biết các trận đấu đó là thật


1- Câu chuyện bắt đầu ở vòng 17 giải bóng đá hạng nhất (ngày 12/5). Trước trận đấu giữa Đồng Tâm Long An gặp Xi măng Fico Tây Ninh trên sân khách Tây Ninh chỉ vài giờ, 2 cầu thủ của đội này đã báo lên Ban huấn luyện (BHL) về một cuộc gạ gẫm qua điện thoại. Nhật Tân và Thanh Hải - tên của 2 cầu thủ trên, cho biết là có một người gọi điện đến để đưa ra một đề nghị hấp dẫn: chỉ cần đá “lỏng chân”, mỗi người sẽ nhận được 50 triệu đồng. Người đưa ra “lời đề nghị khiếm nhã” này là một người có quen với 2 cầu thủ trên, tên Trung, cũng là một cầu thủ từng chơi cho CLB Sài Gòn Xuân Thành. Lý lẽ để thuyết phục 2 cầu thủ trên là Đồng Tâm Long An khá an vị với vị trí hiện nay rồi, chuyện thưởng cũng “không đáng bao nhiêu” trong khi Tây Ninh đang ở cuối bảng rất cần chiến thắng để nuôi hy vọng trụ hạng, “tội gì không bán”. Người tên Trung này cũng khẳng định rằng đã lo trọng tài và vài cầu thủ khác ở đội Đồng Tâm Long An nên hai cầu thủ này cứ yên tâm mà chạy… không đá.

Ngay lập tức lãnh đạo đội bóng này đã báo cáo ngay sự việc cho Ban tổ chức (BTC) giải và các cơ quan liên quan. Do quá gấp nên BTC giải đã không kịp thay tổ trọng tài nhưng trong trận đấu này các trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trận đấu kết thúc với chiến thắng của Đồng Tâm Long An ngay trên sân khách với tỷ số sát nút 1-0. Sau trận đấu, BHL Đồng Tâm Long An đã bật mí một phương án dự phòng rằng trong trường hợp bị trọng tài thổi ép họ sẽ bỏ không đá nữa.

Khi câu chuyện rộ lên, lập tức một đội khác cũng lên tiếng về một cuộc gọi tương tự. Đó là đội CLB TP HCM và cái tên người gạ mua độ cũng không phải ai khác mà chính là cầu thủ Trung này. Đó là ở vòng đấu thứ 16 khi TP HCM cũng đến làm khách trên sân Tây Ninh gặp chủ nhà Xi măng Fico Tây Ninh và Hoài Hậu, tên cầu thủ đội TP HCM được Trung gạ gẫm đã báo cáo ngay sự vụ cho BHL đội bóng. Nguyễn Thành Trung vốn là đồng đội của Hoài Hậu khi chơi cho An Giang trước khi Trung về đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành. Vẫn chưa có tiết lộ cái giá đưa ra là bao nhiêu, nhưng trong trận thua 3-4 đầy kịch tính của TP HCM trước Xi măng Fico Tây Ninh, Hoài Hậu bị vướng thẻ phạt phải ngồi ngoài.

Việc mở rộng điều tra gần đây đã cho biết thêm một số chi tiết. Cầu thủ Trung (có tên đầy đủ là Nguyễn Thành Trung) hiện đang điều trị chấn thương tại Thái Bình khi được hỏi đã cho rằng chỉ gọi điện thăm sức khỏe bạn bè chứ chả gạ gẫm bán độ gì cả. Không may cho Trung là các cầu thủ Đồng Tâm Long An lại ghi âm cả cuộc nói chuyện và khi đưa bằng chứng ra thì Trung bảo đây chỉ là lời nói đùa. Tất nhiên, về phía mình Ximăng Fico Tây Ninh đã phủ nhận mọi liên quan và cho biết đứng ngoài cuộc với câu chuyện mua bán độ này. Sự vụ trên đang được tiếp tục làm rõ.

2- Đây là việc làm rất đáng khen của ba cầu thủ trên, nếu không nói là rất dũng cảm. Đã có những lo ngại về chuyện bị trả thù, bị xã hội đen hỏi thăm và những lo lắng này không phải là không có căn cứ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đã và sẽ có nhiều hơn chăng những cầu thủ chọn theo cách làm trên, theo con đường mà cầu thủ Phan Văn Tài Em đã từng làm gương để tố cáo tiêu cực? Liệu nền bóng đá và cả xã hội có cơ chế bảo vệ được cho họ hay không, có cách nào hữu hiệu để chống lại việc mua bán độ này, để các cầu thủ khỏi bị buông xuôi và nhắm mắt làm ngơ rồi đến làm liều trước tiêu cực, để khỏi biến chuyện mua bán độ thành một câu chuyện dài tập mãi chưa có hồi kết.

Không phủ nhận rằng các doanh nghiệp hiện nay khi đổ tiền vào bóng đá vẫn muốn có một nền bóng đá sạch. Hoàng Anh Gia Lai chẳng hạn, trong một trận đấu với Hải Phòng tại giải vô địch quốc gia gần đây, khi đội bóng này bại trận 0-2 trên sân Lạch Tray, trả lời các nghi vấn về chuyện “nằm” của cầu thủ đội nhà, ông bầu Đức của đội này lúc trả lời báo chí trong nước đã rất mạnh miệng: “Cầu thủ HA Gia Lai chỉ cần có dấu hiệu bán độ, tôi “dập” ngay. Chúng tôi có cách giám sát và quản lý riêng của mình, tôi không tiết lộ nhưng cứ như tình báo. Mọi diễn biến trạng thái cầu thủ đều trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Nói thật, nếu phát hiện cầu thủ bán độ, tôi bắt giao công an liền, cho ở tù luôn. Bóng đá hồi xưa ra sao tôi không biết nhưng bây giờ cầu thủ được chăm sóc tốt, tiền rất nhiều mà tiêu cực thì không thể chấp nhận được…”. Một ông bầu khác, ông bầu Phước Vũ khi còn nắm đội Tôn Hoa Sen - Cần Thơ, lúc đội thua liên tiếp trong những trận đấu quyết định liên quan đến suất lên hạng thì ông đã tuyên bố: “Nhiều người mua và chúng tôi cũng có thể mua được bằng nhiều cách nhưng là người tự trọng với mong muốn làm bóng đá tử tế, chúng tôi không làm để lên hạng bằng mọi giá”.

Nhưng cuộc chơi này vốn phức tạp hơn nhiều. Có một thực tế là không ít đội bóng khi đổ tiền như nước nhưng kết quả không như ý, nhất là vào giai đoạn cuối mùa giải, đã không ngần ngại chi tiền để đi đêm nhằm cứu vãn tình thế. Cùng đó là sự hoành hành của nạn cá độ bất hợp pháp trong bóng đá đã và đang tác động rất lớn đến bóng đá Việt Nam, đến lực lượng cầu thủ trong nước kể cả cầu thủ ngoại trên sân chơi này. Những đường dây ngầm vươn tay đến từng cầu thủ và khi dính sâu vào không biết điều gì sẽ xảy ra. Không ít cầu thủ có thu nhập cao không phải từ bóng đá mà đâu đó từ rìa sân cỏ và liệu có cuộc điều tra nào để đưa những chuyện mờ ám này ra ánh sáng hay là chỉ nói để cho vui và năm nào giải cũng kết thúc tốt đẹp.

Một điều đáng mừng là gần đây khán giả đã dần quay lại sân bóng, dù vẫn còn rất thưa vắng. Trung bình mỗi trận tại giải vô địch quốc gia khoảng trên dưới 8 nghìn người đến sân dự khán, còn giải hạng nhất mỗi trận cũng có chừng 2 nghìn người. Khán giả chỉ đến sân khi biết trận đấu đó là thật, họ không muốn bỏ tiền bỏ thời gian vào sân để rồi bị lừa. Để xây dựng một nền bóng đá sạch gây dựng lại niềm tin người hâm mộ cần có thời gian và điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm giải quyết dứt điểm, không khoan nhượng với những chuyện mua bán độ như trên của giới chức hữu trách và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

VIẾT TRỌNG