Ngồi trên những cỗ máy lớn để chinh phục đường dài, lướt đi trong tiếng gió rít bên tai, tiếng reo của động cơ và cảnh vật thay đổi vun vút bên đường… Vì niềm đam mê nhiều người không ngại bỏ tiền, bỏ cả thời gian cho cuộc chơi này dù rất tốn kém…
Ngồi trên những cỗ máy lớn để chinh phục đường dài, lướt đi trong tiếng gió rít bên tai, tiếng reo của động cơ và cảnh vật thay đổi vun vút bên đường… Vì niềm đam mê nhiều người không ngại bỏ tiền, bỏ cả thời gian cho cuộc chơi này dù rất tốn kém…
Các thành viên CLB Mô tô Đà Lạt |
“Tôi mê xe từ nhỏ, không biết tại sao, chỉ mê thôi. Thấy xe có động cơ lớn thích lắm, mong lớn lên có cơ hội mình được ngồi trên một chiếc xe máy để lướt trên đường” - anh Vũ Bá Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Mô tô Đà Lạt mỉm cười nhớ lại. Niềm đam mê theo anh cùng năm tháng cho đến khi anh có cơ hội và đủ điều kiện để thực hiện mơ ước của mình. Năm 1992 anh mua được chiếc mô tô động cơ lớn đầu tiên. Đó là một chiếc xe cũ hiệu Kawasaki của Nhật, 400 phân khối. “Dù là xe cũ nhưng tiền bỏ ra khá lớn, đủ để mua một ngôi nhà tầm tầm để ở. Nhiều người đùa bảo tôi đang chạy trên một ngôi nhà” - anh cười. Xe cũ “secondhand” nên anh vừa chạy vừa sửa rất cực, “nhưng vui”. Sau một thời gian anh đổi xe này lấy một chiếc khác có phân khối lớn hơn, lúc đầu là chiếc Honda 600 phân khối, rồi đến Honda 650 phân khối, đến 750 phân khối cũng hiệu Honda và hiện nay anh đang sở hữu chiếc Honda 1.300 phân khối chạy số và thêm một chiếc Honda ga 1.200 phân khối khác rất hiện đại.
Khác với anh Cường, anh Trịnh Duy Cần, một thành viên trong CLB Mô tô Đà Lạt biết đến xe máy phân khối lớn khá muộn nhưng khi “biết và mê rồi không rút ra được” - anh cười thú nhận. Đó là khi anh vào bộ đội biên phòng năm 20 tuổi, đơn vị lúc đó có một chiếc xe máy phân khối lớn vượt địa hình và hằng ngày anh cùng đồng đội trong đơn vị dùng để tuần tiễu. Lúc đầu nhìn cỗ máy to đùng anh thấy ngại, nhưng càng sử dụng anh càng thấy thích và rồi sau đó anh còn học cả sửa chữa động cơ cơ bản khi cần để lỡ lúc chết máy còn biết đường. Ra quân, về nhà làm ăn, mãi cho đến năm 38 tuổi anh Cần mới mua được chiếc Honda Super Four 400 phân khối đầu tiên. Sau đó khi có điều kiện hơn anh đã đổi xe để lấy chiếc Honda CPR 1.000 phân khối và chiếc này dù là xe cũ nhưng trị giá lúc đó không rẻ chút nào (trên 22 nghìn USD). Chiếc thứ ba anh sở hữu cũng là một chiếc xe đua hiệu Hayabusa 1.300 phân khối rất trứ danh của hãng Suzuki Nhật với giá trên 30 nghìn USD. “Tôi mê tốc độ, thích sở hữu một chiếc xe đua. Tốc độ của chiếc xe này rất khủng có thể lên trên 250 km/h khi có đường chạy” - anh cho biết. Nhưng Việt Nam không có đường đua nên anh lại quay về chơi “xe khủng” chạy đường lộ. Chiếc anh Cần đang sở hữu hiện nay là Yamaha 1.900 phân khối, vào hàng lớn nhất trong CLB Mô tô Đà Lạt về phân khối máy.
Được thành lập tháng 12/1997, CLB Mô tô Đà Lạt hiện có trên 30 thành viên, sinh hoạt với nhau một cách tự nguyện. Mỗi người một công việc, có người là công chức, có người là doanh nhân, có người làm vườn, có người trong quân đội… và niềm đam mê chung lớn nhất của họ chính là mô tô. “Mê tốc độ, thích sưu tập về xe nên khi ai có xe mới anh em lại tập hợp nhau để xem. Ai thích thì có thể trao đổi xe với nhau. Thỉnh thoảng lại đi giao lưu với các CLB các tỉnh chung quanh, CLB Mô tô TPHCM, CLB Mô tô Hà Nội để coi các loại xe mới…” - anh Cường cho biết. Phần lớn các thành viên CLB hiện nay sở hữu những chiếc xe cũ mua lại cho nhẹ tiền vì xe mới khá đắt. Nhãn hiệu được người chơi xe chuộng tại Đà Lạt và cả trong tỉnh là các dòng xe Nhật của các hãng Honda, Yamaha, Kawasaki... “Chúng thông dụng, bền, phù hợp với địa hình đồi núi Lâm Đồng, phụ tùng rẻ, dễ tìm. Cũng có những dòng xe đua chuyên nghiệp khác rất nổi tiếng như Subaru, KTM, Harley Davison, các dòng xe của Ý… nhưng lại đắt, phụ tùng khó tìm” - anh Cường cho biết. Dù xe cũ nhưng các loại xe phân khối lớn này cũng chẳng rẻ chút nào, chơi được ít nhất cũng trên 100 triệu đồng còn xe vài trăm triệu là chuyện thường.
Không chỉ chơi xe cho thú vui của mình, CLB Mô tô Đà Lạt rất tích cực trong các hoạt động thể thao của địa phương. Hầu hết những sự kiện thể thao lớn của thành phố Đà Lạt, của tỉnh như Đại hội TDTT, đua xe đạp, lễ hội hoa, ra quân cho các hoạt động xã hội đều có mặt đội mô tô của CLB. “Mỗi lần như thế chúng tôi cũng được cấp tiền xăng nhưng thật ra chẳng bõ gì, có giá trị tinh thần là chính vì xe phân khối lớn loại này uống xăng rất nhiều. Nhiều thành viên cũng bận rộn công việc làm ăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi không tham gia. Khi cần các thành viên luôn có mặt khá đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rất nhiều người nói vui rằng chúng tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng được phục vụ vì phong trào chung của tỉnh là vui rồi” - anh Cường cười.
Thú vị là gần đây, CLB Mô tô Đà Lạt lại có thêm một số thành viên mới là người nước ngoài. Trong 3 thành viên nước ngoài mới gia nhập gần đây có có 2 thành viên người Úc là ông Nigel Barker, có vợ người Đà Lạt, theo quê vợ và ông Jonathan Grant Augud. Cả hai sở hữu 2 chiếc Honda Shadow 750 phân khối. Ông Jonathan Grant Augud sinh năm 1948 nên khi gia nhập CLB ông đã thành thành viên “cao tuổi nhất” còn ngồi sau tay lái mô tô.
Điều đáng nói người chơi mô tô tại Đà Lạt và trong tỉnh Lâm Đồng ngày càng nhiều. Theo anh Cường, những người lớn tuổi chơi mô tô trước đây vì sức khoẻ không cho phép nay đã nghỉ gần hết thì gần đây các thành viên trẻ xin gia nhập. Mô tô được sử dụng hiện nay cao phân khối hơn, hiện đại hơn nên an toàn hơn, nhiều chiếc đời gần đây dù là xe sử dụng rồi nhưng cũng rất đắt tiền. Không ít thành viên có điều kiện còn mua cả xe mới, như anh Nguyễn Tuấn Thanh ở Đức Trọng trong năm rồi đã dám bỏ ra trên 600 triệu đồng để sở hữu một chiếc Honda Interstage 1.300 phân khối mới toanh vừa xuất xưởng. “Nhiệm vụ của CLB chúng tôi là duy trì hoạt động của các thành viên vào nề nếp, tuân thủ pháp luật, an toàn giao thông, tích cực tham gia các hoạt động thể thao” - anh Cường cho biết. Cái khó hiện nay theo anh Cường là một số thành viên mới chưa xin được giấy phép lái xe hạng A2 cho người sử dụng mô tô. Chính vì vậy CLB đang đề nghị ngành chức năng tỉnh, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Lâm Đồng, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng sớm thống nhất để mở lớp dạy lái xe A2, tạo điều kiện cho những người mới có bằng lái để tham gia cùng các hoạt động của CLB.
VIẾT TRỌNG