“Ra đi” trong mùa Euro

03:06, 20/06/2012

Kết thúc vòng bảng, theo chân một nửa đội bóng tại vòng chung kết Euro xách gói về nước, nhiều người cũng phải đứng nhìn tài sản của mình đội nón ra đi vì… cá độ.

Kết thúc vòng bảng, theo chân một nửa đội bóng tại vòng chung kết Euro xách gói về nước, nhiều người cũng phải đứng nhìn tài sản của mình đội nón ra đi vì… cá độ.

Trong vai một kẻ “có việc gia đình” phải đi cầm cố xe máy, người viết đã thử dạo một vòng các tiệm cầm đồ quanh Đà Lạt để thấy thị trường ăn theo mùa Euro đầy nhộn nhịp.

Một hiệu cầm đồ ở Đà Lạt
Một hiệu cầm đồ ở Đà Lạt


Tại một hiệu cầm đồ trên đường LSPT Đà Lạt, một tiệm cầm xe kiêm cả bán xe cũ, bà chủ hiệu đon đả chào mời tôi vào. Đó là một cửa tiệm hơi hẹp nhưng chất đầy xe máy bên trong, xe để thành dãy dọc theo nhà, phía trước mặt tiền 2 dãy xe máy cũ để bán. Thôi thì đủ hiệu xe, Nhật có, Tàu có, cũ có, mới có. Thấy tôi ngập ngừng, bà mau mắn: “Thua độ bóng đá chớ gì, sáng giờ đã có 6 người đến hỏi cầm xe”. Đó là thời điểm Hà Lan bị thua trận và nhiều dân cá độ dở khóc dở cười vì phong độ tệ hại của đội kèo trên này. Bà nhìn chiếc xe tôi dựng trước cửa hiệu gật gù ra vẻ rành “Xe Honda nòi nè, nhưng chồng tôi vừa mới đi, chừng tiếng nữa quay lại được không?”. Bà căn dặn khi quay lại nhớ mang theo theo giấy tờ để làm “hợp đồng” nghe. Bà bảo không phải xe nào cũng cầm được, phải có giấy tờ hợp lệ. “Mấy hôm nay người đến cầm xe nhiều nên chỉ chọn xe mà thu vào vì nhà chật rồi, chồng tôi đang đi liên hệ một số cửa hiệu xe cũ để tháo bớt hàng trong kho”.

Tại một hiệu cầm đồ khác trên đường HBT, ông chủ cửa hiệu còn trẻ nhìn tôi ra vẻ “thông cảm” rồi bảo chờ chút. Chừng 5 phút sau, 2 thanh niên xuất hiện, có vẻ là thợ sửa xe vì áo quần và tay họ còn dính dầu mỡ. Rất nhanh họ đi một vòng quanh xe nhìn ngó, nhờ tôi nổ máy xe để nghe tiếng máy, kiểm tra kỹ giấy tờ xe, xong trao đổi nhỏ với ông chủ rồi họ ra về. Khi thấy tôi không chấp nhận vì giá trị xe đưa ra “còn quá thấp”, ông chủ tiệm cười bảo “Chỗ này tôi thu với giá mềm nhất Đà Lạt rồi. Đi chỗ nào sao được như thế. Xe này hàng hiệu còn nòi giữ tốt tôi mới thu chứ cửa hàng chỉ nhận xe còn mới thôi”. Nhìn theo tay ông chủ vào bên trong nhà tôi thấy một dãy xe tay ga của Nhật, có chiếc còn mới toanh, nước sơn láng bóng, lốp xe còn nguyên gai. “Mới vậy họ cũng cầm sao, họ có chuộc lại không” - tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Thấy nét mặt tiếc rẻ của tôi, ông chủ điềm nhiên cười mỉm: “Cần tiền thì cầm thôi. Làm ăn uy tín, ở đây giữ rất cẩn thận”.

Không thống kê hết số lượng những cửa hiệu cầm đồ đang mọc rất nhanh tại Đà Lạt hiện nay, trong số này có cả những cửa hiệu mới mọc như có vẻ ăn theo mùa Euro. Nhiều nhất là quanh ngã năm gần Đại học Đà Lạt, nơi đây có hàng chục hiệu cầm đồ, mở cửa ngày đêm “phục vụ” và khách hàng quen thuộc đông đảo nhất nơi đây không ai khác là sinh viên. Bên cạnh xe máy họ còn nhận cầm các vật dụng có giá trị như máy tính xách tay, điện thoại hàng hiệu có giá trị. Tại một cửa hiệu cầm đồ như vậy trên đường BTX, khi tôi thử hỏi mua một chiếc máy tính xách tay cũ, giá vừa phải cho con đi học, ông chủ, cũng là một thanh niên rất trẻ giới thiệu cho tôi “một con máy còn rất mới, giá mềm”. Đó là chiếc máy tính Compact đúng là còn mới như hình dáng bên ngoài nhưng có giá chỉ vài triệu. Ông chủ này đảm bảo đây là máy tính sinh viên đi cầm nên mới có giá rẻ như vậy “Hàng trong kho ra còn đóng bụi, chưa lau hết”. Thấy tôi ngần ngừ dù đã xem xét một dãy máy tính xách tay khác trên bàn, ông chủ đưa tôi vào kho xem tận mắt cho tin. Kho là một phòng ngủ phía sau với những hàng kệ đóng dài theo vách và trên đó, ôi thôi, cả dãy máy tính cá nhân, máy tính xách tay xếp hàng “Tất cả là hàng cầm của sinh viên, chúng tôi phải xem xét kỹ trước khi thu, có bảo hành 1 tháng, xài thử 4 ngày, có gì trục trặc trả lại”.

Tại một cửa hàng cầm đồ khác trên đường NCT, khi khởi động một chiếc máy tính xách tay tại đây để xem, tôi còn thấy cả các tập bài kiểm tra, bài khóa luận và luận văn của chủ nhân chiếc máy vốn là một sinh viên còn lưu trong máy. Đây là máy vừa hết hạn hợp đồng nhưng chủ nhân không đến chuộc lại nên tôi để nguyên vậy mà bán” - ông chủ cửa hiệu giải thích.

Theo một chủ hiệu cầm đồ trên đường NCT, cầm xe, cầm đồ đạc thì quanh năm lúc nào cũng có. Nhiều người đến cầm đồ cứ bảo vì “chuyện gia đình, vì khó khăn, con đau, vợ đau…, chả ai nói vì cá độ bóng đá nhưng cứ “nhìn thì biết”. Đặc biệt, khi các giải đấu bóng đá lớn như Cúp thế giới, Euro diễn ra, các cửa hiệu liệu mà chuẩn bị vốn vì đây là “mùa làm ăn”. Những lúc này đồ đi cầm được đánh giá rất rẻ vì biết người ta đang rất cần. “Tùy hàng, tùy nhu cầu 1 ngày, 5 ngày, 10 ngày… mà hợp đồng, đến hạn mà không lấy ra thì thanh lý”. Phổ biến nhất hiện nay là cầm xe máy, đến hạn không chuộc lại sẽ được bán cho các cửa hiệu xe máy cũ. Xe cũ được tân trang lại thành mới, xe nào quá cũ đem đi huyện mà bán.

Cá độ bóng đá đã trở thành một tệ nạn nhức nhối hiện nay. Không quá khó để tìm thấy những điểm giao dịch bất hợp pháp của giới cá độ bóng đá trong mùa Euro năm nay tại Đà Lạt. Với khí hậu lạnh, các trận đấu của Euro diễn ra trong đêm người xem không tụ họp được các quán cà phê bóng đá nên chỉ việc bắt độ qua điện thoại, rồi hẹn đâu đó ngày hôm sau chung độ, cũng thường là một quán cà phê nào đó. Tại một quán cà phê như thế trên đường XVNT, dù chỉ là một quán cà phê cóc, người viết đã thấy việc chung độ diễn ra rất ngang nhiên trong một buổi chiều với người chơi là những người làm vườn áo quần còn lấm lem vừa đi vườn về. Họ sử dụng rất thành thục cách nói của người chơi cá độ: độ này “đồng banh, nửa trái”, độ kia một “chai” (một triệu đồng), độ khác “vài xị” (vài trăm nghìn). Nhưng đây chỉ là việc cá độ cò con giữa những người hâm mộ chơi với nhau, đáng ngại hơn là việc cá độ theo đường dây có hệ thống với các đầu mối và cá độ qua mạng toàn cầu. Chỉ cần gõ vào Google từ khóa “cá độ bóng đá” lập tức sẽ thấy hiện ra một kết quả đáng kinh ngạc: trên 2 triệu kết quả. Có không ít trang mạng kiểu này hướng dẫn người chơi rất tận tình: cách lập tài khoản riêng, cách chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng… Bên cạnh đó là các bài viết được cập nhật về kết quả các đội bóng, các phân tích của chuyên gia bóng đá lẫn tỷ số độ của các nhà cái lớn trên thế giới cho người chơi tham khảo. Và không chỉ bóng đá, các trang mạng này còn rủ rê người chơi sang các môn thể thao khác: bóng rổ, bóng chày, gôn,… bất cứ thứ gì có thể cá độ được. Theo nhiều chuyên gia, thị trường cá độ ngầm này ở Việt Nam hiện nay có giá trị rất lớn và số tiền cá độ này đang chảy ngầm ra nước ngoài, làm giàu cho những ông trùm, những hãng cá độ quốc tế.

Ngày hội bóng đá châu Âu đang đến hồi cao trào ở vòng tứ kết, mang lại niềm vui cho rất nhiều người nhưng cũng mang đến nỗi buồn cho không ít người. Liệu sẽ có bao người với tài sản ra đi sau mùa Euro này cùng với đội bóng thân yêu của mình khi sa vào cá độ và không biết đâu là điểm dừng.

GIA KHÁNH