Cây đại thụ làng võ Việt

03:10, 10/10/2012

Đã cao tuổi nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Hầu như cả đời ông dành cho nghiệp võ, đến giờ không thể nhớ hết số học trò mình đã dạy.

Võ sư Đoàn Phùng ở tuổi 84
Võ sư Đoàn Phùng ở tuổi 84

Đã cao tuổi nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Hầu như cả đời ông dành cho nghiệp võ, đến giờ không thể nhớ hết số học trò mình đã dạy.

Đó là lão võ sư Đoàn Phùng với võ đường mang tên mình ở Khu phố Hoà Lạc, thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà. Sinh năm 1929 tại ngôi làng An Thái nổi tiếng của đất võ Bình Định (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, Bình Định) nơi mà theo ông “người người biết võ, nhà nhà biết võ”. Ngay từ nhỏ, ông đã theo học võ, được một võ sư thuộc hàng huyền thoại của đất võ và cũng là một người thân của gia đình là thầy Đoàn Phong trực tiếp truyền dạy võ chân truyền Bình Định. Sau này có dịp ông còn học thêm ở nhiều thầy khác trong vùng, học các trường phái khác nổi tiếng nhất trong số này có võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) nhưng ông chỉ học cho biết. “Ngày đó đi tập võ là theo nếp gia đình, của làng, cốt cho khoẻ, đâu biết có ngày mình lại theo nghiệp này” - ông nhớ lại.

Nghiệp dạy võ bắt đầu với ông ở năm gần 30 tuổi. Đó là năm 1958 khi ông cùng gia đình rời Bình Định vào Đà Lạt lập nghiệp. “Tôi tham gia cách mạng, khi cơ sở trong vùng bị lộ, phải chuyển đi chứ không thì bị bắt” - ông kể. Vào Đà Lạt, ông tiếp tục liên lạc, hoạt động trong đường dây cách mạng cùng lúc với việc mở võ đường dạy võ Bình Định. Lò võ của ông lúc đó đó là một trong những võ đường có tiếng của Đà Lạt trong những năm 60. Năm 1966, ông bị chế độ cũ bắt và tống vào tù, bị giam cho đến khi đất nước giải phóng năm 1975. Khi về công tác tại Ty Công nghiệp Đà Lạt, sau giải phóng, trong năm 1976, Đà Lạt có đợt vận động người dân đi xây dựng kinh tế mới ở các vùng ven, là cán bộ địa phương ông làm gương đăng ký. Cả nhà lại theo ông xuống Đinh Văn làm nông. Ở đây ông tham gia chính quyền cơ sở, là Phó Chủ tịch xã cho đến khi về hưu.

Cho đến khi về hưu, ông xin phép được mở võ đường ở nhà ông. Đó là giai đoạn các võ đường được phép hoạt động trở lại. Người học võ như ông, võ đã là một phần quan trọng trong đời, là một cái nghiệp. “Võ như ngấm vào máu, vào hơi thở, vào cả suy nghĩ” - ông bảo. Trước đây khi còn trong chốn lao tù chế độ cũ, ông vẫn dành thời gian để lén đi một vài bài quyền trong đêm “cho khoẻ người”. Sau giải phóng, ngày công tác đêm đêm thỉnh thoảng ông vẫn ôn luyện “Văn ôn, võ luyện, chứ không thì quên hết nhanh lắm”. Võ cổ truyền theo ông là cái hồn, tinh tuý của cha ông để lại, là tinh thần quật cường của người Việt mà những người học võ như ông phải có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho con cháu như một lẽ tự nhiên, một dòng chảy của đất trời. Để mai một, thất lạc là có tội với tiền nhân.

Và võ đường của ông trên đất Đinh Văn, Lâm Hà luôn luôn có người đến “tầm sư học đạo”. Ông thuộc lớp người “cũ”, rất kén học trò, không phải ai đến ông cũng dạy và dạy hết những điều ông biết. Ông dạy võ một cách chậm rãi, chặt chẽ, nhưng rất kỹ lưỡng, tuỳ học trò mà chọn cách dạy phù hợp. Cho đến nay học trò của ông qua bao thế hệ cũng có đến 50 - 70 người “Không nhớ hết. Học trò nhớ mình chứ mình làm sao nhớ hết học trò” - ông cười tươi. Đã lớn tuổi nhưng giọng ông vẫn vang vang khi đọc các lời “thiệu” và đi các bài quyền cổ truyền hùng tráng của đất võ Tây Sơn như bài Lão Mai, bài Ngọc Trảng, bài Hùng Kê… Đặc biệt là các bài roi (gậy) trận, bài binh khí độc đáo của vùng đất Bình Định từng gắn bó với các chiến binh bách chiến bách thắng của vua Quang Trung như Ngũ Môn Phá Trận, Thái Sơn… các bài roi lưu truyền trong dân gian như Roi Lâm… ông thuộc làu làu. Lớn tuổi nhưng ông vẫn múa quyền uyển chuyển, tay chân phối hợp nhịp nhàng.

“Học võ phải nắm được cái hồn của võ thuật” - ông bảo. Không chỉ là chuyện rèn luyện thân thể “Anh hãy coi, tôi năm nay chừng tuổi này rồi mà vẫn khoẻ mạnh. Tất cả nhờ võ” - ông cười hồn nhiên. Nhưng như ông nói, điều cơ bản nhất cho con nhà võ là chuyện rèn đạo đức. Học võ theo ông là cách rèn người, rèn tâm, rèn đức. Võ dạy mình, bình tĩnh trước sự việc, hành động có cân nhắc, biết bênh vực lẽ phải, sống hướng thiện, có dũng khí, lên án cái ác, cái bất công. “Phải có tinh thần chân chính của con nhà võ, học võ không để làm bậy”.

“Đây là một trong những cây đại thụ của võ cổ truyền Lâm Đồng” - võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ Cổ truyền Lâm Đồng nhận xét khi nói về lão võ sư Đoàn Phùng. Võ của ông, theo ông Bảo, rất hiếm vì có những nét thuần Việt, chân phương nhưng độc đáo của “võ Ta”. Thuộc lớp những người mở đầu cho Võ Cổ truyền chân truyền tại Đà Lạt Lâm Đồng, võ sư Đoàn Phùng rất chú ý đến nhân cách người học để truyền thụ võ thuật, dạy người nào nên người đó.

Và cây đại thụ này nay đã rất cao tuổi: năm nay Võ sư Đoàn Phùng đã 84 tuổi. Đã hai năm nay ông không còn dạy võ nữa, nhường lại phần việc này cho các học trò. Con ông (ông có 5 người con) không có người nào theo nghiệp cha dạy võ mà đều chọn ăn học, làm nhà nước. Nhưng không sao, ông có các học trò kế nghiệp. Dòng võ Việt gần như cả đời gắn bó đó ông hy vọng sẽ còn được lưu truyền cho những thế hệ kế tiếp nữa.

Viết Trọng