Trái tim nhân hậu của đôi vợ chồng VĐV khuyết tật

03:10, 31/10/2012

Bất chấp khó khăn, một cặp vợ chồng VĐV khuyết tật, anh chỉ có 1 chân hoạt động, chị ngồi trên xe lăn, đã có 2 con nhưng cả hai vẫn can đảm nhận nuôi thêm một đứa trẻ bị bỏ rơi vì “thấy thương quá, nhìn là thương, không nỡ quay lưng bỏ đi…”.

Đây là một câu chuyện thể thao, nhưng cũng là câu chuyện của tình người. Bất chấp khó khăn, một cặp vợ chồng VĐV khuyết tật, anh chỉ có 1 chân hoạt động, chị ngồi trên xe lăn, đã có 2 con nhưng cả hai vẫn can đảm nhận nuôi thêm một đứa trẻ bị bỏ rơi vì “thấy thương quá, nhìn là thương, không nỡ quay lưng bỏ đi…”.

Đôi vợ chồng VĐV Mai Xuân Long và Hoàng Thị Hồng Châu trước nhà của mình
Đôi vợ chồng VĐV Mai Xuân Long và Hoàng Thị Hồng Châu trước nhà của mình


Rất nhiều người chơi thể thao khuyết tật ở Lâm Đồng và trong nước biết đến anh, vì hằng năm anh vẫn luôn đại diện cho Lâm Đồng dự giải thể thao quốc gia dành cho người khuyết tật và đều đặn mang huy chương (HC) về cho thể thao Lâm Đồng. Hầu như năm nào khi tham gia là có HC trong các nội dung tham gia, có lúc anh được cả 3 HC Vàng. Còn chị cũng thế, cũng nổi tiếng trong làng thể thao khuyết tật không kém. Là người Lâm Đồng nhưng lại đăng ký thi đấu cho TP HCM và hằng năm vẫn đều đặn mang huy chương về cho thành phố mang tên Bác với số HC cũng không kém chồng. Đó là cặp vợ chồng VĐV Mai Xuân Long và Hoàng Thị Hồng Châu.

Đây là một câu chuyện tình đẹp của một đôi vợ chồng khuyết tật với nhiều mặc cảm trong xã hội. Là người Đà Lạt, (sinh năm 1975) Mai Xuân Long quen với Hồng Châu (sinh 1972 người Lạc Lâm, Đơn Dương) trong một chuyến công tác xuống Đơn Dương khi anh đang là nhân viên phục hồi chức năng cộng đồng cho Làng Hòa Bình Đà Lạt.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở phường 9, Đà Lạt, lúc nhỏ anh vẫn bình thường nhưng di chứng của một cơn sốt bại liệt đã làm teo nhỏ một chân của anh dù gia đình lúc đó đã cố gắng chạy chữa hết sức. Còn Hồng Châu cũng thế, lên 5 tuổi chị bị cơn sốt quái ác này hoành hành, làm teo cả hai chân và khi bớt bệnh chị bị teo cả hai chân, phải ngồi xe lăn. Xuân Long học hết 12 ở Trường THCS và THPT Chi Lăng rồi xin vào làm ở Làng Hòa Bình Đà Lạt, còn chị chỉ học hết lớp 7 rồi đi học may. Khi họ gặp nhau, chị đã mở một hiệu may nhỏ để tự kiếm sống, còn anh đã là một VĐV khuyết tật liên tục giành HC cho thể thao Lâm Đồng.

“Tôi đến với thể thao một cách rất tình cờ” - Xuân Long kể. Năm 1993 khi xuống dự lớp tập huấn phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại TP HCM, gần đó có một CLB thể thao cho người khuyết tật, anh qua thử tập chơi, thấy thích và hằng ngày thường xuyên qua tập luyện. Cũng trong năm này, TP HCM tổ chức đua xe lăn cho người khuyết tật, anh đăng ký tham gia và trong sự ngạc nhiên của mọi người, anh về nhất. Năm sau đó, 1994, anh đại diện cho Lâm Đồng dự giải đua xe lăn quốc gia và lại giành HC Vàng. Từ đó, hằng năm anh đều dự giải và đều có HC, không vàng cũng bạc. Đến năm 2003 anh chuyển sang thi đấu ở 3 môn ném lao, đẩy tạ và ném đĩa người khuyết tật và hầu như ít có đối thủ trong giải quốc gia.

Anh chị cưới nhau năm 1999 trong sự đùm bọc thương yêu của cả 2 gia đình nhưng cũng có chút ái ngại. Anh quyết định bỏ việc tại Làng Hòa Bình để về Đơn Dương phụ vợ may, rồi cả hai lên Đà Lạt mở hiệu may, đi ở nhà thuê, cố gắng tự lực. Những đứa con lần lượt ra đời. 2 cô con gái, cô lớn sinh năm 2000, cô thứ hai sinh năm 2004. Năm 2001, hai vợ chồng theo gia đình vợ chuyển xuống huyện Lâm Hà, anh chị vẫn đi ở thuê.

Dù khó khăn trong cuộc sống, trong chuyện mưu sinh nhưng với thể thao anh không bỏ cuộc. Năm 2003, khi xuống TP HCM tập luyện để dự giải quốc gia, anh Long mang cả vợ và con theo. Trong một buổi tập ném lao, chị Châu khi đến cổ vũ đã vào ném thử và bất ngờ là chị ném rất tốt, thế là HLV đoàn TP HCM mời chị ra tập và gia nhập đoàn. Ngay trong giải năm này, trong màu áo của TP HCM chị đã giành được HC trong những nội dung mà chồng mình thi đấu. Như một cái duyên, từ đó đến nay chị là thành viên của đoàn VĐV khuyết tật TP HCM. Năm nào, cũng như chồng mình, khi tham gia chị cũng luôn giành được HC. Tính cho đến nay, cả hai đều không đếm hết số tấm HC quốc gia mình đã giành được, “Nhiều quá, không tính hết, năm nào cũng có, chắc phải trên trăm HC” - anh Long cười vui.

Ấn tượng nhất cho hai vợ chồng VĐV này là lần tham gia Đại hội Thể thao người Khuyết tật Đông Nam Á Paragames tại Hà Nội năm 2003. Nhờ thành tích trong giải quốc gia, cả 2 vợ chồng đều là thành viên đội tuyển quốc gia và cả 2 đã thi đấu xuất sắc, giành được đến 4 HC tại Đại hội này, trong đó anh giành được 2 gồm HC Bạc trong môn ném lao, HC Đồng trong đẩy tạ còn chị cũng giành được 2 HC nhưng đều là vàng trong đẩy tạ và ném lao. Nhờ những tấm HC này, UBND huyện Lâm Hà nơi anh chị sinh sống khi biết hoàn cảnh khó khăn của anh chị đã quyết định cấp 100 m2 trong một khu qui hoạch hỗ trợ cho vợ chồng. Trên lô đất này, cũng từ tiền thưởng quốc gia của 4 tấm HC trên, được gần 200 triệu đồng, anh chị đã xây một ngôi nhà cho mình, chấm dứt cảnh lận đận ở thuê.

“Thể thao đã cho chúng tôi tất cả, cho rất nhiều, cả căn nhà này”, chị Châu, anh Long bộc bạch. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, hai đứa con anh chị ngày ngày đi học, cô con gái lớn Mai Hoàng Khánh Vy đã học lớp 7, cô con gái nhỏ Mai Hoàng Thoại Vy đang học lớp 4, cả hai đều khỏe mạnh, đã biết phụ giúp cho cha mẹ công việc hằng ngày. Chị hằng ngày làm việc tại hiệu may nhỏ của chị, với sự trợ giúp của anh, và anh chị đang dạy may cho những người khuyết tật khác trong huyện.

Khi chúng tôi đến anh chị đang xây lại cổng và tường rào “cho tươm tất một chút”. Phía sau nhà anh chị xây nối một dãy 4 phòng trọ, “mỗi tháng cũng được 2 triệu đồng để con ăn học” - chị Châu cho biết. Chị tính với chúng tôi, từ khi cưới nhau về, trước khi xây được căn nhà này, anh chị đã lục đục chuyển đến 13 nhà trọ, hết nhà trọ này lại sang nhà trọ khác. Thể thao đã cho anh, một chàng trai tật nguyền, sức mạnh tinh thần lớn lao để vượt qua mọi nghịch cảnh. Thể thao đã cho chị một “cô thợ may phố núi” - như cách bạn bè ở TP HCM thường gọi vui, vượt khỏi 4 bức tường im lặng từ hiệu may nhỏ hằng ngày của  mình để kết nối với bạn bè cùng chung cảnh khuyết tật với mình khắp nơi trên đất nước Việt Nam, cho chị đến với các cuộc thi, đến cả đấu trường Đông Nam Á. “Từ khi tôi biết, thể thao như đã gắn bó với cuộc đời vợ chồng tôi. Chúng tôi còn sức còn chơi thể thao, chừng nào hết sức thi đấu không được nữa thì thôi” - chị cười tươi. Anh chị cho biết thời gian này đang chuẩn bị để thi đấu giải quốc gia năm nay.

Nhưng câu chuyện chưa thể kết thúc ở đây vì người viết còn muốn nói thêm một chút về đôi vợ chồng VĐV khuyết tật này. Đó là cô con gái nhỏ Mai Hoàng Khải Vy luôn quẩn quanh vợ chồng khi chúng tôi đến. “Đây là đứa con vợ chồng tôi nhận nuôi từ lúc cháu mới lọt lòng” - chị cho biết. Một người trong nhà trọ của chị đã nói về một hoàn cảnh thương tâm và khi chị đến đó chị đã không kìm lòng được. Vợ chồng, gia đình của cả anh lẫn chị đã rất lo lắng khi biết chuyện, còn anh chị thì đắn đo, hoàn cảnh của mình vốn đã rất khó khăn, khó khăn trong sinh hoạt, khó khăn trong mưu sinh… Nhưng rồi anh chị quyết định nhận nuôi. “Đời mình làm giàu không được nhưng làm phước được” - anh Long suy nghĩ. Còn chị Châu cũng cười tươi khi kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn trong nuôi con nuôi, từ chuyện phải thức đêm thức hôm thế nào lo cho cháu, cho cháu bú sữa ngoài, chăm cho cháu ăn như thế nào, chăm lúc đau ốm thế nào. Nay Khải Vy đã 18 tháng tuổi. Phải can đảm và tự tin lắm như thế nào trong hoàn cảnh của anh chị mới làm được như vậy.

Vâng, đằng sau nụ cười của đôi vợ chồng này này chúng tôi như thấy cả nghị lực và tấm lòng nhân hậu không dễ có được giữa cuộc đời rất thực này.

VIẾT TRỌNG