Trông chờ một công trình

03:08, 22/08/2012

Tháng 10 /2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cát Tiên trong sự mong chờ của người dân nơi đây.

Tháng 10 /2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cát Tiên trong sự mong chờ của người dân nơi đây.

Nơi được quy hoạch xây dựng Trung tâm VHTT hiện vẫn chỉ là đất ruộng
Nơi được quy hoạch xây dựng Trung tâm VHTT hiện vẫn chỉ là đất ruộng


Quyết định trên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Thu ký, địa điểm để xây dựng công trình nằm bên cạnh Quảng trường Phạm Văn Đồng ngay tại xã Phù Mỹ, phía trước trụ sở UBND huyện hiện nay. Chủ đầu tư công trình là UBND huyện Cát Tiên. Tổng diện tích đất sử dụng cho công trình là 2,68 ha, nơi đây sẽ xây dựng một nhà thi đấu thể thao đa năng với diện tích trên 2.700 m2, một khối nhà 2 tầng dành cho các sinh hoạt văn hóa như trưng bày, triển lãm, khu dành cho học tập chuyên môn, nhà làm việc; một khối nhà cho thư viện. Trong nhà thi đấu có thể lắp thiết bị thành sân bóng chuyền, sân cầu lông, bên ngoài nhà thi đấu là các công trình thể thao khác như sân vận động, hồ bơi, hệ thống sân ngoài trời như sân quần vợt, sân cầu lông, sân bóng chuyền, các quầy bán sách báo, dụng cụ thể thao, bãi đậu xe, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa. Tổng kinh phí đầu tư cho Trung tâm trên 114 tỷ đồng, đây sẽ là một công trình tạo điểm nhấn cho Cát Tiên, hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng cho khu trung tâm, là địa điểm để tổ chức các giải thể thao của huyện, nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn văn nghệ, điểm sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí cho người dân trong huyện.

“Rất mừng khi có được quyết định trên. Huyện đã tiến hành mọi thủ tục từ năm 2007 cho mãi đến 2011 mới được như vậy” - ông Lưu Văn Lịch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) Cát Tiên cho biết. Có thể hình dung được nỗi mừng vui này không chỉ riêng của ngành VHTT Cát Tiên mà còn là của rất đông người dân ở huyện thuần nông vùng sâu này.

So với 3 huyện phía nam Lâm Đồng, huyện vùng sâu Cát Tiên là nơi chịu nhiều thiệt thòi nhất. Lũ lụt hoành hành hằng năm (nay nhờ các công trình thủy điện đầu nguồn Đồng Nai nên giảm bớt), cư dân sống dựa chủ yếu vào cây lúa chỉ đủ ăn chứ khó giàu, phố huyện vẫn còn vẻ rất nông thôn. Trong khi Đạ Tẻh đã ra dáng đô thị với thị trấn đường ngang ngõ dọc mở rộng tráng nhựa đẹp đẽ, vỉa hè lát gạch trồng cây xanh, một Trung tâm VHTT lớn được xây dựng từ rất lâu ngay trung tâm huyện, còn Đạ Huoai cũng có một nhà thi đấu cấp huyện vào loại hoành tráng nhất tỉnh thì Cát Tiên mãi cho đến nay sau bao nhiêu năm thành lập vẫn chẳng có một công trình đáng kể nào cho sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng. Quảng trường của huyện nay vẫn chỉ là một khoảng đất thênh thang lộng gió, chưa có sân vận động trung tâm, cả huyện chưa có lấy một sân quần vợt, sân bóng chuyền, sân cầu lông là các bãi đất trống làm tạm khi cần thi đấu. Đáng kể nhất hiện nay ở Cát Tiên như ông Lịch cho biết chỉ là 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo “xã hội hóa”, tư nhân vừa tự bỏ tiền xây dựng chiều chiều khá đông thanh niên đến chơi vì chẳng còn chỗ nào khác.

Không sân bãi, không nhà thi đấu, lâu nay Thể thao Cát Tiên chỉ có thể dựa vào các môn phong trào trong nhà như võ thuật, cờ tướng hoặc các môn không cần lắm đến sân bãi như đua thuyền (đua trên sông Đồng Nai), việt dã, dưỡng sinh… khi thi đấu giải tỉnh… Các giải thể thao huyện hằng năm, theo ông Lịch, chỉ có thể tổ chức ngoài trời, mùa mưa là “bó tay”, hoạt động văn hóa lễ hội tốt nhất cũng diễn ra trong mùa khô. Ngay cả Trung tâm VHTT huyện hiện nay trong khi chờ xây dựng ở địa điểm mới theo quyết định này vẫn phải đi ở nhờ trong một ngôi nhà rất chật hẹp nằm trong sân của Đài Truyền thanh Truyền hình Cát Tiên
Nhưng có lẽ sự trông chờ này sẽ phải còn rất lâu vì cho đến nay, bãi đất nơi quy hoạch xây dựng Trung tâm mà ông Lịch đưa chúng tôi đến thăm chỉ là một khoảng đất trống đồng không mông quạnh, xa xa là ruộng lúa xanh ngắt. Theo ông Lịch, khi có quyết định của tỉnh, huyện đã có phương án đấu thầu nhưng trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công nên công trình chưa thể bố trí vốn và vẫn phải nằm chờ trên giấy.

Cần thấy rằng đây là một công trình vào loại cấp thiết của người dân vùng sâu Cát Tiên. Đã đến lúc người dân quanh năm đầu tắt mặt tối nơi đây cần có một địa điểm cho sinh hoạt văn hóa tinh thần, để phong trào TDTT địa phương có điều kiện phát triển, để khoảng cách thưởng thức văn hóa giữa nông thôn và thành thị dần thu hẹp bớt. Một khảo sát gần đây của ngành chức năng tỉnh cho biết khoảng cách về thu nhập của người dân vùng nông thôn và thành thị của tỉnh chỉ trong vòng khoảng từ 1 đến 10 lần nhưng khoảng cách về thưởng thức văn hóa, sinh hoạt tinh thần của người dân hai vùng này đã cách nhau đến vài mươi lần.

Theo ông Ngô Xuân Hiển, Chủ tịch UBND Cát Tiên, vẫn có giải pháp cho vấn đề. Trước mắt có thể phân kỳ hay chia nhỏ ra để đầu tư công trình theo từng năm cho bớt áp lực vốn. Theo quyết định của tỉnh, trong giai đoạn 1 công trình sẽ được đầu tư nhà thi đấu, khối trưng bày triển lãm, khu hành chính để làm việc, các hạng mục bảo vệ như cổng hàng rào, đường nội bộ. Trong giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp một số hạng mục còn lại như thư viện, trồng cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa. Tuy nhiên, với những hạng mục giai đoạn 1, theo ông Hiển vẫn có thể chia nhỏ hơn. Chỉ chọn đầu tư một số hạng mục cơ bản cần thiết trước theo cách làm cuốn chiếu tùy theo số vốn có được chứ chờ thì biết chờ đến bao giờ.

Huyện đang trông chờ, tất cả phụ thuộc vào sự quyết định của tỉnh.

VIẾT TRỌNG