Một di sản của dân tộc

03:10, 03/10/2012

Với việc “nâng cấp” từ Hội lên Liên đoàn trong tuần qua, Võ cổ truyền Lâm Đồng đang hướng đến việc hiện đại hoá, đưa di sản văn hoá của cha ông hội nhập sâu hơn vào đời sống thể thao của tỉnh.

Với việc “nâng cấp” từ Hội lên Liên đoàn trong tuần qua, Võ cổ truyền Lâm Đồng đang hướng đến việc hiện đại hoá, đưa di sản văn hoá của cha ông hội nhập sâu hơn vào đời sống thể thao của tỉnh.

Với 34 võ đường (hay phòng tập, câu lạc bộ) có mặt trong hầu hết các địa bàn trong tỉnh, từ thành phố, phố huyện đến vùng nông thôn, võ cổ truyền được coi là bộ môn võ thuật có số lượng người tập luyện đông nhất tỉnh hiện nay. Số liệu chính thức của Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng cho biết là có gần 2.000 võ sinh tập luyện trong cả tỉnh nhưng trong thực tế còn cao hơn nhiều vì có những người đến với võ chỉ để rèn luyện sức khoẻ, tự luyện tập để phòng thân và không muốn khai báo, không theo một võ đường nào cả.

Ra mắt Ban Chấp hành mới của Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng nhiệm kỳ 2012-2017
Ra mắt Ban Chấp hành mới của Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng nhiệm kỳ 2012-2017


Vậy võ cổ truyền là gì? Theo võ sư Lê Đình Chương (Võ đường Lê Đình Bút - Đà Lạt), đơn giản là môn võ của ông bà mình truyền lại. Còn với võ sư Lê Thái Quốc Hoàng (Võ đường Đồng Vũ - Tân Hội, Đức Trọng) cùng Lão võ sư Đoàn Phùng (Đinh Văn, Lâm Hà), võ cổ truyền là môn võ ông cha ta tạo ra để bảo vệ đất nước trong suốt quá trình giữ nước, chống Bắc thuộc hằng nghìn năm trước, dùng để tự vệ, đánh trận. Kết tinh nhất của võ cổ truyền Việt Nam chính là Võ Bình Định.

Nhưng trong võ cổ truyền hiện nay không chỉ có các hệ phái võ của người Việt mà còn có những môn du nhập từ nước ngoài vào. Theo võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng, trong võ cổ truyền hiện nay có 2 dòng chính: một dòng võ của người Việt, do người Việt tạo ra và một dòng võ có ảnh hưởng từ nước ngoài, chủ yếu từ Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc (võ Tàu). Với võ Việt, nổi bật nhất là Tây Sơn - Bình Định với võ trận Bình Định, Bình Định Sa Long Cương, Bình Định chân truyền, Bình Định An Thái, Bình Định An Vinh… Võ Bình Định kể từ thời Tây Sơn đến nay đã có tác động lớn đến võ thuật của người Việt, không chỉ ở miền Trung với trung tâm là Bình Định mà lan ra các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Ở phái Bắc, theo ông Bảo, có thể kể đến những hệ phái xuất phát từ võ Bình Định như Nam Hồng Sơn, Bình Định Gia cùng những môn võ có ảnh hưởng của võ Tàu như Lâm Sơn Động, Thăng Long võ đạo… Ở các tỉnh phía Nam, các lò võ cũng phân biệt võ Ta và võ Tàu, với các hệ phái võ Ta như võ Bình Định, võ Ta, Tân Khánh Bà Trà, võ Lâm Vườn Trầu… Còn dòng võ có ảnh hưởng từ nước ngoài hiện nay trong võ cổ truyền chủ yếu là võ Tàu với Thiếu Lâm Tự như Thiếu Lâm Bắc phái, Thiếu Lâm Nam phái, Thiếu Lâm Phật Gia Quyền…

Võ cổ truyền đã có mặt rất sớm tại Đà Lạt, Lâm Đồng cùng với cộng đồng người Việt đến lập nghiệp. Có thể kể đến những võ đường hay môn phái xuất hiện rất sớm trên đất Lâm Đồng - Tuyên Đức cũ như võ Ta (1950), Sa Môn Võ Đạo (1950), Tây Sơn Bình Định (1952), võ Tự do (1958), võ Bình Định (1960), Thiếu Lâm Hắc Hổ (1970), Thiếu Lâm Phật Gia Quyền (1973), Thần Quyền (1974)… cùng những tên tuổi như huyền thoại: Võ sư Huỳnh Công, Võ sư Phạm Đình Trọng, Võ sư Võ Văn Mãnh, Võ sư Nguyễn Văn Tường, Võ sư Lê Đình Bút… Điểm hạn chế lớn nhất của giai đoạn trước năm 1975 là võ cổ truyền mang tính dòng tộc, môn phái, phát triển không rộng, sự truyền thụ nghiêm túc nhưng rất khắt khe và đôi lúc người ngoài nhìn vào như kiểu “ \bí truyền”.

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt từ thập niên 80 đến nay, võ cổ truyền phát triển rất mạnh trong tỉnh. Tháng 6 năm 1993, Hội Võ cổ truyền Lâm Đồng được thành lập, gia nhập Liên đoàn Võ thuật Lâm Đồng và là thành viên của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, Võ cổ truyền Lâm Đồng đã góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh chung của Thể thao Lâm Đồng, đào tạo nhiều vận động viên mang rất nhiều huy chương (HC) từ các giải quốc gia về cho tỉnh. Hầu như những năm gần đây năm nào cũng có HC. Như tại giải Trẻ quốc gia năm nay, Đoàn Võ cổ truyền Lâm Đồng đã giành được 2 HC Vàng, 3 Bạc, 6 Đồng. Tại giải vô địch quốc gia 2012, Võ cổ truyền Lâm Đồng có 1 Vàng, 7 Bạc còn giải Quốc tế Võ cổ truyền tại TP HCM trong tháng 7 vừa qua đoàn Lâm Đồng giành được 3 Vàng, 3 Bạc, 5 Đồng.

Về phân bố võ đường, Đà Lạt nhiều nhất hiện nay với 9 võ đường, Bảo Lộc có 7, Đức Trọng có 5. Các huyện còn lại có từ 1 đến 2 võ đường. Có không ít võ đường tham gia huấn luyện võ thuật cho Trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Kiểm lâm, Công an Lâm Đồng, đào tạo vệ sĩ, dạy võ cho các đoàn nước ngoài…

Điểm hạn chế lớn nhất theo Võ sư Trương Văn Bảo chính là suốt trong một thời gian dài Võ cổ truyền được ngành Thể thao xếp vào bộ môn “phong trào”. Và là vì phong trào nên chẳng hề được Nhà nước hỗ trợ, có cũng được, không có cũng xong. Trong khi đó, nhiều môn võ từ nước ngoài vào, do được xếp “thành tích cao”, đi thi đấu quốc tế nên được đầu tư ào ạt, được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động. Còn võ cổ truyền trong đó có võ dân tộc Việt theo ông Bảo, lại phát triển rất hạn chế, chưa tương xứng với năng lực và vị thế của mình. “Có nhiều môn võ đang phát triển tại Việt Nam, trong đó có võ của người Việt và võ du nhập từ nước ngoài. Môn võ nào cũng giúp người tập rèn luyện sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, thông qua luyện tập để rèn nhân cách. Nhưng để giáo dục tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự cường, truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và cả xã hội thì không có môn võ nào có thể thay thế được võ thuật cổ truyền Việt Nam vì chính nó đã cùng với đất nước đi suốt chiều dài của lịch sử giữ nước và dựng nước của người Việt” - ông Bảo nhấn mạnh.

Đồng ý với ý kiến này, theo ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, “Võ cổ truyền là di sản văn hoá của người Việt. Cha ông chúng ta đã tự hào có môn võ riêng của chúng ta. Đây là một vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ của chúng ta là giữ gìn phát huy, phát triển di sản này”.
Đã đến lúc nên có một cách nhìn khác hơn để phát huy di sản văn hoá của cha ông này. Trước nhất là nỗ lực quốc tế hoá môn võ này theo cái cách mà các quốc gia chung quanh đã làm với môn võ quốc gia mình, hiện đại hoá để nâng tầm võ Việt. Còn riêng với Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh, theo ông Bảo, đang mong được các ngành chức năng tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn để môn võ này có thể vào học đường trong tỉnh.

Viết Trọng