Đời thể thao rất ngắn và đầy bất trắc, hết tuổi thi đấu những người chơi thể thao sẽ xoay sở gì với cuộc đời thực?
Đời thể thao rất ngắn và đầy bất trắc, hết tuổi thi đấu những người chơi thể thao sẽ xoay sở gì với cuộc đời thực?
Vui cùng bóng đá phong trào
Với những người yêu thể thao, mê bóng đá, “Thành con” - Trần Chí Thành là một cái tên không xa lạ trong đội tuyển bóng đá Lâm Đồng - “cơn lốc cao nguyên” vang danh một thời. Có biệt hiệu như thế để phân biệt với một cầu thủ tên tuổi khác trong đội là “Thành lớn” - Đinh Xuân Thành, đội trưởng sau trở thành huấn luyện viên.
Trần Chí Thành với bộ sưu tập Cúp vô địch từ giải phong trào Đức Trọng |
Sinh năm 1974, người Đà Lạt, mê quả bóng từ nhỏ, năm học lớp 10 Chí Thành đi thử thời vận và lập tức được nhận vào lớp năng khiếu bóng đá tỉnh ngay. Chỉ sau một năm, năm 1992, anh được lên đội lớn và chơi chính thức với vị trí trung vệ (có lúc là hậu vệ phải). Nhỏ con nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo, mỗi khi vào sân luôn thi đấu với nhiệt tình tràn đầy của mình, Chí Thành là một trong những thành viên tích cực của bóng đá Lâm Đồng trong những năm làm mưa làm gió trên giải bóng đá đỉnh cao quốc gia. Anh tiếp tục chơi bóng đá cho mãi đến khi đội bóng xuống hạng nhất rồi hạng nhì. Đã có những lời mời gọi ở nơi khác nhưng anh vẫn gắn bó đội, cùng đội vượt qua những thăng trầm. Mãi đến năm 2007, sau hơn 17 năm gắn bó với bóng đá Lâm Đồng, khi đôi chân đã mỏi, anh xin nghỉ.
Nhưng nghỉ đá bóng thì làm gì? Học hết lớp 10, cả thời thanh xuân chỉ biết sân cỏ và trái bóng, liệu anh có thể làm gì cho cuộc mưu sinh, để nuôi gia đình mình? Đó là chưa kể nhiều lần bị chấn thương nghiêm trọng, may mà anh hồi phục được nhưng di chứng vẫn còn. Với chút ít tiền dành dụm, anh mở quán cà phê tại Đà Lạt nhưng chẳng ăn thua gì. Anh xuống huyện Đức Trọng tìm thuê một quầy nhỏ, đưa cả gia đình xuống đây sinh sống, mở một cửa hàng bán đồ thể thao cùng dụng cụ câu cá. Cửa hàng nhỏ của anh rồi cũng dần có khách, vợ chồng anh còn bán thêm cả cà phê, nước ngọt.
Nhưng thể thao như một cái nghiệp mà anh không dứt được dù đã muốn dứt hẳn vì sự bạc bẽo của nó. Chiều chiều để giữ sức khỏe anh xỏ giày ra sân đất cùng chơi bóng với mọi người. Thấy vậy, nhiều người đến vận động anh chơi lại bóng đá phong trào của huyện Đức Trọng. Để tham dự giải huyện, anh đã đứng ra thành lập một đội bóng phong trào lấy tên cửa hàng của anh “Tân Thành Sport”, qui tụ chủ yếu những người lớn tuổi yêu thể thao tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Từ năm 2007 đến 2012, trong 5 lần Đức Trọng tổ chức giải bóng đá huyện, “Tân Thành Sport” đều cả 5 lần mang cúp vô địch về nhà. “Hễ được mời là tham gia ngay cả giải xã nữa, vì phong trào”. Trong tiếng cười vui của anh tôi thấy cả nghị lực sống của một cựu cầu thủ khi về lăn lộn với đời thực.
Một gia đình thể thao điển hình
Nếu có một trang sử nào đó cho thể thao Lâm Đồng, ắt hẳn phải có tên của một thủ môn nổi tiếng một thời, người đã góp phần đưa bóng đá Lâm Đồng từ phong trào lên đỉnh cao. Đó là thủ môn Nguyễn Luật Tri.
Sinh năm 1958, người Đà Lạt, anh thuộc lớp sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Trường TDTT Trung ương 2 tại TP HCM năm 1979. Học hành bài bản, anh về không làm cán bộ mà chọn nghiệp cầu thủ, chơi cho đội bóng Lâm Đồng ở vị trí thủ môn. Cao, đậm người, cánh tay vươn dài, phản xạ cực nhanh, anh là niềm tin vững chãi cho các đồng đội của mình trong khung gỗ.
Gắn bó với bóng đá Lâm Đồng gần 10 năm, cùng góp sức đưa đội lên hạng, cho mãi đến năm 1989, khi những di chứng của chấn thương cột sống trong lúc thi đấu ảnh hưởng đến sức khỏe anh mới xin nghỉ đi chữa bệnh. Y học thể thao thời điểm đó còn quá thô sơ, anh đã phải xuôi ngược Đà Lạt - TP HCM mất một thời gian khá lâu, tốn rất nhiều tiền của gia đình để chữa lành chấn thương của mình. Khi khỏe lại, nhớ sân bóng, anh quay lại nghiệp thể thao, dù người nhà can ngăn. Anh làm trợ lý huấn luyện thủ môn cho đội bóng, huấn luyện viên cho đội trẻ Lâm Đồng trong nhiều năm trước khi nghỉ hẳn năm 2009.
Nhưng nghỉ rồi làm gì? Cả đời anh ăn học và chỉ biết chơi thể thao, anh nhủ thôi thì cứ gắn bó với nghiệp thể thao vậy. Thời điểm này rộ lên chuyện xây sân cỏ nhân tạo và anh chính là một trong những người tiên phong tại Đà Lạt trong việc thuê đất làm sân bóng đá. Cho đến nay anh đã trực tiếp tham gia làm 4 cụm sân bóng cỏ nhân tạo tại Đà Lạt gồm một cụm sân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (cùng với người em của mình), cụm sân trên đường Nguyễn Công Trứ (cùng với một người bạn), cụm sân tại Hồ bơi Phù Đổng và hiện nay là cụm sân trên đường Phù Đổng Thiên Vương. Để có tiền làm sân cỏ anh đã phải xoay sở, huy động từ rất nhiều nguồn.
Cái khó của kinh doanh sân bóng đá ngoài trời là mùa mưa Đà Lạt kéo dài đến 6 tháng, rất vắng khách. Nhưng như anh “bật mí”: khi sân có một lượng khách ổn định thì vẫn “sống được”. Điều vui nhất của anh trong cuộc mưu sinh này chính là phục vụ được phong trào thể thao, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi lứa tuổi từ sinh viên học sinh, cán bộ công chức viên chức, người cao tuổi, hưu trí… Anh mang đến cho họ một phương tiện giải trí lành mạnh, một sân chơi rèn luyện nâng cao sức khỏe. Với nhiều giải thanh thiếu niên địa phương tổ chức, anh đều tạo điều kiện không thu phí sân bãi.
Bên cạnh kinh doanh sân cỏ, anh còn làm huấn luyện cho các đội phong trào tại TP Đà Lạt khi có dịp. Không ít đơn vị như Ngân hàng Nông nghiệp, Điện lực Lâm Đồng, Nhà máy nước Lâm Đồng mời anh huấn luyện để đội tham dự các các giải ngành.
Và một điều đặc biệt, gia đình anh chính là một tấm gương tiêu biểu về gia đình thể thao của Đà Lạt và của cả tỉnh Lâm Đồng. Hai người em ruột anh, Nguyễn Luật Đức - tiền đạo và Nguyễn Luật Phước - hậu vệ. Cùng theo anh chơi cho đội bóng đá Lâm Đồng rất lâu. Đến lượt cả 2 con anh đều theo nghiệp thể thao của bố. Con trai anh Nguyễn Phương Thọ cũng là một thủ môn, từng chơi cho nhiều đội bóng lớn trong nước và hiện đang là cầu thủ của An Giang. Trong mùa giải năm nay thủ môn Phương Thọ đã cùng đồng đội góp phần đưa An Giang lên chơi giải chuyên nghiệp mùa tới. Con gái anh - Nguyễn Hồng Trân, cũng là một thành viên nổi bật của đội tuyển cầu lông Lâm Đồng, trong năm nay đã lọt vào đến bán kết giải các cây vợt nữ xuất sắc toàn quốc.
Viết Trọng