Không tham dự giải bóng đá hạng nhì quốc gia và trước đó đội bóng đá nam hạng nhất cùng giải tán khiến bóng đá trẻ Lâm Đồng hầu như không còn “đầu ra”.
Không tham dự giải bóng đá hạng nhì quốc gia và trước đó đội bóng đá nam hạng nhất cùng giải tán khiến bóng đá trẻ Lâm Đồng hầu như không còn “đầu ra”.
Các VĐV U 16 Lâm Đồng trong giờ tập luyện |
“Ước mong lớn nhất của em là trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp” - K’Bos nói với tôi bên cạnh đường chạy của Trung tâm Thể thao Đà Lạt, nơi K’Bos đang tập trung tập luyện cùng đội trẻ U 16 tỉnh hằng ngày tại đây. Sinh năm 1997 tại buôn Naosri, Lộc Nga, Bảo Lộc, K’Bos là người cùng buôn với K’Brèo, cầu thủ từng chơi nhiều năm trong đội tuyển bóng đá Lâm Đồng. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ chàng trai K’Ho này đã mơ một ngày được chơi bóng đá đỉnh cao như K’Brèo từng làm được.
Rồi vận may đến với cậu bé này. Trong một giải bóng đá phong trào các trường học tại địa phương, K’Bos lọt vào mắt của HLV đội trẻ Lâm Đồng khi xuống đây tuyển người. Đó là năm 2010, lúc đó K’Bos mới 13 tuổi nhưng cậu bé đã dũng cảm khăn gói từ giã gia đình lên Đà Lạt gia nhập đội năng khiếu bóng đá tỉnh. “Có nhớ nhà không” - “Dạ có, nhưng sống trên này vui hơn, được chơi bóng đá, có bạn, được cùng đội đi nhiều nơi” - K’Bos kể. Chơi ở vị trí trung vệ, trong đầu năm 2013 này, K’Bos đã có tấm huy chương vô địch cho mình khi cùng đội tuyển Thanh niên Dân tộc thiểu số Lâm Đồng dẫn đầu giải bóng đá quốc tế tổ chức tại Kon Tum đầu năm với 5 đội từ 5 tỉnh Tây Nguyên cùng tranh tài với 2 đội Lào và Campuchia.
Cùng tuổi với K’Bos, một cậu bé khác, Konsơ Ha Duy, người Chil ở Tu Tra, Đơn Dương cũng khăn gói xa gia đình theo ước mơ chơi bóng đá của mình. Đây đã là năm thứ ba Ha Duy tập luyện cùng đội trẻ của tỉnh và ngày càng tiến bộ trông thấy. Chơi tiền vệ, có thể hình hơi nhỏ nhưng bù lại Ha Duy cực nhanh, hầu như không biết mệt khi thi đấu trên sân bóng. “Bao bạn em ở nhà muốn như em mà không được. Em đang cố gắng rèn luyện theo các thầy để có thể thi đấu cho đội tuyển bóng đá của tỉnh” - Ha Duy mong muốn.
Trong năm 2011, khi nhận đội tuyển bóng đá tỉnh về quản lý, Công ty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng còn nhận luôn các tuyển trẻ năng khiếu bóng đá của tỉnh. Sau một mùa giải tham dự hạng nhất quốc gia, tháng 12/2012 vừa qua, khi không đăng ký thi đấu, đội tuyển bóng đá tỉnh được yêu cầu chuyển giao lại cho Trung tâm Thể thao tỉnh nhưng thực chất là giải tán vì chẳng có cầu thủ nào về chơi lại phong trào. Đến nay, Cty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng vẫn đang quản lý hai đội bóng trẻ là U.16 (17 thành viên) và U 20 (14 thành viên) cùng toàn bộ Ban huấn luyện 5 người tại Trung tâm Thể thao Đà Lạt, nơi Công ty liên doanh với Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt xây dựng sân bóng nhân tạo và nhà thi đấu. Trong khi chờ đợi quyết định của tỉnh có bàn giao tiếp các tuyến trẻ này về cho Trung tâm Thể thao tỉnh hay không, 2 đội trẻ này vẫn đang tập trung tập luyện hằng ngày tại đây.
“Đây là lứa cầu thủ trẻ rất tốt mà chúng tôi đào tạo được cho đến nay” - HLV Nguyễn Vinh Sơn cho biết. Nếu như trong đội trẻ U 20 vẫn còn có một số VĐV trẻ tuyển từ các tỉnh ngoài vào do yêu cầu bổ sung gấp cho đội tuyển bóng đá hạng nhất lúc đó thì hầu như toàn bộ đội tuyển U.16 là các VĐV người trong tỉnh Lâm Đồng. Trong số này, bên cạnh K’Bos và Konsơ Ha Duy còn có 4 thành viên là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên khác. “Chúng tôi đã phải bỏ rất nhiều thời gian đến các huyện có phong trào bóng đá mạnh trong tỉnh như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, tham gia cùng địa phương tổ chức các giải bóng đá trẻ trong trường học mới tuyển được như vậy”. Theo ông Sơn, đâu phải cậu bé nào chơi bóng tốt cũng có thể tuyển vào lớp năng khiếu bóng đá được vì rất nhiều gia đình cho các em chơi thể thao chỉ để cho khỏe, còn gắn bó lâu dài với bóng đá là một chuyện hoàn toàn khác. Không ít gia đình đã thẳng thừng khước từ khi nghe lời mời từ HLV.
Từ khi Công ty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng tiếp nhận tuyến trẻ cho đến nay, việc đào tạo bóng đá trẻ của Lâm Đồng đang diễn ra rất suôn sẻ. Tất cả VĐV và các thành viên Ban huấn luyện khi có nhu cầu đều được cấp chỗ ở ngay tại Trung tâm, các bữa ăn trong ngày tổ chức rất tươm tất, sân tập tại chỗ, chế độ cho HLV khá ổn, còn với VĐV còn có phụ cấp tập luyện. Với nguồn lực và tâm huyết thể thao của mình, lãnh đạo Công ty Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng đã không ít lần mong muốn tỉnh chấp nhận để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư cho bóng đá trẻ của tỉnh và theo chúng tôi đây là một đề nghị rất đáng được xem xét.
Một minh chứng cho thành công của công tác đào tạo bóng đá trẻ tại Lâm Đồng thời gian qua chính là việc đội U 20 của tỉnh ngay sau một năm đào tạo đã đưa được một lúc đến 5 cầu thủ vào đội hình chính của đội tuyển tỉnh chuẩn bị cho giải hạng nhất (nhưng đáng tiếc sau đó do không tham gia giải nên các cầu thủ này đã bị thanh lý hợp đồng). Riêng với đội U 16, không chỉ làm nòng cốt đoạt chức vô địch giải quốc tế, các VĐV nhí trong năm 2012 lúc đó chỉ 15 tuổi đã dẫn đầu vòng loại khu vực miền Trung Tây Nguyên, lọt vào chung kết tại TP HCM và là 1 trong 8 đội U 16 mạnh của cả nước hiện nay.
Tuy nhiên, với quyết định giải tán đội hạng nhất trong năm 2012 và không tham dự giải hạng nhì quốc gia vừa qua đã tác động tiêu cực không nhỏ đến việc đào tạo bóng đá trẻ của tỉnh. “Hầu hết các em trong đội muốn sau này mình được chơi trong đội tuyển nhưng nay đội tuyển tỉnh không còn nên các em rất lo lắng cho tương lai của mình ra sao” - HLV Đoàn Quốc Việt của đội U 20 cho biết. Nói vui như một HLV “đào tạo nhưng không nhìn thấy mục tiêu”, với những cầu thủ U 16 thời gian còn dài nên “cứ tập rồi tính sau” còn lứa tuổi U 20 đang lo ngay ngáy, “không biết đi đâu về đâu”. Quả không dễ để các VĐV trẻ mới ra lò tên tuổi chưa có này lặn lội tìm được một đội bóng trong nước để chơi vì hiển nhiên tất cả các đội này cũng đào tạo bóng đá trẻ cho mình.
Trước mắt, Ban huấn luyện hai đội U 16 và U 20 đang chuẩn bị để tham dự các giải quốc gia lứa tuổi của mình trong năm nay. Còn tương lai nào cho bóng đá trẻ Lâm Đồng vẫn là điều rất mơ hồ!
VIẾT TRỌNG