Là một bộ phận quan trọng của thể thao nói chung, đưa thể thao quần chúng phát triển là một nhiệm vụ cấp thiết của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trong thời gian đến.
Là một bộ phận quan trọng của thể thao nói chung, đưa thể thao quần chúng phát triển là một nhiệm vụ cấp thiết của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng trong thời gian đến.
Phát triển chưa đồng đều
Theo quy định của Luật Thể dục thể thao (TDTT), thể thao quần chúng (TTQC) là một bộ phận quan trọng của TDTT, là hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu các bài tập thể dục và các môn thể thao của tất cả mọi người trong cộng đồng.
Đối tượng của TTQC là tất cả mọi người dân, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, nơi cư trú; từ trẻ em, thiếu niên nhi đồng đến thanh niên, trung niên, người cao tuổi, khối công chức viên chức, người lao động, nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người khuyết tât, đồng bào dân tộc thiểu số… TDTT quần chúng góp phần củng cố, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất cho mọi người, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu vận động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, góp phần đào tạo nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong TTQC còn bao gồm TDTT thực dụng, thể thao nghề nghiệp cho người lao động, khối hành chính sự nghiệp, các đối tượng đặc biệt cho việc phòng chữa bệnh. Tùy theo đối tượng, lứa tuổi mà có những môn thể thao đặc thù riêng như các bài thể dục dành cho người cao tuổi, các giải thể thao cho người khuyết tật chẳng hạn.
|
Thi đẩy gậy tại Đam Rông |
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua, phong trào TDTT quần chúng được chú trọng phát triển tại Lâm Đồng. Đông đảo người dân trong tỉnh đã tự chọn cho mình một môn thể thao yêu thích hoặc một hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cùng hiệu quả công việc. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT DL) Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 24% dân cư tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, có 15% số gia đình trong toàn tỉnh đạt chuẩn “Gia đình thể thao”. Công tác giáo dục thể chất học đường cũng được chú trọng, số lượng học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể ngày càng tăng; phong trào TDTT trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang được các cấp duy trì với nhiều hội thao được tổ chức hàng năm, góp phần tích cực thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, như Sở VHTT DL Lâm Đồng đánh giá, TDTT quần chúng phát triển nhưng chưa đều, còn có sự cách biệt lớn giữa vùng nông thôn và đô thị; nội dung lẫn hình thức hoạt động TDTT ở cơ sở chưa phong phú, đa dạng; chưa khai thác hết thế mạnh của các môn thể thao dân tộc truyền thống; hệ thống thi đấu từ cơ sở đến cấp tỉnh chưa hoàn thiện; số lượng các giải thể thao được tổ chức hàng năm cho các đối tượng chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Cùng đó, giáo dục thể chất trong trường học dù chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu sân bãi, phòng tập, dụng cụ; nội dung và hình thức chương trình chưa hấp dẫn học sinh, nhất là các hoạt động ngoại khóa.
Để TDTT quần chúng phát triển
Tại hội thảo “Tìm kiếm giải pháp phát triển TDTT đến năm 2020 trên địa bàn Lâm Đồng” do Sở VHTT DL Lâm Đồng tổ chức gần đây với sự hiện diện của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng phong trào TDTT trong và ngoài tỉnh, đã có nhiều ý kiến quí báu đóng góp để Lâm Đồng đưa TDTT quần chúng phát triển hơn, thực hiện tốt “Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020” đã được tỉnh phê duyệt.
Theo Tiến sỹ Lê Anh Thơ, nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT, trước nhất Lâm Đồng cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác TDTT ở cơ sở. Cụ thể, cần thuyết phục bằng thực tế để cấp ủy Đảng và chính quyền cùng toàn thể người dân trong cộng đồng thấy lợi ích và vai trò của TDTT đối với việc nâng cao sức khỏe, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, để cùng nhau thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển TDTT ở cơ sở; đầu tư thích đáng cho hoạt động TDTT xã, phường.
Trong quản lý chỉ đạo phát triển TDTT quần chúng ở cơ sở, theo ông Thơ cần gắn nhiệm vụ phát triển TDTT với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cụ thể của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức hoạt động của các hội, nhóm CLB TDTT ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tự tập luyện cá nhân và tập thể ở gia đình, thôn, xóm như thể dục buổi sáng, tập võ thuật, đi bộ, tập dưỡng sinh, đi xe đạp… Đồng thời, tổ chức tốt Hội Khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT, ngày hội văn hóa thể thao ở xã, phường thị trấn mỗi năm hoặc 2, 3 năm một lần; hướng dẫn cơ sở chọn từ 1 - 2 môn thể thao để thi đấu mang tính truyền thống hàng năm, bên cạnh các môn thể thao dân tộc nên có các môn phổ biến như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, điền kinh…; lồng ghép các hoạt động TDTT với công tác cổ động và tuyên truyền chính trị, củng cố các đoàn thể quần chúng; các cuộc vận động về y tế sức khỏe nên gắn với hoạt động TDTT…
Và điều cấp thiết theo ông Thơ, là xây dựng cơ sở vật chất cùng bộ máy tổ chức TDTT ở cấp cơ sở. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để hình thành các khu trung tâm sinh hoạt TDTT cấp xã, phường gắn với các thiết chế văn hóa cơ sở, khuyến khích mọi người dân đến chơi. Mỗi thôn, làng vận dụng các điều kiện tự nhiên có sẵn của địa phương để định hình các chỗ vui chơi cho cả người lớn và trẻ em, khuyến khích mọi người tổ chức các hoạt động TDTT tại đây; chú trọng xây dựng các CLB TDTT cơ sở từ thôn, làng đến xã, phường, trong các đơn vị, trường học, tự tổ chức thi đấu với nhau và tham gia các giải đấu cấp cao hơn. Mỗi xã, phường cũng nên ít nhất có một cộng tác viên TDTT có khả năng tổ chức các hoạt động TDTT, cử những cộng tác viên này tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của huyện và tỉnh để những người này làm hạt nhân cho phong trào ở cơ sở.
Gia Khánh