Dòng chảy võ cổ truyền trên cao nguyên

03:10, 03/10/2012

Võ đường Sa Vân Long là một trong những võ đường đầu tiên ở Lâm Đồng với người truyền dạy là lão võ sư Phạm Đình Trọng, thường được mọi người gọi là thầy Sáu Trọng. Lão võ sư rời quê hương Bình Định lên Lâm Đồng mang theo môn võ truyền thống gia tộc Sa Môn Võ Đạo, một nhánh võ được khởi phát từ chính Tây Sơn Bình Định.

Võ đường Sa Vân Long là một trong những võ đường đầu tiên ở Lâm Đồng với người truyền dạy là lão võ sư Phạm Đình Trọng, thường được mọi người gọi là thầy Sáu Trọng. Lão võ sư rời quê hương Bình Định lên Lâm Đồng mang theo môn võ truyền thống gia tộc Sa Môn Võ Đạo, một nhánh võ được khởi phát từ chính Tây Sơn Bình Định. Ông mở võ đường, chiêu sinh, dạy võ thuật và dạy cả những tâm huyết của người đã suốt đời gắn với võ thuật. Dạy học trò từ năm 1950, ông đã cho "ra lò" hàng ngàn võ sinh và điều tự hào của ông là không ai đi chệch con đường "chánh đạo". Trong số võ sinh đó, có không ít người là chiến sỹ cách mạng, nhiều người được thầy Sáu nuôi dưỡng ngay trong nhà, thoát khỏi sự truy đuổi của ngụy quyền. Võ đường Sa Vân Long vẫn tiếp tục truyền dạy võ cổ truyền với sự tiếp nối của võ sư Phạm Ngọc Hùng, thực hiện tâm nguyện của lão võ sư Phạm Đình Trọng.

Không chỉ có võ đường Sa Vân Long, nhiều võ đường được mở khắp Lâm Đồng từ những năm Đà Lạt còn nguyên sơ. Đó là võ đường Năm Mãnh với lão võ sư Võ Văn Mãnh, võ đường Võ Bình Định với lão võ sư Đoàn Phùng. Đất Đà Lạt còn nhớ danh lão võ sư Huỳnh Công biệt danh Ông già sân cày, lão võ sư cao tuổi nhất đất cao nguyên. Các môn võ cổ truyền được dạy tại Lâm Đồng chủ yếu xuất phát từ hai nguồn gốc, võ Tây Sơn Bình Định và võ Thiếu Lâm các hệ phái. Suốt nhiều thập kỷ, các võ sư, võ đường võ cổ truyền đã truyền dạy võ thuật đồng thời khơi mở tinh thần dân tộc tồn tại trong chính bản thân môn võ và trong tâm hồn từng võ sinh.

Sau những năm trầm lắng, từ năm 1980 tới nay, phong trào dạy và học võ thuật cổ truyền có thể nói phát triển rộng khắp toàn tỉnh. Các võ được mở khắp tỉnh, từ thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cho tới huyện Đam Rông, nơi nào cũng có võ đường võ cổ truyền chiêu sinh tập luyện. Dù hiện tại Lâm Đồng có rất nhiều môn phái võ thuật được du nhập từ nước ngoài như Taewondo, Karatedo, Aikido nhưng võ thuật cổ truyền vẫn phát triển và đạt nhiều thành tích. Bởi như lão võ sư Phạm Đình Trọng từng nói, "Võ cổ truyền đúc rút từ quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đòn thế phù hợp với tính cách và thể lực của người Việt. Và các triết lý trong võ thuật cổ truyền cũng phù hợp với quan điểm, tình cảm, tâm tư của người Việt". Học võ cổ truyền, võ sinh được học không chỉ những bài quyền, thế tấn mà còn học được tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, học được cả những bài học lịch sử, sự ra đời những bài quyền. Võ sinh học Tây Sơn Bình Định nào cũng nhớ tới người anh hùng dân tộc Nguyễn Lữ, một trong Tây Sơn Tam Kiệt, người đã sáng tạo ra bài Hùng Kê quyền nổi tiếng.

Từ năm 1993, những người học võ cổ truyền sinh hoạt trong một tập thể, đó là Hội Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng. Hội có đầy thành tích trong suốt quá trình hình thành và hoạt động. Đó là huấn luyện võ thuật cho trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng kiểm lâm, công an, nhiều võ sinh nước ngoài và hàng vạn võ sinh trong tỉnh. Nhiều võ sĩ nổi danh toàn quốc đã trưởng thành từ phong trào võ cổ truyền Lâm Đồng. Gần 2 ngàn võ sinh đang hàng ngày luyện tập võ cổ truyền tại các võ đường toàn tỉnh. Võ cổ truyền xứng đáng được vinh danh bên cạnh những môn võ thuật khác bởi tinh thần dân tộc, bởi vẻ đẹp trong triết lý võ thuật, bởi dòng chảy hàng ngàn năm kết tinh lại cho thời đại hôm nay.

TRƯƠNG VĂN BẢO - D.Q