UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Lâm Đồng đến năm 2020 trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ sở vật chất cho tuyến tỉnh cũng như ở cấp cơ sở.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Lâm Đồng đến năm 2020 trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ sở vật chất cho tuyến tỉnh cũng như ở cấp cơ sở.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Chương trình phát triển thể dục thể thao (TDTT) xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 - 2010 của Chính phủ (Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005) đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì và đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng cho người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng trong thời gian qua.
Thi bắn nỏ tại Lạc Dương |
Cho đến nay trên địa bàn Lâm Đồng, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong thể thao đã thực sự đi vào chiều sâu. Cùng với sự đi lên về mặt kinh tế - đời sống, nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đó có việc tập luyện và thi đấu TDTT của người dân trong tỉnh ngày càng tăng. Phong trào TDTT đến nay phát triển cả về số lượng, chất lượng, các môn thể thao dân tộc dần được khôi phục. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 21% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, 12,5% số gia đình trong tỉnh đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT tuyến huyện về cơ bản đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tập luyện của người dân trên địa bàn.
Cùng với thể thao quần chúng, phong trào TDTT trong khối các ban, ngành, đoàn thể, công an, lực l¬ượng vũ trang của tỉnh khá phát triển cũng là một điểm mạnh của Lâm Đồng. Cho đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã có các văn bản liên tịch phối hợp hoạt động với rất nhiều ngành, đơn vị như Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Lâm Đồng, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công đoàn Viên chức và nhiều doanh nghiệp… Nhiều hoạt động được tổ chức ở các cơ quan, đơn vị đã góp phần không nhỏ cho phong trào TDTT phát triển theo hướng bền vững.
Trên nền phong trào này, thể thao Lâm Đồng có nhiều điều kiện hơn trong tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu; chọn VĐV cho các đội tuyển thi đấu các giải quốc gia và quốc tế. Hằng năm Lâm Đồng tham gia khoảng 40 giải trong nước và quốc tế; thành tích cũng tăng dần theo từng năm: từ 43 huy chương năm 2003 đến nay các VĐV Lâm Đồng đã đạt gần 200 huy chương các loại, trong đó có cả Huy chương Vàng quốc tế.
Chính vì vậy, mục tiêu chính của “Chiến lược phát triển TDTT Lâm Đồng đến năm 2020” vừa được tỉnh phê duyệt vẫn xác định cần tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của xã hội và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người dân.
Tỉnh yêu cầu cần đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh - thiếu niên; tích cực phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang của tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, tăng cường mời gọi các nguồn lực đầu tư cho hoạt động TDTT.
Với thể thao Lâm Đồng thời gian đến cần kiện toàn bộ máy; có kế hoạch nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, HLV của mình; đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao; gắn kết đào tạo các tuyến kế cận; thống nhất quản lý, phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; nâng cao thành tích thi đấu thể thao.
Trong chiến lược lần này tỉnh cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên của tỉnh phải đạt 28% - 30% trên tổng dân số; tỷ lệ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên 18% - 20% số hộ; hằng năm có từ 45 - 50 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức; toàn tỉnh có trên 1.000 CLB thể thao ở cơ sở; tất cả các trường học phổ thông đưa sinh hoạt TDTT vào ngoại khóa; 100% cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn chiến sỹ khỏe; quỹ đất dành cho TDTT đạt 4m2-5m2/người dân khu vực nông thôn, 3m2- 4m2/người khu vực thành thị.
Trong thể thao thành tích cao, mục tiêu đặt ra cho thể thao Lâm Đồng là một trong 10 tỉnh đứng đầu các tỉnh miền núi, có vị trí trung bình khá so với cả nước; đưa Bóng đá Lâm Đồng trở lại sân chơi hạng nhất và V-League quốc gia; mỗi năm đào tạo trên 200 VĐV năng khiếu ở các môn Lâm Đồng có thế mạnh như bóng đá, điền kinh, các môn võ Taekwondo, cổ truyền, Karatedo, quyền Anh, Judo; cờ vua, cờ vây, thể hình, bóng bàn, quần vợt, cầu lông và các môn thể thao dân tộc truyền thống. Theo kế hoạch, trong năm đến, thể thao Lâm Đồng sẽ xúc tiến thành lập Trường Năng khiếu TDTT để tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu tuyến tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và của thể thao Lâm Đồng trong thời gian đến cần xây dựng được hệ thống các điều kiện đảm bảo cho các hoạt động TDTT từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh trước mắt cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân vận động của tỉnh tại Khu Liên hợp Thể thao Phường 7 Đà Lạt; tiếp tục cung cấp kinh phí hoàn tất các hạng mục còn lại của Khu Liên hợp Thể thao Bảo Lộc; xây dựng thêm một số công trình thể thao ở các huyện. Với tuyến cơ sở tỉnh cũng chủ trương tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa củng cố cơ sở vật chất cho các công trình TDTT ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư; đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho các trường học còn thiếu, chưa đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT cho học sinh.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần có quy hoạch quỹ đất dành cho TDTT ở các xã, phường, thị trấn và trường học; tùy theo điều kiện của địa phương mình mà vận dụng. Các công trình này cần được cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Gia Khánh