Với khuôn mặt và dáng vẻ đầy suy tư, vị HLV trưởng của đội bóng danh tiếng quốc tế Arsenal lần đầu tiên đến Việt Nam với trận giao hữu với đội tuyển quốc gia vào ngày 17/7 sắp đến này có vẻ giống một "triết gia" hơn là một người làm bóng đá chuyên nghiệp.
Arsene Wenger |
Với khuôn mặt và dáng vẻ đầy suy tư, vị HLV trưởng của đội bóng danh tiếng quốc tế Arsenal lần đầu tiên đến Việt Nam với trận giao hữu với đội tuyển quốc gia vào ngày 17/7 sắp đến này có vẻ giống một “triết gia” hơn là một người làm bóng đá chuyên nghiệp.
1 - Mỗi con người như có một cái duyên để làm tốt một việc gì đó. Với Arsene Wenger, huấn luyện viên (HLV) của đội bóng Arsenal có lẽ là bóng đá đẹp. Nhưng khi lần lại tiểu sử của vị HLV này nhiều người vẫn không rõ ông đã hình thành triết lý độc đáo về thứ bóng đá hoa mỹ này lúc nào: khi chơi bóng đá thời trẻ hay lúc trầm tư trên ghế đại học; khi ông là HLV chuyên nghiệp ở Pháp, ở Nhật; hay lúc ông sang Anh để cùng Arsenal làm nên tên tuổi như hôm nay?
Sinh năm 1949 tại Strasbourg - thủ phủ của tỉnh Alsace cực đông nước Pháp, sát biên giới với Đức, Arsene Wenger là con thứ nhì của một gia đình thương nhân kinh doanh ô tô. Ông có một chị và em trai, cùng lớn lên trong một ngôi làng mà ở đó cha mình là một HLV nghiệp dư. Cha ông đã đưa ông đến với bóng đá khi ông chỉ mới 6 tuổi. Tuy nhiên, sự nghiệp bóng đá của ông với tư cách cầu thủ lại chẳng “đình đám” gì cả: 18 tuổi ông gia nhập một CLB hạng 3 của tỉnh, chơi bóng đá rồi vào Đại học Strassbourg học kinh tế. Khi tốt nghiệp ông vẫn tiếp tục chơi bóng đá ở một CLB khác rồi gia nhập RC Strassbourg và tại đây trong đội hình CLB này ông từng vô địch Pháp. Năm 1981, khi 32 tuổi, ông hoàn tất tấm bằng HLV bóng đá, giã từ nghiệp cầu thủ để chuyển hẳn sang làm công tác huấn luyện đội trẻ Strassbourg.
Với sự nghiệp huấn luyện Arsene Wenger có vẻ thành công hơn. Sau hai năm làm trợ lý HLV cho CLB AS Cannes tại giải hạng 2, ông là HLV của Nancy tại giải hạng nhất Pháp. Được vài mùa, Nancy rớt hạng, ông sang làm HLV cho AS Monaco và chỉ trong mùa giải đầu tiên ông đã đưa đội bóng này giành vô địch Cúp quốc gia Pháp. Sau nhiều năm thăng trầm ở đây, năm 1995 ông sang Nhật làm HLV cho Nagoya Grampus Eight và cùng với CLB này giành Cúp quốc gia. Chỉ 18 tháng ở Nhật, ông quay lại châu Âu và bắt đầu một giai đoạn mới cùng Arsenal cho đến nay. Chỉ cần 2 năm cầm quân tại đây ông đã cùng Arsenal lập nên cú đúp lịch sử với giải vô địch quốc gia và cúp quốc gia.
2 - Sẽ rất bình thường cho những thành công (hay thất bại) của một HLV cùng với một đội bóng nào đó, nhưng với Arsene Wenger và Arsenal điều này hoàn toàn khác hẳn. Triết lý bóng đá của ông không chỉ tác động đến một đội bóng mà còn có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ nền bóng đá Anh.
Trước nhất bằng cách đưa một Arsenal làng nhàng lúc đó thành một đại gia trong bóng đá Anh như hiện nay, ông đã tạo ra một sự cạnh tranh hấp dẫn hơn cho bóng đá Anh mỗi mùa giải. Ông đã tạo ra một bộ mặt mới cho Arsenal với thương hiệu toàn cầu. Chính ông cùng Arsenal đã tạo ra một kỷ lục trong bóng đá Anh với 49 trận bất bại. Và với việc mua và tìm kiếm các tài năng bóng đá từ nước ngoài đến góp mặt tại giải Ngoại hạng Anh, ông đã làm người Anh thay đổi về cách làm bóng đá đầy bảo thủ của mình. Bên cạnh lối chơi “kick and run” đầy thể lực, bóng bổng, dạt biên lật cánh đánh đầu của bóng đá Anh lúc đó ông đã giới thiệu một Arsenal tinh tế, đan bóng ngắn một chạm như được lập trình, lên công về thủ nhịp nhàng, cầu thủ chạm bóng như nghệ sỹ như Dennis Bergkamp, như Thiery Henrry chẳng hạn. Quan niệm cầu thủ nước ngoài không phù hợp với bóng đá Anh, không thể chơi bóng theo phong cách người Anh đã được xem lại. Bóng đá Anh để biến thành một sân chơi hấp dẫn nhất nhì hành tinh như hôm nay với sự góp mặt của các ngôi sao sân cỏ từ khắp hành tinh chính là nhờ vào sự thay đổi tư duy đó.
Đào tạo bóng đá trẻ tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG |
3 - Một cách làm độc đáo khác của Arsene Wenger trong bóng đá Anh chính là việc ông ưu tiên gần như triệt để cho bóng đá trẻ. Có những thời điểm đội bóng của ông hầu như là những khuôn mặt trẻ, từng được mệnh danh là “Các cậu bé của Wenger”. Ông có một đội ngũ tuyển trạch viên chuyên phát hiện tài năng bóng đá trẻ tại Anh và trên khắp thế giới, tìm cách đưa về đội để đào tạo. Bằng cách trao cho họ các cơ hội trong đội hình B rồi A của mình, ông đã góp phần không nhỏ để biến những viên ngọc thô thành những danh thủ sáng giá. Song hành cùng đó là một hệ thống đào tạo bóng đá trẻ, không chỉ ở Anh mà phát triển rất nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam với sự đầu tư của ông bầu Đoàn Nguyên Đức tại Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Asenal JMG). Các học viên được chọn từ 9 - 11 tuổi, được gạn lọc dần cho đến 16 tuổi khi quy định về giấy phép ở Ạnh có hiệu lực, họ sẽ đến Anh để thử sức và nếu hội đủ điều kiện sẽ ở lại chơi cho đội B và sau đó là đội A. Việc xây dựng một hệ thống đào tạo nhất quán như thế có thể giúp ông tạo ra một đội ngũ có chất lượng về chiều sâu, ổn định về phong cách chơi rất cao.
Một quan điểm khác biệt nữa của ông trong làm bóng đá lâu nay chính là tìm kiếm một sự ổn định trong tài chính khi làm bóng đá. Hay nói cách khác đội bóng như là một doanh nghiệp sống, không thể chi tiêu quá những gì nó làm ra được, không thể vung tay quá trán mua lấy danh hiệu rồi sụp đổ. Arsenal từ khi ông đến đây không chỉ là một đội bóng ổn định về mặt tài chính mà còn ăn nên làm ra, xây được sân mới, làm lợi cho cổ đông của mình. Rất nhiều cầu thủ ông mua với giá cực rẻ, đào tạo thành danh và rồi bán với giá cao, rồi dùng tiền tiếp tục đầu tư vào bóng đá trẻ. Điều này có vẻ điên rồ trong cơn lốc trút tiền như nước vào mua sắm cầu thủ của rất nhiều đại gia tại Anh hiện nay, điển hình như CLB Chelsea và CLB Manchester City. Phải đến khi luật công bằng tài chính của UEFA được đưa ra người ta mới thấy sự đi trước thời đại của ông.
Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài gần đây Arsenal cứ mãi quẩn quanh trong tốp 4 ngoại hạng Anh và việc chẳng có danh hiệu nào đã khiến nhiều người đặt câu hỏi lớn về triết lý bóng đá vị HLV này theo đuổi, thậm chí có ý kiến còn đòi ông ra đi. Nhưng quả thật khó có thể hình dung một Arsenal sẽ như thế nào nếu trên hàng ghế chỉ đạo không có mặt vị “triết gia” bóng đá này?
GIA KHÁNH