Để Bóng đá Lâm Đồng phát triển bền vững

09:12, 10/12/2015

Rất nhiều những đề xuất của các chuyên gia, những người làm bóng đá lâu năm lẫn nhà báo nhằm đưa Bóng đá Lâm Đồng trở lại và phát triển một cách bền vững.

Rất nhiều những đề xuất của các chuyên gia, những người làm bóng đá lâu năm lẫn nhà báo nhằm đưa Bóng đá Lâm Đồng trở lại và phát triển một cách bền vững.
 
Đầu tháng 12/2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng - đơn vị chủ quản về thể thao của tỉnh, đã tổ chức một cuộc hội thảo rất quy mô: “Tìm kiếm giải pháp phát triển bóng đá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Lâm Đồng tổ chức một hội thảo lớn như vậy nhằm tìm kiếm các giải pháp thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển Bóng đá Lâm Đồng đã được tỉnh phê duyệt. Tại hội thảo, đã có rất nhiều đề xuất, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, những người làm bóng đá lâu năm ở các tỉnh, thành trong nước, đại diện của các đội bóng lớn đang tham gia V- League, nhà báo đóng góp ý kiến cho ngành hữu quan của tỉnh nhằm đưa Bóng đá Lâm Đồng trở lại và phát triển một cách bền vững lâu dài.
 
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Thụ, nguyên Giám đốc Sở TDTT Nghệ An, người đã đóng góp công sức không nhỏ để đưa Bóng đá Nghệ An lên tầm vóc như hiện nay, Lâm Đồng cần dựa vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển bóng đá sâu rộng trong toàn dân; cần xác định đối tượng cụ thể để xây dựng mũi nhọn trong phong trào, chẳng hạn như tại Nghệ An, đó là nông dân vì người làm nông nghiệp chiếm đến 90% dân số trong tỉnh. Cùng đó, cần quan tâm đến việc đưa bóng đá vào lực lượng thanh niên và học sinh, vì theo ông, muốn phát triển bóng đá đỉnh cao cần phong trào sâu rộng, trong đó thanh niên và học sinh là “lực lượng mang tính chiến lược” trong việc xây dựng và phát triển bóng đá lên đỉnh cao như cách Nghệ An đã làm lâu nay. 
 
Từ kinh nghiệm của mình và thực tiễn tại Nghệ An, theo ông Thụ, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất, trong tổ chức thi đấu và trong đào tạo vận động viên. Đồng thời dù bóng đá phát triển đến cấp độ nào thì không thể tách rời vai trò quản lý nhà nước về TDTT nói chung và bóng đá nói riêng, ông nhấn mạnh.
 
Đến với Hội thảo, ông Cao Văn Chóng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Becamex Bình Dương, cũng chia sẻ rất nhiều về cách làm để Bình Dương xây dựng nên một đội bóng có chất lượng hàng đầu trong Bóng đá Việt Nam như hiện nay. Theo ông Chóng, Lâm Đồng là một địa phương lý tưởng để xây dựng một CLB bóng đá chuyên nghiệp với đầy đủ các lợi thế mà nhiều địa phương khác không có như có sân bay, có cơ sở lưu trú, có thời tiết lý tưởng quanh năm. “Để quảng bá địa phương đến với bên ngoài thì bóng đá là một trong những công cụ hiệu quả nhất”- ông Chóng nói.
 
Từ kinh nghiệm của Bình Dương, theo ông Chóng, Lâm Đồng trước tiên nên bắt đầu từ chuyện cơ sở vật chất và nhân sự như cách Bình Dương đã làm. Trước nhất, theo ông, địa phương nên mạnh dạn xây dựng một sân vận động đạt chuẩn cho bóng đá. Sân vận động này như một ngôi nhà, có sân đội bóng mới “an cư” và “lạc nghiệp”. Sân vận động là tài sản của tỉnh, sau này dù nhà đầu tư nào đến tiếp quản đội bóng thì họ cũng chỉ được sử dụng sân vận động chứ không được sở hữu, như thế vai trò nhà nước vẫn luôn quan trọng, xuyên suốt trong mọi hoạt động của CLB. 
 
Kế tiếp, theo ông Chóng, về chuyện nhân sự, phải có người đam mê và am hiểu bóng đá hiện đại để tham gia quản lý Bóng đá Lâm Đồng. Đó là những người không nhất thiết phải có chuyên môn bóng đá nhưng phải hiểu bóng đá và bắt buộc phải có kiến thức về quản lý doanh nghiệp, để từ đó đi đến thành lập Công ty Bóng đá Lâm Đồng, tiếp quản CLB. Xu hướng của bóng đá hiện đại theo ông là hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp và chỉ có thể là doanh nghiệp mới chủ động trong các giao dịch thương mại như quảng cáo, tài trợ, bản quyền truyền hình, đào tạo, chuyển nhượng… Trong việc tìm nhà đầu tư hoặc tài trợ để đảm bảo kinh phí cho hoạt động của CLB, nhà đầu tư này có thể là doanh nghiệp tại chỗ hoặc là đối tác từ các địa phương khác, nhưng dù là nhà đầu tư hay tài trợ đến từ đâu, bất kể với quy mô vốn lớn chừng nào đi nữa thì vẫn nên giữ vai trò quản lý của nhà nước. Kinh nghiệm từ Bình Dương đã làm cho thấy, khi có vai trò của nhà nước, CLB sẽ hoạt động ổn định và bền vững hơn những CLB giao khoán hoàn toàn cho doanh nghiệp.
 
Còn theo nhà báo thể thao Nguyễn Nguyên - Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật TPHCM - một người từng nhiều năm viết về Bóng đá Lâm Đồng, Lâm Đồng vốn là một địa phương có truyền thống làm bóng đá đỉnh cao đầy tự hào trong làng bóng đá trong nước, có một lợi thế về địa hình và địa lý mà bất cứ đội bóng nào trong nước lên đây thi đấu cũng ngại. Bóng đá Lâm Đồng từng có không ít những khuôn mặt góp sức trong đội tuyển Bóng đá Việt Nam, gần đây nhất có Võ Huy Toàn, một cầu thủ từng được đào tạo trong đội năng khiếu Lâm Đồng sau đó đầu quân cho SHB Đà Nẵng, thi đấu rất tốt trong màu áo của tuyển Việt Nam hiện nay. 
 
Theo nhà báo Nguyễn Nguyên, để đưa Bóng đá Lâm Đồng trở lại thời đỉnh cao của mình, phát triển bền vững, trước nhất cần có sự quan tâm sâu sát từ UBND tỉnh để có những chỉ đạo xuyên suốt và hỗ trợ cho ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nói chung, cho bóng đá nói riêng có một hướng đi đúng đắn thông qua lộ trình đã được xây dựng một cách cụ thể và khoa học với những điểm nhấn rõ ràng, được phát triển ở diện rộng. Cần phối hợp giữa ngành Văn hóa - Thể thao và ngành Giáo dục để phát triển bóng đá học đường, nhất là trong lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, vì mọi em trong lứa tuổi này đều đến trường; xây dựng hệ thống đào tạo bóng đá trẻ từ U.11 đến U.21 bài bản, hoàn thiện hệ thống thi đấu từ cơ sở đến cấp tỉnh; chú ý đào tạo bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên bóng đá bởi không có thầy giỏi thì sẽ không có trò giỏi. 
 
Một việc khác quan trọng không kém theo nhà báo Nguyễn Nguyên để giữ chân được những người tài, Lâm Đồng cần có chế độ đãi ngộ, giải quyết công ăn việc làm khi cầu thủ không còn sức lực để cống hiến; khi cần nên kêu gọi các cầu thủ gốc Lâm Đồng đang thi đấu trong nước về chung tay giúp Bóng đá Lâm Đồng trở lại đỉnh cao.
 
Viết Trọng