Cái khó của thể thao Đà Lạt

02:07, 25/07/2012

Không sân bãi tập luyện, không nhà thi đấu, mọi thứ đều phải thuê mướn, ngay chỗ làm việc chỉ là một dãy phòng tạm bợ trên tầng mái nhà Triển lãm Khu Hòa Bình…, thể thao của TP Đà Lạt lâu nay chỉ biết quẩn quanh với các giải phong trào.

Không sân bãi tập luyện, không nhà thi đấu, mọi thứ đều phải thuê mướn, ngay chỗ làm việc chỉ là một dãy phòng tạm bợ trên tầng mái nhà Triển lãm Khu Hòa Bình…, thể thao của TP Đà Lạt lâu nay chỉ biết quẩn quanh với các giải phong trào.

Khi nào thành phố Đà Lạt mới có một nhà thi đấu như của Cty XSKT Lâm Đồng vừa xây dựng?
Khi nào thành phố Đà Lạt mới có một nhà thi đấu như của Cty XSKT Lâm Đồng vừa xây dựng?

 
Trong các huyện thành trong tỉnh, Đà Lạt là nơi có nhiều điều kiện nhất và cũng là nơi có các hoạt động thể thao mạnh nhất tỉnh hiện nay. Hằng năm, Đà Lạt đều cố gắng tổ chức giải cấp thành phố cho nhiều môn có phong trào mạnh ở đây. Chỉ tính trong năm 2011 vừa qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao (VH TT) Đà Lạt đã tổ chức 11 giải, từ bóng đá, bóng bàn, cờ tướng, cầu lông, bida, quần vợt đến giải xe đạp tay cầm ngang…

Một trong những môn thể thao có phong trào mạnh ở Đà Lạt lâu nay là quần vợt. Đà Lạt có trên 20 sân trong tổng số trên 30 sân quần vợt có trong tỉnh hiện nay với những câu lạc bộ (CLB) hoạt động rất mạnh như CLB Cảng Sài Gòn, CLB sân 198… Mỗi CLB như vậy trung bình có trên 40 đến 50 thành viên tập luyện thường xuyên hằng ngày. Bên cạnh đó, khối cơ quan đoàn thể cũng có những CLB hoạt động rất tốt như Tỉnh Đội, Học viện Lục quân, Công an tỉnh… Trong các giải quần vợt tỉnh hằng năm hầu như thành viên các CLB này đều giành giải cao nhất. Trong tỉnh hiện nay chỉ có Bảo Lộc mới có thể cạnh tranh huy chương với Đà Lạt về quần vợt.

Với cầu lông Đà Lạt cũng có những CLB rất mạnh như CLB Buổi sáng sân Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, CLB Dã Quỳ sân Trường Hermann Gmeiner, CLB Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng, trong bóng bàn là CLB Nguyễn Công Trứ. Các CLB này quy tụ các tay vợt hàng đầu của Đà Lạt và của cả tỉnh và đặc biệt gần đây 2 môn này đã góp phần đào tạo không ít các VĐV kế thừa cho bộ môn mình. Trong giải Bóng bàn toàn thành tháng 6/2012 vừa qua, đã có gần 100 VĐV tham gia giải, trong đó, có không ít các tay vợt nhí lứa thiếu niên, nhi đồng rất triển vọng.

Trên nền của phong trào này, thể thao Đà Lạt hằng năm cử rất nhiều đoàn tham gia giải tỉnh, giải quốc gia, mang về không ít huy chương. Trong năm 2011, Đà Lạt đã cử đến 19 đoàn tham dự hầu hết các giải tỉnh. Thực tế có không ít các giải tỉnh hiện nay VĐV Đà Lạt chiếm đa số hay có những môn chỉ có các đội Đà Lạt tham dự như giải bóng rổ tỉnh. Đà Lạt chính là nơi đóng góp VĐV chủ yếu cho các đội tuyển năng khiếu tỉnh trong rất nhiều bộ môn. Như cờ vua chẳng hạn, hầu hết VĐV trong đội tuyển đều là người Đà Lạt.

Thế nhưng, điều ngạc nhiên và rất đáng nói là Trung tâm VH TT Đà Lạt cho đến nay chẳng hề có hệ thống sân bãi tập luyện thi đấu, chẳng có lấy một nhà thi đấu cho riêng mình. Trong khi các huyện trong tỉnh hầu hết đều có quỹ đất qui hoạch dành riêng cho thể thao, nhiều nơi đã xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa thể thao địa phương chẳng hạn Trung tâm Văn hóa Thể thao Đức Trọng có khu nhà làm việc riêng rộng rãi với một sân vận động; Lâm Hà đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho một nhà thi đấu cấp huyện cả nghìn chỗ ngồi còn nhà thi đấu của thành phố Bảo Lộc đang được xây dựng đến vài nghìn chỗ ngồi thì Đà Lạt cho đến nay chẳng hề có động tĩnh gì. Các sân quần vợt Đà Lạt hiện nay hầu hết đều được xây dựng từ nguồn xã hội hóa của các đơn vị tư nhân hoặc đoàn thể tổ chức, người dân muốn vào chơi phải bỏ tiền. CLB Bóng bàn Nguyễn Công Trứ - nơi một cá nhân tâm huyết tự bỏ tiền, bỏ đất ra xây dựng nhưng sức có hạn nên chỉ đầu tư rất chừng mực, mái tôn thấp, thiếu sáng, các giải lớn qui tụ đông nghịt VĐV nơi đây trong cái cảnh nhập nhoạng vì thiếu đèn rất khó thi đấu và dù rất muốn cải tạo nhưng ông Nguyễn Văn Hải, chủ nhân của CLB cũng chỉ làm được đến thế. Trong cầu lông, trừ CLB của Cty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng với sân tập khang trang, các CLB còn lại muốn chơi phải hợp đồng với các trường học để được sử dụng các hội trường, sân tập của học sinh.

“Lâu nay tổ chức giải chúng tôi phải đi thuê mướn sân bãi” - ông Trần Đình Toàn, cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao Đà Lạt cho biết. Việc thuê mướn này đã làm cho công tác tổ chức rất bị động, vì sân của các đơn vị, đoàn thể tư nhân có những hoạt động riêng của họ muốn thuê phải báo trước. Cùng đó, do Trung tâm TDTT tỉnh cũng không có cơ sở vật chất nên cả hai cùng phải chạy đi thuê, có lúc thuê chung một sân rồi phân công kẻ trước người sau. Nhiều sân hiện nay đâu phải chỗ kinh doanh, làm sân là để hoạt động cho đơn vị nên khi đi thuê sân, khổ nhất theo ông Toàn là phải cố mà hợp lý hóa chứng từ thanh toán bằng cách chạy đôn đáo đi mua hóa đơn đỏ. Không sân nên việc tổ chức tập luyện cho các VĐV trong đội hình một số môn cử đi thi đấu giải tỉnh dù muốn cũng chẳng làm được gì.

Việc thuê mướn này, theo bà Ngô Thị Bích, Giám đốc Trung tâm VH TT Đà Lạt, mỗi năm đã lấy đứt đi gần cả 100 triệu đồng trong tổng số khoảng 340 triệu đồng kinh phí cho hoạt động thể thao của thành phố Đà Lạt. “Chúng tôi hằng năm chỉ có chừng đó tiền cho mọi hoạt động thể thao, từ tổ chức giải cấp thành phố, cử VĐV tham dự giải tỉnh, thuê mướn sân bãi nên phải cố mà xoay xở” - bà Bích nói. Không như nhiều địa phương trong tỉnh chi tổ chức các giải dịp đầu năm, cuối năm hết kinh phí thì… nghỉ, Đà Lạt lâu nay luôn cố rải đều các giải trong năm, chú ý đến các giải phong trào đại chúng như bóng đá các lứa tuổi dù có tốn kém. “Kinh phí này đã là quá hạn hẹp cho một thành phố đông dân như Đà Lạt, nhưng nếu chúng tôi có cơ sở, dành số tiền thuê mướn này cho thể thao thì hoạt động chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn, có kinh phí đầu tư thêm cho VĐV một số môn không chỉ giải tỉnh mà cho giải quốc gia” - bà Bích mong muốn.

Nhưng ước muốn này có lẽ cũng chỉ là mong muốn. Là thủ phủ của Lâm Đồng, đô thị loại I, trung tâm kinh tế - giáo dục của cả tỉnh, thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, câu hỏi khi nào Đà Lạt mới có một hệ thống sân bãi thi đấu thể thao cho riêng, có các bãi đất trống dành cho cắm trại, cho trẻ em thả diều, chơi bóng đá, có những chỗ sinh hoạt văn hóa công cộng cho mọi người dân cuối tuần… vẫn đang chờ các ngành chức năng thành phố trả lời?

VIẾT TRỌNG