Tôi yêu “Cơn lốc cao nguyên”

03:05, 11/05/2012

(LĐ online) - Không biết từ bao giờ tình yêu của tôi dành cho đội bóng quê hương được ấp ủ, hình thành và ngày càng lớn như vậy. Chỉ biết rằng dù trời nắng hay trời mưa, dù đá giao hữu hay chính thức, dù đá với đội yếu hay đội mạnh và dù có tiền hay không có tiền mua vé tôi đều có mặt ở sân vận động từ rất sớm để cổ vũ cho đội bóng thân yêu.

(LĐ online) - “Chiều nay trên sân vận động thành phố Đà Lạt sẽ diễn ra trận thi đấu bóng đá giữa đội Nâm Đồng và đội Hải Quan….”, tiếng rao từ chiếc xe Renault cũ kỹ nhỏ dần nhỏ dần nhưng sự háo hức trong tôi thì ngược lại, nó cứ lớn dần như một quả bong bóng đang được bơm hơi. “Chiều nay coi bộ trời mưa to đó, lo ở nhà mà học bài chứ đi coi đá banh dầm mưa bệnh chết nghe con, không có đội năm đồng hay năm hào gì hết.” - Tôi bật cười thì ra má tôi đang nhại lại giọng rao của chiếc xe hồi nãy, người rao nói giọng địa phương nên đọc trại ra đội Lâm Đồng thành đội Nâm Đồng.

Đội Lâm Đồng thời được mệnh danh là
Đội Lâm Đồng thời được mệnh danh là "Cơn lốc cao nguyên"


Không biết từ bao giờ tình yêu của tôi dành cho đội bóng quê hương được ấp ủ, hình thành và ngày càng lớn như vậy. Chỉ biết rằng dù trời nắng hay trời mưa, dù đá giao hữu hay chính thức, dù đá với đội yếu hay đội mạnh và dù có tiền hay không có tiền mua vé tôi đều có mặt ở sân vận động từ rất sớm để cổ vũ cho đội bóng thân yêu. Có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên không có tiền thì làm sao mua vé nhưng đối với tôi ngày ấy đó là một chuyện hết sức bình thường, bởi lẽ một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi sống trong thời kỳ khó khăn của đất nước, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc thì lấy tiền đâu mà mua vé xem đá bóng. Nhưng tôi có cách của tôi, đó là đứng trước cổng sân vận động Đà Lạt và khi thấy một chú nào có gương mặt hiền hiền là tôi cất lên điệp khúc “muôn trận” - ”Chú ơi dẫn con vào xem với, con không có tiền mua vé”. Thế là a lê hấp, vào!. Nếu bảo vệ làm gắt không cho kèm trẻ em thì tôi chuyển qua phương án hai đó là …. leo hàng rào, phương án này kể ra cũng nguy hiểm thật nhưng để được đến với “người yêu” tôi bất chấp.

Theo thời gian tôi lớn lên cùng “người yêu” của mình, thăng trầm của “nàng” cũng chính là thăng trầm của cuộc đời tôi, “nàng” thắng tôi vui, tôi hạnh phúc, lúc “nàng” thua tôi buồn, tôi khóc và đỉnh điểm khi nàng xuống hạng thì đời tôi “xuống hạng” theo bởi tôi không thể tập trung trong học tập, công việc và làm bất cứ chuyện gì lúc đó.

Tôi thầm yêu trộm nhớ “nàng” khi còn rất nhỏ, lúc đó tôi khoảng sáu hay bảy tuổi gì đó, qua bạn bè trang lứa tôi được nghe kể có phần phóng đại rằng đội Lâm Đồng đá hay lắm, có thủ môn Ba Tri cao bằng cái cửa ra vào, bay lượn như chim… Đội Lâm Đồng đá đâu thắng đó, nghe đúng là hấp dẫn thiệt. Nhưng thật ra sau này tôi mới biết đội Lâm Đồng lúc đó chỉ mới đá ở hạng B (tương đương hạng nhì bây giờ) và thủ môn Ba Tri cao lắm cũng chỉ 1,8 mét. Nhưng với lứa tuổi của mình tôi tha hồ mà tưởng tượng, tôi bắt đầu tương tư “nàng” từ đó và mong có ngày gặp mặt, nghĩa là được ai đó dẫn đi coi đá banh.

Nhưng phải sáu năm sau tình yêu của tôi dành cho “nàng” mới thật sự mãnh liệt, đó là lúc “nàng” thăng hạng A1 toàn quốc. Tôi không thể nào quên được hình ảnh đón đội bóng Lâm Đồng trở về sau mùa giải A2 toàn quốc năm 1984, năm đó cùng với Công nghiệp thực phẩm TPHCM, Lâm Đồng đã được thăng hạng A1 toàn quốc. Rồi đây chúng tôi có thể sánh vai cùng với các tên tuổi lớn thời đó như: Câu lạc bộ Quân đội, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, Nghĩa Bình, Phú Khánh…

Từ trên chiếc xe hải âu bước xuống, những người hùng thần tượng của tôi đây rồi: Đoàn Phùng, Luật Tri, Luật Đức, Luật Phước, Trí “đen”, Vinh “thầy”, Tùng, Hoạch…. Và ngôi sao sáng nhất của Lâm Đồng thời đó Đinh Xuân Thành mà người Đà Lạt hay gọi bằng cái tên trìu mến Chí Thành, là người bước xuống sau cùng. Các anh được hàng ngàn người dân Đà Lạt chào đón từ chân đèo Prenn đến khu Hòa Bình, trung tâm thành phố Đà Lạt. Ai ai cũng muốn được nhìn, cầm, sờ, nắn, chạm vào người những người hùng của quê hương, nhất là những đứa trẻ như tôi.

 Pha tranh bóng giữa Trương Văn Tâm (6-Lâm Đồng) và một cầu thủ CAHN mùa giải 1996 trân sân Đà Lạt. Một trận đấu khán giả đông kỷ lục.
Pha tranh bóng giữa Trương Văn Tâm (số 6 - áo xanh ) và một cầu thủ CAHN mùa giải 1996 trân sân Đà Lạt. Một trận đấu khán giả đông kỷ lục.


Năm 1985 trong trận đấu đầu tiên ở hạng A1 toàn quốc với đội Phú Khánh tại sân thống nhất, chúng tôi lúc đó vừa xem một trận đấu khác tại sân Đà Lạt vừa ngóng tin qua cái radio bé xíu trực tiếp truyền thanh và rồi mọi người như vỡ òa khi ở phút 89 Lâm Đồng được hưởng quả phạt đền, đội trưởng Trí “đen” lạnh lùng kết thúc không cho thủ môn Trần Hải của Phú Khánh một cơ hội, gỡ hòa 1-1 cho Lâm Đồng.

Tôi mong ngóng tin tức về “nàng” mỗi khi “nàng” thi đấu xa nhà, lúc thì Hà Nội khi thì Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn…. Và với luật thi đấu giải vô địch quốc gia thời đó, tuyệt nhiên “nàng” không bao giờ thi đấu ở sân nhà. Nghĩa là bao nhiêu năm dài đằng đẵng tôi không được xem một trận thi đấu chính thức nào của “nàng” chỉ trừ những trận giao hữu, nhưng tình yêu của tôi dành cho “nàng” vẫn không một chút thay đổi. Sau mỗi trận đấu là tôi túc trực bên cái radio để nghe thông báo kết quả từ bình luận viên Hoài Sơn và Đình Khải, đài tiếng nói Việt Nam.

Cũng có những mùa đôi thi đấu không thật xuất sắc, phải chật vật lắm mới trụ hạng nhưng cũng có nhiều mùa lại làm cho tôi phải phát điên vì sung sướng, hãnh diện chẳng hạn như lúc thắng đương kim vô địch Công nghiệp Hà Nam Ninh 2-1 trên sân Hải Phòng mùa giải 1986. Và dĩ nhiên là tối hôm đó tôi không tài nào chợp mắt được mỗi khi nghĩ tới đôi bóng.

Đỉnh cao của bóng đá Lâm Đồng có lẽ lúc mà báo chí gắn cho biệt danh “Cơn lốc cao nguyên”, với lối đá dãn biên đầy tốc độ dựa vào nền tảng thể lực dẻo dai - đặc sản của vùng cao đã làm cho không ít đội bóng phải ôm hận khi đến làm khách tại sân Đà Lạt. Cho dù đó là ai, Câu lạc bộ Quân đội, Cảng Sài Gòn hay Hải Quan, Sông Lam Nghệ An…. Không đội nào có thể lấy điểm của Lâm Đồng trên thánh địa Đà Lạt. Còn đối với tôi có lẽ đó là thời gian hạnh phúc nhất trong những năm yêu “nàng”.

Rồi đến một ngày sức mạnh giảm sút, “nàng” rớt hạng. Mùa 1999-2000 sau trận thua 3-1 trước Công an Hải Phòng, đôi bóng đá Lâm Đồng chính thức xuống chơi ở giải hạng nhất. Tôi giận “nàng” và thề sẽ không bao giờ xem trận thi đấu nào của đội bóng nữa. Nhưng tôi không thể giận lâu được, lý trí bắt tôi ở nhà nhưng con tim đã kéo tôi ra sân để xem đội thi đấu ở giải hạng nhất. Rồi hạng nhì cũng vậy. Cho dù thi đấu ở hạng nào, mỗi khi tới giờ bóng lăn là tôi lại háo hức như cách đây ba mươi năm về trước.

Mùa giải này đội thi đấu ở giải hạng nhất với chỉ tiêu khiêm tốn là trụ hạng và qua nửa chặng đường thì mục tiêu đó có vẻ khả thi. Có điều bây giờ “nàng” thay đổi nhiều hơn xưa, lối đá không còn máu lửa và tốc độ như trước kia nữa thay vào đó là một lối đá thực dụng.

Sân vận động Đà Lạt ngày xưa đã đập đi để làm quảng trường nên “nàng” phải thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo xa lạ, cầu thủ gốc Lâm Đồng không có bao nhiêu người nên tinh thần lăn xả vì màu cờ sắc áo cũng không còn. Nhưng bất luận thế nào tình yêu của tôi dành cho “nàng” – đội bóng cao nguyên vẫn không thay đổi.

Lâm Đồng ơi! Cho dù em có là cơn lốc, cơn bão hay chỉ là cơn gió nhẹ thoảng qua, anh vẫn mãi yêu em!

Ngọc Thụy