Một mục tiêu, hai cách làm

03:08, 08/08/2012

Thế vận hội Olympic mùa hè London 2012 sẽ khép lại vào cuối tuần này bằng một lễ bế mạc được cho rằng sẽ rất đáng xem không kém lễ khai mạc...

Thế vận hội Olympic mùa hè London 2012 sẽ khép lại vào cuối tuần này bằng một lễ bế mạc được cho rằng sẽ rất đáng xem không kém lễ khai mạc. Đậm dấu ấn nhất trong các cuộc tranh tài vừa qua tại Anh có lẽ chính là rượt đuổi huy chương ngoạn mục của 2 cường quốc thể thao dẫn đầu thế giới hiện nay là Trung Quốc và Mỹ.

Trong một Trung tâm đào tạo thể thao của Trung Quốc (ảnh từ Daily Mail)
Trong một Trung tâm đào tạo thể thao của Trung Quốc (ảnh từ Daily Mail)


Trung Quốc: săn năng khiếu từ nhỏ

Thật ra cuộc đua này đã bắt đầu từ Thế vận hội 2004 ở Athens, Hy Lạp. Trong năm này, lần đầu tiên sau nhiều năm tham dự Thế vận hội, Thể thao Trung Quốc (với 32 Huy chương (HC) Vàng, 17 Bạc, 14 Đồng, tổng cộng 63 HC) đã vươn lên áp sát với Thể thao Mỹ đang dẫn đầu (với 36 Vàng, 39 Bạc, 27 Đồng, tổng cộng 102 HC). Cho đến thời điểm Thế vận hội Bắc Kinh 2008 tổ chức trên sân nhà, Trung Quốc đã bắt đầu vượt Mỹ khi dẫn đầu (với 51 Vàng, 21 Bạc, 28 Đồng, tổng cộng 100 HC), còn Mỹ chỉ về nhì (với 36 Vàng, 38 Bạc, 36 Đồng, tổng cộng 110 HC). Sự vươn lên của Trung Quốc đã đẩy Nga vốn cũng là một cường quốc về thể thao xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng trong 2 Thế vận hội gần đây nhất. Trước đó một chút, tại Thế vận hội Sydney 2000 ở Úc, Trung Quốc (28 Vàng, tổng cộng 58 HC) chỉ xếp thứ 3 sau Mỹ (dẫn đầu với 37 Vàng, tổng cộng 94 HC) và Nga (với 32 Vàng, tổng cộng 89 HC). Trong Thế vận hội năm 1996 tại Atlanta Mỹ, Trung Quốc chỉ xếp thứ 4, sau Mỹ, Nga và cả Đức.

Làm thế nào để Thể thao Trung Quốc vượt lên nhanh như vậy, câu hỏi này được không ít quốc gia đặt ra. Tất nhiên, thể thao nước này có những môn, chẳng hạn như bóng bàn, được coi như “quốc hồn quốc túy” của quốc gia đông dân này và trên cái nền phong trào rộng từ thành thị đến thôn quê, các tay vợt được tuyển chọn của họ hầu như thống trị thế giới. Gần đây khi kinh tế nước này phát triển, đã có thêm những bộ môn phát triển rất nhanh như cầu lông, bóng đá, bóng rổ (hiệu ứng từ một vận động viên Trung Quốc sang đấu giải bóng rổ nhà nghề Mỹ), quần vợt (hiệu ứng từ thành công của tay vợt nữ Li Na). Nhưng còn rất nhiều những môn khác chẳng hề phổ thông tí nào, như bơi (thể thao Mỹ từng thống trị), như thể dục dụng cụ (người Nga từng vơ gần hết HC), như đua thuyền buồm chẳng hạn… vì sao các VĐV Trung Quốc gần đây cứ lần lượt từng môn đánh bại các đấu thủ khác để lên bục giành HC tại sân chơi lớn nhất hành tinh?

Thật ra cũng không khó trả lời khi biết được cách làm của quốc gia này. Thể thao lâu nay được Trung Quốc coi như một phương tiện để quảng bá hình ảnh hùng mạnh của đất nước. Để nâng thành tích trên các đấu trường quốc tế, trong khoảng thập niên 80 các Trung tâm thể thao quốc gia này tổ chức săn tìm VĐV từ nhỏ, có những môn chỉ từ 4 - 5 tuổi. Những trung tâm thể thao như vậy với các lò đào tạo năng khiếu mọc lên nhan nhản ở các tỉnh thành, người thân của các VĐV muốn con mình thành công nên đã đua nhau đưa con em mình đến. Khi vượt qua các vòng kiểm tra, những VĐV nhí được đưa đến các trung tâm huấn luyện cao hơn, chuyên nghiệp hơn, cả ngày chỉ luyện tập với một lịch tập luyện đầy khắc nghiệt, như một người lính. Ai không theo kịp sẽ bị thay thế. Để đáp ứng với chương trình tập luyện, VĐV phải tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt có kiểm soát (nhiều người cho rằng có cả chất kích thích cho VĐV), sống tập trung tại nơi tập luyện, mỗi năm chỉ về thăm nhà vài lần khi cần thiết, người thân bị hạn chế tiếp xúc. Thậm chí có trường hợp người thân mất cũng không được thông báo vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đấu.

Với cách làm này trong vòng một thập niên trở lại đây Thể thao Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ tại các cuộc so tài quốc tế, đặc biệt là Thế vận hội. Nhưng phía sau những tấm HC vàng lấp lánh đó, đã có những câu hỏi đặt ra liệu bao nhiêu nước mắt đã chảy, đã có bao nhiêu VĐV chấp nhận đánh mất tuổi thơ quý báu cuộc đời mình để có được một tấm HC như vậy. Có nhân bản không khi làm như thế? Biết rằng mỗi tấm HC từ sàn đấu quốc tế đều có giá của nó và không cách nào bằng khổ luyện, nhưng như một phóng viên tờ Daily Mail (Anh) khi đến thăm một Trung tâm huấn luyện VĐV như vậy tại Nam Kinh thấy quá bất nhẫn đã tự hỏi rằng liệu có nên đạt HC bằng mọi giá như vậy hay không?

Mỹ: từ nền của thể thao học đường

Trái ngược với Trung Quốc khi thể thao được nhà nước hầu hết bao cấp, từ quan chức đến VĐV đều được trả lương thì VĐV Mỹ và cả quan chức cấp cao của Ủy ban Olympic quốc gia khi đến Anh thi đấu đều từ nguồn xã hội hóa. Ngay từ khi thành lập (1894), Ủy ban này xác định đây là một tổ chức xã hội và nhiệm vụ của họ cho đến nay vẫn là quyên tiền, kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội cho các hoạt động thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Hiện nay, điều hành Ủy ban này của Mỹ có 10 thành viên, bao gồm các chủ tịch các liên đoàn thể thao trong nước, hoạt động từ nguồn ngân quỹ vận động tài trợ. Họ được toàn quyền chọn các VĐV ưu tú trong nước thi đấu cho màu cờ quốc gia tại Thế vận hội.

Là một quốc gia hàng đầu thế giới về xã hội hóa thể thao hiện nay, thể thao tại Mỹ luôn gắn với học đường. Hầu như các trường trung học và đại học tại Mỹ hiện nay đều có các CLB thể thao, nơi học sinh sinh viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động mình thích ngoài giờ (tất nhiên phải đóng tiền sinh hoạt phí, đóng tiền tham dự đào tạo). Các trường coi thể thao với sức khỏe là hình ảnh tốt nhất để quảng bá cho trường mình nên xây dựng cơ sở vật chất thể thao rất tốt để thu hút học sinh, sinh viên. Hằng năm, các trường học trong từng địa phương đều có các giải đấu thể thao, chẳng hạn như giải bóng chày, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… Trường nhất khu vực sẽ giành quyền thi đấu ở cấp cao hơn, ở giải quốc gia. Mỹ có một điều “lạ” là nhiều giải đấu không chuyên của học sinh sinh viên kiểu này lại khá phổ biến và nổi tiếng, thu hút nhiều người đến xem và cổ vũ hơn là các giải đấu chuyên nghiệp. Điển hình như giải Thể dục nhịp điệu của các trường trung học Mỹ hiện nay vang danh cả thế giới.

Trên nền thể thao học đường phát triển này, hằng năm nhiều trường học các cấp, đặc biệt là đại học có các học bổng thể thao để thu hút năng khiếu. Nhiều trường còn tổ chức săn tìm các năng khiếu về trường mình, cấp học bổng ưu đãi cho họ. Những sinh viên khi nhận được học bổng sẽ được hưởng quyền ưu tiên miễn giảm một số môn học nhất định, đồng thời được tham dự huấn luyện thể thao không mất tiền, được đại diện trường thi đấu các giải thể thao nếu đạt chuẩn. Trong một thời hạn nhất định, nếu đạt thành tích mới được cấp tiếp học bổng, còn không muốn đào tạo thêm phải tự bỏ tiền nhà. Những sinh viên học sinh đạt giải cao trong nước sẽ được người đứng đầu từng bộ môn tuyển chọn để dự các giải quốc gia, quốc tế. Động lực cho họ khi nổi tiếng là có thể kiếm tiền từ tài năng của mình: thi đấu chuyên nghiệp, tham gia quảng cáo sản phẩm…

Để có HC, Trung Quốc và Mỹ đã có 2 cách làm rất khác nhau. Một bên là luyện gà nòi, một bên dựa vào phong trào học đường. Thực tế cho thấy chính trên cái nền học đường này thể thao Mỹ trong suốt nhiều năm vẫn rất bền vững, luôn ngự trị trên đỉnh cao của thể thao thế giới, luôn có những khuôn mặt thay thế nổi bật khi cần thiết. Rất nhiều quốc gia đã chọn theo con đường này, chẳng hạn như tại châu Á là Nhật và Hàn Quốc và họ cũng đang gặt hái thành công. Đây có lẽ là một bài học lớn cho thể thao Việt Nam khi quyết định chọn con đường nào.

VIẾT TRỌNG