Khi thể thao là niềm vui của gia đình

04:06, 26/06/2013

Chỉ là 3 trong rất nhiều gia đình thể thao tụ hội tại Giải Bóng bàn gia đình toàn tỉnh do Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng tổ chức hằng năm nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Chỉ là 3 trong rất nhiều gia đình thể thao tụ hội tại Giải Bóng bàn gia đình toàn tỉnh do Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng tổ chức hằng năm nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Gia đình HLV Phù Tường Hùng
Gia đình HLV Phù Tường Hùng


LÀM GƯƠNG CHO CON

Đó là cách làm của ông Ngô Quốc Anh khi muốn con mình tập luyện thể thao như mình lúc còn trẻ. Sinh năm 1960, người Đà Lạt, lập gia đình muộn nên vợ chồng ông chỉ có một cậu con trai duy nhất là Ngô Quang Minh Triết, sinh 1998. “Lúc nhỏ tôi chơi rất nhiều môn thể thao, từ bóng đá, bóng chuyền, thứ gì cũng biết chút nhưng chơi được. Khi lớn tuổi tôi mới chuyển sang chơi bóng bàn và cũng muốn con chơi với mình” - ông kể. Khi con còn nhỏ ông thường dắt theo những lúc đi chơi bóng bàn buổi chiều với các bạn và con ông lúc đó cũng chỉ biết cầm vợt đánh vài quả “cho vui vậy thôi”.

Nhưng đâu ngờ, năm học lớp 3, cậu con trai Ngô Quang Minh Triết của ông khi đăng ký tham dự giải thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh đã gây ngạc nhiên đầy thú vị khi đánh bại nhiều cậu bé đồng tuổi khác, giành Huy chương Đồng. Lập tức cậu bé được mời vào đội tuyển năng khiếu bóng bàn tỉnh để thử sức. Với việc học và rèn luyện bóng bàn một cách bài bản, Minh Triết đã tiến bộ rất nhanh, hằng năm liên tục giành huy chương từ giải tỉnh và sau đó là giải quốc gia. Năm nay, Minh Triết đang chuẩn bị vào lớp 10 và là thành viên của đội tuyển trẻ bóng bàn tỉnh. Trong năm vừa qua ở giải trẻ quốc gia, Minh Triết đã giành được Huy chương Đồng lứa tuổi của mình trong nội dung đồng đội nam.

Và đến lượt vợ ông, bà Quang Thị Nhung, cũng chơi bóng bàn “vì bố con cả ngày nói chuyện bóng bàn nên tôi cũng đi tập”. Lúc đầu đi tập cho vui, nhưng càng tập càng thấy khỏe nên dù bận rộn chuyện mua bán bà vẫn thu xếp công việc dành thời gian cùng gia đình chơi bóng mỗi ngày. Nhà chật không đủ chỗ đặt bàn bóng nên gia đình yêu thể thao này thường đến tập ở CLB Bóng bàn Nguyễn Công Trứ. Tại giải gia đình năm nay, cặp đôi Ngô Quốc Anh - Ngô Quang Minh Triết giành Huy chương Vàng trong nội dung cha và con trai.

ĐỂ CẢ NHÀ ĐỀU CHƠI ĐƯỢC

Có chút ngạc nhiên khi giải bóng bàn gia đình năm nay lại có mặt một vận động viên kiêm huấn luyện viên (HLV) thể hình nổi tiếng của Lâm Đồng thi đấu. Đó là HLV Phù Tường Hùng của Di Linh.  
 
Tập thể hình từ những ngày đầu khi môn này phát triển ở Đà Lạt, Phù Tường Hùng (sinh 1971, người Đà Lạt) rất sớm giành được huy chương về cho tỉnh từ các giải khu vực và quốc gia hằng năm. Năm 2000 anh xuống mở phòng tập thể hình tại Di Linh và gắn bó với vùng đất này từ đó đến nay. Học trò của anh chủ yếu là các chàng trai người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở đây. Từ vận động viên chuyên đi thi đấu chuyển sang làm huấn luyện nên anh có khá nhiều kinh nghiệm để dạy. Chỉ tính trong vòng mười năm trở lại, số huy chương mà phòng tập anh giành được từ các giải cấp tỉnh, giải khu vực và giải quốc gia đã trên 100, trong đó có cả Huy chương Vàng giải Thể hình châu Á. Trong đội hình đội tuyển thể hình tỉnh đang có không ít các thành viên từ phòng tập của anh và chính anh cũng góp phần không nhỏ để đưa phong trào thể hình của Di Linh lên như hiện nay.

HLV Phù Tường Hùng nói vui rằng, gia đình anh đến với bóng bàn “vì cả nhà đều chơi được”. Được Trung tâm Văn hóa Thể thao Di Linh tạo điều kiện về chỗ ở và phòng tập thể hình ngay trung tâm, gần chỗ ở lại có bàn bóng bàn nên hằng ngày anh cùng vợ anh, chị Phạm Thị Thu Hương cùng cầm vợt. Đứa con trai của anh chị Phù Gia Kiệt sinh năm 2006 cũng ra tham gia. Cứ mỗi khi có thời gian, anh chị cùng con thi đấu với nhau cho vui. Tuy còn nhỏ nhưng Gia Kiệt rất tự tin cùng cha mẹ mình. Anh cùng con giành giải thi đấu ấn tượng cho cặp đôi cha và con trai dưới 15 tuổi còn vợ anh cùng Gia Kiệt giành giải Ba trong đôi mẹ và con trai. “Tôi rất mừng khi con mình và cả nhà cùng tìm thấy niềm vui từ thể thao như tôi” - anh Hùng nói .

TẤM GƯƠNG CỦA SỰ NỖ LỰC

Khi nhìn cặp đôi anh em Nguyễn Văn Lợi - Nguyễn Văn Long thi đấu mới cảm thấy hết nghị lực phi thường của ý chí một con người.

Trong khi em mình Nguyễn Văn Long là người bình thường thì ông  Nguyễn Văn Lợi (sinh 1960, người Đà Lạt) lại là một người tàn tật theo đúng nghĩa. Năm 1977, khi đang học lớp 10 trường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt, trong lúc đi lao động, ông vướng phải mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Vụ nổ đã cướp đi cả hai tay, một con mắt cùng nhiều vết thương trong người. Nhưng vụ nổ không lấy được ý chí và nghị lực sống của ông. Điều trị lành vết thương, lắp tay giả bằng kim loại, ông đến trường đi học lại, cùng các bạn tốt nghiệp lớp 12. Ông từng làm nhiều nghề để mưu sinh, nuôi sống gia đình riêng của anh, nghề nào anh cũng làm tốt. Không tay nhưng ông cực kỳ khéo tay, nhẫn nại làm được mọi việc trong nhà, điều khiển xe máy, thậm chí có thể sử dụng bàn phím máy tính. Ông hiện là chủ một doanh nghiệp trong nghề xây dựng.

Khi gia đình ổn định, con cái đã lớn đi học, đi làm, ông dành thời gian cho thể thao. Môn thể thao ông chọn là bóng bàn, vì “bóng bàn giúp tôi tăng cường thị lực cho con mắt còn lại”. Trên đôi tay giả bằng sắt của mình, ông thiết kế một cây vợt riêng có thể lắp vào như là một bàn tay và hằng ngày đến với bàn bóng. Cây vợt đầu tiên khá nặng nên anh vận động không nhanh được, nay cây vợt đã nhẹ bớt nên có thể chơi như một người bình thường. Tại giải năm nay, ông ghép đôi cùng em ruột mình và cặp VĐV này đã giành giải Ba ở nội dung đôi anh em.

Ông Lợi cho biết tham gia giải để động viên mình và lấy gương mình động viên mọi người, đặc biệt là các thanh thiếu niên đến với thể thao vì sức khỏe rất quý: “Sức khỏe vô giá còn thời gian là hữu hạn nên làm được gì thì làm” - ông cười.

VIẾT TRỌNG