Trong chiếc mũ da rộng vành, quần Jean bạc màu, đôi ủng da ống cao điệu nghệ, cổ mang dây chuyền có chiếc nanh heo rừng, trông K'Truik giống một cao bồi chính hiệu vừa bước ra từ một bộ phim Miền Tây nước Mỹ nào đó.
Trong Đại hội TDTT cấp huyện cuối tháng 5/2013 vừa qua, Lạc Dương đã tổ chức thi đấu một môn thể thao vào hàng độc đáo nhất Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên mà chỉ riêng nơi đây mới có: đua ngựa không yên leo núi Lang Biang.
Chuẩn bị xuất phát |
Trong chiếc mũ da rộng vành, quần Jean bạc màu, đôi ủng da ống cao điệu nghệ, cổ mang dây chuyền có chiếc nanh heo rừng, trông K’Truik giống một cao bồi chính hiệu vừa bước ra từ một bộ phim Miền Tây nước Mỹ nào đó. Tuy nhiên, đi đôi với chàng trai 27 tuổi người Cil của buôn làng Lạc Dương này lại là một con ngựa chẳng ăn nhập gì với dáng vẻ cao bồi viễn tây của anh. Ngựa anh đang cưỡi là ngựa “vằn” có nguồn gốc châu Phi.
“Nhuộm đó, rất công phu”. K’Truik cười lớn khi thấy tôi săm soi bộ lông ngựa. Đúng là rất công phu để nhuộm được các sọc có màu nâu như thế, màu rất đều, trông y hệt một chú ngựa vằn chính hiệu nhập từ châu Phi về làm du lịch trên đất Lang Biang. “Đâu phải con ngựa nào cũng nhuộm được, phải là ngựa trắng” - K’Truik bảo. Nhà anh đang nuôi một đàn ngựa đến 12 con nhưng duy nhất chỉ có được một con ngựa trắng này nên rất được cưng. Thuốc nhuộm lông ngựa là thứ được dùng cho tóc người, được các quí cô dùng làm đẹp, bán đầy ở chợ. Cứ việc mua về nhuộm nhưng bí quyết là phải vẽ bộ lông trước sao cho trông thật tự nhiên. Là hàng hiếm nên những con ngựa được nhuộm lông để biến thành ngựa vằn như ngựa K’Truik rất hút khách. Không ít du khách tò mò cứ muốn sờ thử bộ lông “ngựa vằn - Made in LangBiang”, một sáng tạo có thể coi là khá độc đáo của người làm du lịch nơi đây.
Là đội trưởng đội ngựa trong khu du lịch dưới chân núi Lang Biang, K’Truik đã có rất nhiều năm cùng ngựa làm du lịch tại đây, từng thắng nhiều cuộc đua ngựa truyền thống không yên do huyện Lạc Dương tổ chức. “Ở đây ai mà không biết cưỡi ngựa” – K’Truik cười lớn hỏi tôi. Hầu như mỗi nhà người Cil, người Lạch dưới chân núi Lang Biang này đều có nuôi ngựa, nhà ít vài con, nhà nhiều có đến vài chục và hầu hết thả rông trong rừng. Ngày còn bé K’Truik đã cùng cha mình đi lùa ngựa từ rừng về để thồ hàng, đi đâu xa nhớ ngựa. Tốt nghiệp một trường đào tạo nghệ thuật trong nước, K’Truik về lại buôn làng, ngày ngày đưa chú “ngựa vằn” của mình lên núi. Ai cần thuê ngựa đi dạo thì cho thuê, còn chụp hình kỷ niệm thì cứ xin mời, mỗi lần lên lưng ngựa 10 nghìn đồng/tấm hình. Còn ban đêm chàng kỵ sỹ lại tham gia các đoàn múa hát cồng chiêng. “Kiếm sống cũng được” - chàng cao bồi cười, cho biết có ngày kiếm được chừng trăm nghìn đồng, coi như đủ cho “người và ngựa”, mùa hè thì đông khách hơn, có ngày kiếm đến 500 - 700 nghìn đồng là chuyện nhỏ.
Tranh tài trong cuộc đua ngựa lần này của huyện còn có không ít các tay đua người Lạch khá nhỏ tuổi. Như Đa Gout Tiến chẳng hạn, người thôn Bon Đưng 2, năm nay “kỵ sĩ” này mới 15 tuổi nhưng sử dụng con ngựa non 4 tuổi của mình leo núi một cách thành thục không kém các bậc đàn anh. Đặc biệt cuộc thi còn có một tay đua người Kinh là anh Trần Đình Hùng 25 tuổi sống tại xã Lát. Nhà anh cũng nuôi một đàn ngựa làm du lịch và đây là lần đầu tiên anh Hùng muốn thử sức trên lưng ngựa cùng các chàng trai người dân tộc thiểu số trong vùng “Xem thử có thắng được họ không” - anh Hùng cười.
Theo truyền thống đua ngựa của người dân tộc thiểu số nơi đây, các kỵ sĩ khi tham dự cuộc đua phải tháo yên ra khỏi ngựa, chỉ còn dây cương. “Ngựa có yên là để làm du lịch chứ ngày trước chúng tôi làm gì có” – Păng Bế Khuyên, một chàng trai người Lạch trong cuộc đua nói. Đường đua là một sườn dốc thoai thoải của dãy Lang Biang, mặt đất đỏ phủ xanh cỏ trong mùa mưa nhưng nhiều đoạn có dốc đứng khá trơn. Vậy nhưng những chú ngựa và chủ nhân trong cuộc đua cứ leo lên những đoạn dốc này một cách hết sức nhẹ nhàng. Tập hợp thành một hàng ở vạch xuất phát, dưới chân dốc, chỉ cần hiệu lệnh phát ra là các chú ngựa thoăn thoắt phi lên đồi. Dẫn đầu đoàn đua là K’Truik với chú ngựa vằn. Hầu như cả đoạn đường đua con ngựa của anh cứ phóng như bay, K’ Truik “một mình một ngựa” về đích giành giải nhất cuộc đua trong sự cổ vũ nồng nhiệt của các khách du lịch chứng kiến.
Theo K’Truik, ngựa đang ngày ít dần ở Lạc Dương. Ngày trước những buôn làng người Cil, người Lạch nơi đây dùng ngựa để thồ hàng, để đi lại và ngựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân bản địa “Bây giờ chả ai dùng để chở hàng nữa. Ngựa bây giờ làm du lịch thôi”. K’Truik nói.
Nhưng dù ít nuôi thì đàn ngựa dưới chân Lang Biang này theo K’Truik cũng còn đến vài trăm con, có nhà vẫn còn nuôi trên chục con, như nhà anh chẳng hạn. Ngựa cũng là một tài sản vì nếu ngựa làm du lịch đẹp như con “ngựa vằn” của anh cũng có giá trên 20 triệu đồng. Chuyện đua ngựa nếu huyện tổ chức thì những người sống bằng nghề du lịch như anh rất sẵn lòng.
“Thật độc đáo, lần đầu tiên tôi mới được chứng kiến một cuộc đua ngựa trên sườn núi như thế” - anh Trần Hùng Cường, một du khách TP HCM cho biết. Trong lúc nhờ bấm lại tấm hình anh và đoàn du khách đi bộ lên đỉnh Lang Biang cùng các thành viên trong cuộc đua anh đã hỏi tôi sao không thấy ai giới thiệu về cuộc đua với du khách, sao không tổ chức cuộc đua độc đáo này tại các khu du lịch và du khách như anh sẵn sàng mua vé vào cửa để xem nếu biết?
Vâng, đua ngựa nơi nào cũng có, muốn đua ngựa không yên thì cứ tháo yên ra mà đua nhưng đua ngựa không yên trên sườn núi Lang Biang đúng là món “đặc sản” mà chỉ Lạc Dương mới có. Để tạo thêm sản phẩm cho du lịch Lâm Đồng vấn đề là ngành du lịch Lâm Đồng có hào hứng với những cuộc đua như thế này không?
VIẾT TRỌNG