Nhân cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP HCM lần thứ 26 diễn ra trên đất Lâm Đồng, Lâm Đồng cuối tuần giới thiệu đến bạn đọc một đội đua xe đạp nữ người Lâm Đồng đang đầu quân thi đấu tại Bình Dương.
Nhân cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP HCM lần thứ 26 diễn ra trên đất Lâm Đồng, Lâm Đồng cuối tuần giới thiệu đến bạn đọc một đội đua xe đạp nữ người Lâm Đồng đang đầu quân thi đấu tại Bình Dương.
|
4 thành viên Lâm Đồng của đội đua xe đạp Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương. Từ phải sang: Phạm Thị Thúy Nga, Phạm Hồng Loan, Phạm Lê Xuân Hồng và Phạm Hồng Nhung |
Đội đua xe đạp nữ này có 4 thành viên gồm Phạm Thị Thúy Nga (sinh 1995) người xã Gia Hiệp, Di Linh; 2 chị em ruột Phạm Hồng Loan (sinh 1995) và Phạm Hồng Nhung (sinh 1996) người Phú Hội, Đức Trọng và Phạm Lê Xuân Hồng (sinh 1998) người ở Phú An, Đức Trọng. Cả 4 thành viên này đều đang đầu quân thi đấu cho đội đua xe đạp nữ Cấp thoát nước - Môi trường tỉnh Bình Dương từ cách đây hơn 3 năm.
Với Phạm Thị Thúy Nga- một cô gái xứ cà phê trên cao nguyên Di Linh, vào đội tuyển đua xe đạp ở đâu đó tận Bình Dương là một câu chuyện “phiêu lưu” chưa bao giờ nghĩ đến. Thời điểm đó, cô đang là nữ sinh lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Viết Xuân gần nhà, ngày ngày mặc áo dài đến trường. Một ngày có người đến tận trường ngỏ lời mời Nga vào thử sức ở đội đua xe đạp nữ tỉnh Bình Dương. Lý do được chọn là vì Nga là VĐV điền kinh có tiếng của trường. Vốn xuất thân từ lò đào tạo điền kinh của HLV nổi tiếng Phan Hoàng Điệp tại Gia Hiệp - Di Linh, nơi đào tạo hầu hết các VĐV của đội tuyển Điền kinh Lâm Đồng hiện nay, ngay từ năm lớp 7, Thúy Nga đã giành Huy chương (HC) Vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh với cự ly 100m nữ môn điền kinh. Những năm sau đó, Nga giành không ít thành tích từ các giải Việt dã cấp huyện và cấp tỉnh Lâm Đồng. Phải đợi đến hè, kết thúc năm học lớp 10 trong năm 2010, sau khi tham khảo ý kiến gia đình, Nga mới nhận lời thử sức mình ở một môn thể thao mới. Tập trung 2 tháng tại Trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tại TP HCM, nơi đội đua xe đạp nữ Bình Dương đang tuyển người, ngày ngày trên lưng ngựa sắt, không khó lắm để một VĐV có năng khiếu thể thao bẩm sinh này vượt qua các bài kiểm tra. “Thì lúc đầu cũng chỉ thử cho biết sức mình thôi, càng tập càng thấy thích nên quyết định gắn bó luôn”. Nga nhớ lại. Giã từ gia đình, sách vở học đường phổ thông với bao bạn bè, Nga khăn gói xuống Bình Dương bắt đầu cuộc đời của một VĐV chuyên nghiệp.
Riêng Hồng Nhung, chuyện đua xe đạp có vẻ “dễ dàng” hơn vì đã có chị Hồng Loan đi trước làm gương. Cả 2 chị em đều thích thể thao, nên khi có người đến tuyển cũng muốn đăng ký thử sức. Thời điểm đó, Nhung đang học lớp 9 còn Loan học lớp 10; Hồng Loan xuống trước và được vào đội tuyển. Được chị mình động viên, Hồng Nhung khi học xong lớp 9 cũng xuống TP HCM dự sơ tuyển và nhanh chóng vượt qua vòng loại để cùng nhập đội với chị mình.
Trẻ nhất trong đội hình này chính là Phạm Lê Xuân Hồng. Năm 2010 khi Hồng gia nhập đội tuyển đua xe đạp cô chỉ mới 13 tuổi đang học lớp 7. Năm học đó Hồng giành HC Vàng trong nội dung 100m điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh khối trung học cơ sở. Tuyển trạch viên đã về tận trường học của Hồng để mời cô bé có đôi chân nhanh nhẹn này thử sức cùng xe đạp. Gia đình và Hồng đã phải đắn đo cân nhắc rất lâu trước lời mời này. Và rồi hè năm lớp 7, trước sự nỉ non của con gái mình, ông bố cầm lòng không đậu, cả hai bố con khăn gói xuống TP HCM cho tập trung tại Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thể thao TP HCM. Không khó lắm để Xuân Hồng vượt qua kỳ kiểm tra. Giã từ gia đình cô bé một mình lên đường đến sống một tỉnh mới.
Cần biết rằng, đây là những “hạt gạo trên sàng” với một quá trình kiểm tra rất khắt khe. Có không ít những khuôn mặt trẻ khác đến từ rất nhiều tỉnh, thành trong nước đã không vượt qua được kỳ kiểm tra này. Cùng tham dự với Hồng Nhung lúc đó có đến 12 bạn, 4 bạn ở Đức Trọng, 4 bạn ở Di Linh và 4 bạn ở Đăk Lăk, nhưng chỉ mình Hồng Nhung qua được. Đội Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương hiện nay có 2 đội tuyển nam và nữ, trong đó đội nữ có 20 thành viên trong cả tuyến tuyển và tuyến trẻ, tập trung tập luyện thi đấu quanh năm, ăn ở ngay tại khu tập thể của đội. Tại đây các thành viên Lâm Đồng được bố trí chung phòng với nhau cùng sinh hoạt với nhau. Mỗi ngày ở đây các VĐV đều phải tập luyện rất nghiêm túc: sáng dậy sớm, tập thể dục và sau bữa sáng là bài tập từ 100 - 150km cho một ngày; chiều tập thể lực ở phòng tập; tối đi học văn hóa. Ngày nào cũng như ngày nào, chỉ trừ cuối tuần.
Nhìn bề ngoài người đua xe đạp có vẻ hùng dũng bên chiếc xe đua đắt tiền nhưng thực chất đây không phải là một môn thể thao “dễ chơi”ngay cả với nam, phái nữ lại càng khó khăn hơn. Bất kể mưa nắng mỗi ngày các VĐV đều lên xe tập luyện. Nắng gió có thể làm cho nam giới rắn rỏi hơn nhưng với phái đẹp là cả một vấn đề. Rồi nguy hiểm, tai nạn rình rập trên đường tập cũng như đường đua bất cứ lúc nào. “Cũng đã bị té nhiều lần nhưng chỉ bị trầy xước, té rồi lên xe đạp tiếp”- Xuân Hồng cho biết. Còn với Thúy Nga: “Đã chọn xe đạp đua thì không sợ nắng mưa, không sợ té, chỉ sợ mưa lớn không tập được”.
Hơn 3 năm trong đội hình tuyển xe đạp nữ Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, các thành viên Lâm Đồng đã có không ít thành tích và HC từ các giải trong nước và quốc gia. So với các giải nam thì giải đua xe đạp nữ ở Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, mỗi năm có 4 giải lớn gồm giải trẻ quốc gia, giải đua xe đạp nữ Bình Dương, giải đua xe đạp nữ An Giang, giải Điện Biên. Tại các giải này, đặc biệt là giải trẻ quốc gia, các thành viên Lâm Đồng đều giành được HC. Chẳng hạn, Xuân Hồng giành được HC Vàng nội dung đồng đội giải trẻ quốc gia đua tính giờ, một HC Bạc đua đường trường; Hồng Nhung giành được 6 HC, trong đó có HC Vàng đồng đội và HC Vàng cá nhân nội dung địa hình.
Hiện, 4 thành viên Lâm Đồng đều đi học văn hóa mỗi tối. Năm ngoái Thúy Nga bận dự giải nên chưa thi tốt nghiệp 12 được nên năm nay đang được ưu tiên tập trung chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến, đồng thời cô còn chuẩn bị cho kỳ thi đại học đầu vào ngành Sư phạm TDTT. Còn với Xuân Hồng, cô gái trẻ nhất trong đội cho biết, đang cố gắng tập luyện để có kết quả tốt nhất trong giải trẻ năm nay “cho kịp chị kịp em” với những người đi trước.
Viết Trọng