Những cú nhảy “chết người”

02:05, 08/05/2013

Xuất phát từ nghi lễ của thổ dân trên đảo ở Thái Bình Dương, nhảy Bungee - một môn thể thao cực kỳ mạo hiểm đã lan khắp thế giới trong đó có những nước quanh Việt Nam.

Xuất phát từ nghi lễ của thổ dân trên đảo ở Thái Bình Dương, nhảy Bungee - một môn thể thao cực kỳ mạo hiểm đã lan khắp thế giới trong đó có những nước quanh Việt Nam.

Một cú nhảy Bungee từ vách đá
Một cú nhảy Bungee từ vách đá

   
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên một chiếc cầu cao lộng gió, dưới chân là dòng nước thăm thẳm với những con thuyền qua lại. Chân bạn được buộc vào một sợi dây co giãn được, một đầu dây cột vào thành cầu, đảm bảo dây có đủ độ dài phù hợp để bạn vươn đến gần mặt nước nhưng không ngập trong nước. Bạn đang đợi thời điểm để nhảy. Và rồi khi một chiếc xà lan đang đến dưới cầu, một, hai, ba, bạn mở to mắt (hay có thể nhắm mắt) và lao tự do xuống chiếc xà lan…
    
Đó là quang cảnh dễ gây choáng cho bất cứ ai sợ độ cao nhưng với những người chơi môn này, nhảy cầu chỉ là màn biểu diễn sơ đẳng nhất. Bắt đầu nhảy từ những chiếc cầu với độ cao vừa phải, hiện nay người chơi Bungee đã tìm cho mình những cây cầu cao hơn, càng cao càng tốt và rồi họ còn nhảy từ các tòa nhà cao tầng, từ các tòa tháp cao, nhảy từ vách đá xuống vực sâu với phong cảnh ngoạn mục hai bên hay nhảy từ một máy bay lên thẳng xuống miệng núi lửa đang phun trào rồi sau đó từ từ hạ cánh xuống đất bằng dù. Tất cả những cú nhảy này người ngoài nhìn vào họ như những kẻ “điên rồ” không thể hiểu được.

Thật ra, môn thể thao hay đúng hơn là trò mạo hiểm này khởi thủy là một “bài kiểm tra” trong nghi lễ của người Vanuatu, một quốc gia đa đảo trên biển Thái Bình Dương, Nam bán cầu. Bài kiểm tra này dành cho những chàng trai mới lớn trong một buổi lễ theo những nghi thức nhất định. Họ được đưa lên những giàn làm bằng gỗ trên cao, chân buộc một sợi dây co giãn được và nhảy xuống đất. Sợi dây đủ dài để đầu họ lơ lửng bật lên bật xuống trên mặt đất tí chút. Những thanh niên nào đủ can đảm vượt qua bài kiểm tra này mới được cho là trưởng thành. Nghi lễ này đã được David Attenborough, một nhà làm phim tư liệu người Anh ở hãng BBC ghi lại năm 1960 và sau khi phim này được phát trên truyền hình châu Âu đã gây tò mò không ít cho những người mê thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, Vanuatu không phải là quốc gia duy nhất có nghi lễ như thế, những khám phá sau đó cho thấy màn thử thách lòng can đảm bằng độ cao theo kiểu cột dây vào chân nhảy xuống đã được thổ dân người Aztec ở Trung Mỹ thực hiện từ hằng nghìn năm trước.

Phải sau đó gần 20 năm môn chơi này mới bắt đầu phát triển ở châu Âu và Mỹ. Năm 1979, tại cầu treo Clifton ở Bristol, Anh, các thành viên của Câu lạc bộ Thể thao mạo hiểm Đại học Oxford thực hiện cú nhảy Bungee đầu tiên ở châu Âu từ độ cao 76m và ngay lập tức sau đó tất cả người tham gia đã bị mời về đồn cảnh sát vì chơi một trò chơi “ngu ngốc” và “quá nguy hiểm”. Tại Mỹ, một số VĐV tiên phong trong Bungee cũng chọn những cây cầu nổi tiếng trong đó có cầu treo Cổng vàng (Golden Gate) ở thành phố San Francisco để thử sức tuy nhiên trước khi nhảy họ hợp tác với các hãng quảng cáo và những cú nhảy này sau đó đã được phát hình.  

Tuy nhiên, người góp công lớn để quảng bá hình ảnh của Bungee và sau đó tiến đến thương mại hóa trò chơi này chính là Alan John Hackett, một người New Zealand. Sinh năm 1958, vốn có “máu mạo hiểm” trong người nên Hackett lúc đầu đến Bungee với chút tò mò nhưng lập tức ông bị chinh phục bởi trò mạo hiểm này. Năm 1986, Hackett thực hiện cú nhảy Bungee đầu tiên tại cầu Grennhithe ở Auckland, New Zealand. Tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật nhảy của mình Hackett bắt đầu thử ở những độ cao mới. Sau đó một năm, năm 1987, Hackett nhảy biểu diễn tại tháp Eiffel của Pháp, rồi nhảy từ tòa nhà cao tầng ở Macao với độ cao 233m và nhảy ra từ máy bay trực thăng ở độ cao 380m.  Năm 2007, tại Malaysia, Hackett  đã nhảy khỏi máy bay lên thẳng ở độ cao gần 1.500m. Các cú nhảy này đã gây tiếng vang lớn, thu hút giới truyền thông và sự quan tâm của công chúng.

Để tiếp thị trò chơi này, Hackett mở công ty chuyên thực hiện các cú nhảy Bungee cho những người thích chơi ở rất nhiều nước trên thế giới. Chính tên gọi “Bungee hay Bungy” cũng theo cách nói phổ thông của người New Zealand nghĩa là “dây co giãn”. Từ những loại dây nhảy thô sơ ban đầu, hiện nay với công nghệ tiên tiến, các dây  buộc chân dùng cho Bungee thường là dây bện,  chịu lực, có độ đàn hồi tốt và rất an toàn.

Nhưng dây an toàn không có nghĩa là không xảy ra những bất trắc. Chẳng ai đoán chắc dây không tuột khỏi chân hoặc bung khỏi chỗ cột, cũng không thể lường trước được tác động của trọng lực, của gió có làm dây giãn quá mức tính toán. Đã có không ít trường hợp người chơi thiệt mạng dù đã chuẩn bị rất kỹ trước đó. Điển hình như năm 1986, trong một chương trình Bungee thực hiện cho đài BBC, một VĐV đã chết vì chấn thương  ngay sau màn biểu diễn. Ở Mỹ, năm 1987, khi biểu diễn trong một sự kiện lớn tại Louisana, một VĐV Bungee đã tử thương vì đâm đầu xuống sàn bê tông. Tại Anh, năm 2002, một VĐV cũng “ra đi” vì đứt vòng buộc dây ở chân. Kiểm tra sau đó cho biết vòng không chịu nổi trọng lượng của VĐV này. Còn xây xát do va chạm với vách đá, với trụ cầu, gãy tay gãy chân, bị chấn thương do dây quấn người có vẻ là chuyện thường thấy.

Một loại tai nạn khác cũng không kém phần nguy hiểm cho sức khỏe người chơi về lâu dài dù không bị thương tật là chấn thương mắt. Theo Wikipedia, rất nhiều người chơi đã bị xuất huyết võng mạc do máu dồn xuống đầu khi bị treo ngược, có lúc đến vài tháng mắt mới bình phục được.  

Nhưng dù nguy hiểm như thế Bungee vẫn tỏ ra cực kỳ hấp dẫn cho những người ưa mạo hiểm, đặc biệt với giới trẻ. Họ muốn tìm cảm giác mạnh, muốn thể hiện bản thân, muốn thử mình đã “trưởng thành” chưa. Tại châu Á, ở các  quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia phát triển rất mạnh môn này. Do chưa vào nước ta nên có những người trẻ ưa mạo hiểm khi đi du lịch Thái Lan muốn tìm đến môn chơi này để thử sức nhưng lời khuyên rằng trước khi chơi nên biết Bungee không có chỗ cho những người yếu tim.

Gia Khánh