Để thể thao làm du lịch

03:07, 24/07/2013

Trong một chừng mực nào đó, Giải Vô địch Cờ vua Trẻ quốc gia do Lâm Đồng đăng cai trong tháng 7 vừa qua không thuần túy chỉ là giải đấu thể thao mà thực sự còn làm du lịch rất hiệu quả.

Trong một chừng mực nào đó, Giải Vô địch Cờ vua Trẻ quốc gia do Lâm Đồng đăng cai trong tháng 7 vừa qua không thuần túy chỉ là giải đấu thể thao mà thực sự còn làm du lịch rất hiệu quả.

Các VĐV cờ vua nhí thi đấu trong hội trường
Các VĐV cờ vua nhí thi đấu trong hội trường


Hiếm có một giải cờ nào tại Đà Lạt lại có vẻ đông vui và nhộn nhịp như thế. Trong khi các VĐV nhí ngồi bên trong chăm chú vào ván cờ thì bên ngoài hội trường đông đúc các bậc ông bà cha mẹ, người thân ngồi đợi, rộn rịp như một ngày hội. Nhiều người ăn mặc rất đẹp, trên tay lăm lăm máy hình, Ipad, rồi sữa hộp, thức ăn… chỉ đợi các tay cờ nhí ra khỏi cửa là nhào đến tiếp tế.

“Cũng có đến cả nghìn người” - một thành viên của Ban tổ chức giải ước tính. Con số này trong thực tế có thể đông hơn nhiều, chỉ tính riêng trong đó đã có trên 600 VĐV (giải cho các nhóm từ 7 - 20 tuổi) với rất đông các tay cờ nhỏ tuổi, rồi người thân hộ tống, các trưởng đoàn, các trọng tài, lực lượng phục vụ tại giải…

“Tôi đến Đà Lạt đã nhiều lần khi còn công tác, lần này dẫn cháu nội 7 tuổi đi thi đấu” - ông Nguyễn Văn Hải,  người Hưng Yên cho biết. Cháu ông trong Đội năng khiếu Cờ vua Quân đội, đây là lần đầu tiên xa nhà, bố mẹ bận đi làm nên ông nội về hưu được cử đưa đi. Hai ông cháu thuê phòng tại một khách sạn gần chỗ thi đấu, đấu xong cháu muốn ăn gì ông đưa đi rất tình cảm. Ông bảo có người quen ở đây nhưng cả chục ngày bận “phục vụ” cháu thi đấu nên chưa đi thăm được, giải xong cả ông cháu cùng dạo phố, đưa cháu đi thăm thú Đà Lạt vài ngày rồi  về nhà cũng chưa muộn.

Với chị Nguyệt, người Đà Nẵng, dù nhiều lần đưa con mình đi thi đấu khắp nơi trong nước nhưng lần này nghe đi Đà Lạt nên chị cũng cố sắp xếp công việc kinh doanh của mình để đưa con đi. Con trai chị đã 15 tuổi, từng nhiều lần đi đây đi đó thi đấu cùng Đội tuyển Cờ vua của TP Đà Nẵng. Cả hai mẹ con thuê một phòng tại Khách sạn Đoàn An điều dưỡng 198 nơi giải diễn ra để tiện việc đi lại. “Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt, mấy ngày nay cháu bận thi đấu nên cũng chưa đi đâu. Chờ đấu xong tôi cùng cháu đi chơi vài nơi cho biết Đà Lạt, xem hoa,  thưởng thức khí hậu mát mẻ chứ Đà Nẵng lúc này nóng lắm”.

Tính trung bình  mỗi người mỗi ngày tiêu chừng 100 nghìn đồng thì trên nghìn người trong 10 ngày giải diễn ra tại Đà Lạt đã phải chi tiêu một số tiền không nhỏ. Cứ nhìn những hàng quán đông nghịt người quanh khu vực ngã tư Phan Chu Trinh – Đà Lạt hằng ngày là biết.

“Để đăng cai giải điều quan trọng chúng ta cần phải có cơ sở vật chất và hệ thống phục vụ đi kèm” - ông Bùi Văn Hùng HLV Đội tuyển Cờ vua Lâm Đồng, thành viên của Ban tổ chức giải cho biết. Theo ông Hùng, trước nhất cần một hội trường đủ rộng để bố trí đủ chỗ cho các VĐV thi đấu,  lần này là trên 300 bàn như vậy. Cùng đó là hệ thống nhà nghỉ và chỗ ăn uống phải gần nơi thi đấu cho người thân và VĐV thuận tiện đi lại. Nhà nghỉ và ăn uống này không nên cao cấp quá mà phải có nhiều giá cho mọi người chọn lựa. Tất nhiên, theo ông Hùng, địa phương đăng cai giải cũng nên có một lực lượng VĐV thi đấu tốt một chút để khỏi làm “mất mặt” chủ nhà.

Tất cả những điều trên Lâm Đồng, Đà Lạt đều đáp ứng được. Với hệ thống nhà nghỉ,  khách sạn, nhà hàng của mình, Đà Lạt dư sức phục vụ cho những giải thể thao như vậy,  thậm chí lớn hơn nhiều. Đội tuyển cờ vua Lâm Đồng trong nhiều năm nay thi đấu rất khởi sắc, luôn có huy chương từ các giải quốc gia hằng năm.

Cái thiếu duy nhất khiến ngành Thể thao Lâm Đồng lâu nay vẫn chưa đưa được nhiều giải đấu đông người như thế về cho tỉnh chính là việc chưa có nhà thi đấu riêng của mình. Để đăng cai giải năm nay ngành đã phải đi thuê mướn hội trường, việc thuê mướn này rất bị động, phụ thuộc lớn vào các hoạt động của đơn vị cho thuê.

Rõ ràng với ưu thế khí hậu và cảnh quan độc đáo của mình, Đà Lạt hoàn toàn thuận lợi để tổ chức các giải đấu thể thao quốc gia. Mùa hè, khi các tỉnh đồng bằng nắng nóng như đổ lửa thì việc đưa giải đấu lên Đà Lạt mát lạnh được rất nhiều địa phương ủng hộ. Đặc biệt là các giải đấu quốc gia cho lứa tuổi thanh thiếu niên , sinh viên , học sinh trong hè như giải vô địch cờ vua trẻ này chẳng hạn, vốn không chỉ có VĐV mà người thân còn đi theo. Không chỉ là môn cờ mà rất nhiều môn thể thao khác cũng qui tụ rất đông VĐV như các giải võ thuật, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… Lâu nay không ít đội tuyển quốc gia hằng năm còn lên Đà Lạt chỉ để tập luyện, tận dụng thời tiết trên đây để nâng cao thể lực. Trong tháng 7/2013 này, dù Đà Lạt hiện không còn sân cỏ nhưng Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia vẫn chọn lên đây để tập huấn.

Điều đáng buồn là Thể thao Lâm Đồng sau bao nhiêu năm vẫn như một kẻ du mục lang thang trên thành phố của mình. Không trụ sở làm việc, họ phải chịu cảnh nay đây mai đó đi thuê nhà làm việc. Không có chỗ ở, chỗ tập luyện cho VĐV năng khiếu, tất cả đều phải đi thuê mướn, liệu ai ở huyện dám cho con mình vào đội năng khiếu để theo đuổi nghiệp thể thao đầy bất trắc?  

“Rất nhiều giải quốc gia chúng tôi được gợi ý đăng cai nhưng cứ đắn đo vì chẳng có cơ sở vật chất, không có nhà thi đấu” - ông Vũ Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trăn trở.

Rõ ràng Thể thao Lâm Đồng với đặc thù của mình có thể hỗ trợ rất tốt cho Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt phát triển bền vững. Nói một cách khác thể thao với các giải đấu thường niên của mình sẽ góp phần đưa một lượng lớn khách đến với Lâm Đồng, với Đà Lạt hằng năm, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch. Du lịch không chỉ thăm thú nghỉ dưỡng mà còn là thi đấu thể thao, là rèn luyện sức khỏe trong một môi trường thiên nhiên tuyệt vời như Đà Lạt. Để làm được như thế, Thể thao Lâm Đồng cần được quan tâm đúng mức, cần được đầu tư về cơ sở vật chất chứ không thể mãi hô hào suông như lâu nay được.

Gia Khánh