Một giải bơi cho mùa hè

09:12, 03/12/2015

Với hệ thống bể bơi từ nguồn xã hội hóa đang hiện diện tại nhiều địa phương trong tỉnh, Lâm Đồng đã có thể hướng đến một giải bơi toàn tỉnh cho lứa tuổi thanh thiếu niên - học sinh phổ thông trong mùa hè.

Với hệ thống bể bơi từ nguồn xã hội hóa đang hiện diện tại nhiều địa phương trong tỉnh, Lâm Đồng đã có thể hướng đến một giải bơi toàn tỉnh cho lứa tuổi thanh thiếu niên - học sinh phổ thông trong mùa hè.
 
Những hồ bơi tiền tỷ  
 
Huyện Đức Trọng trong năm 2014 vừa qua đã có 2 tư nhân bỏ tiền nhà ra đầu tư hồ bơi theo chủ trương xã hội hóa thể thao như thế. Đó là hồ bơi Dona tại đường Sư Vạn Hạnh và hồ bơi “Số 1- Number One” tại đường Phan Chu Trinh, cả hai cùng ở thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng.
 
Bể bơi cho người lớn tại Hồ bơi Dona, Đức Trọng
Bể bơi cho người lớn tại Hồ bơi Dona, Đức Trọng
Hồ bơi Number One nằm trong một khuôn viên vừa phải, diện tích xung quanh có vẻ hơi chật cho một chỗ thường xuyên đông người đến sinh hoạt nhưng theo ông chủ hồ bơi Nguyễn Đinh Trường Điền, chiều rộng 8m, chiều dài 20m cũng khá đủ cho một bể bơi tiêu chuẩn. Để có hồ bơi này, ông Điền đã đầu tư vào đây vài tỷ đồng, tốn kém nhất theo ông không phải chỉ là số tiền đầu tư cơ sở vật chất  ban đầu mà còn là hệ thống trang thiết bị lọc nước, hóa chất xử lý nước đạt chuẩn vệ sinh cho người tắm hằng ngày. Mặc dù Đức Trọng thấp hơn cao độ của Đà Lạt, khí hậu nóng ấm hơn nhưng vào bể nước vẫn lạnh, đặc biệt để cho trẻ em cũng tắm được nên ông Điền đã đầu tư nơi đây một hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, đưa nước nóng vào các bề tắm làm cho nước ấm, khi thiếu nắng có thể kích hoạt hệ thống nước nóng này bằng điện. Đưa vào hoạt động từ trước Tết Âm lịch năm vừa rồi, đến nay, Number One thu hút khá đông lớp trẻ và cả người lớn Đức Trọng đến đây học bơi và bơi vì giá vào cửa khá “bình dân”, mỗi lần bơi từ chỉ từ 20 - 30 nghìn đồng.
 
So với Number One thì hồ bơi Dona cao cấp hơn nhiều. Tại đây có đến 3 hồ bơi kề nhau, 1 hồ lớn,  2 hồ nhỏ, trong đó hồ lớn chiều rộng 12,5m, chiều dài 28m dành cho người lớn, còn 2 hồ nhỏ dành cho trẻ em, tất cả đều có mái che. Cùng với hệ thống nhà hàng, quán cà phê được thiết kế rất đẹp, rộng rãi, Dona tạo thành một khu liên hợp bơi, giải trí, thư giãn rất lý tưởng. Chủ nhân của hồ bơi Dona, ông Nông Văn Cường và người nhà cho biết đã đầu tư vào các hồ bơi tại đây khoảng 7 tỷ đồng, đưa vào sử dụng đã hơn 1 năm. Tương tự như hồ bơi Number One, ông Cường cũng sử dụng hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời làm cho nước hồ bơi đủ ấm, khi cần có thể chuyển sang sử dụng điện. 
 
Ngày chúng tôi đến thăm, cả 2 hồ bơi này đều khá vắng khách. Theo chủ nhân của hai hồ bơi, đông nhất vẫn là cuối tuần, ngày nghỉ, dịp lễ, tết và trong cả mùa hè. “Lượng khách đến hồ bơi chúng tôi chủ yếu là học sinh và gia đình, do ngày trong tuần các cháu bận học, chỉ vào cuối tuần thứ bảy hay chủ nhật mới đông” - ông Điền, chủ hồ bơi Number One cho biết. Nhưng dù có vắng thì mỗi ngày mỗi hồ cũng có vài chục người đến bơi và học bơi, cuối tuần có lúc lên cả trăm người. Trong hè vừa qua, cả 2 hồ đều phối hợp với đơn vị thể thao chủ quản của huyện để tổ chức các lớp dạy bơi cho mọi người, đặc biệt là cho lứa tuổi học sinh, thiếu nhi, với giá rất “khuyến mãi”. Theo ông Điền, ngày trước lớp trẻ quanh thị trấn Liên Nghĩa dịp hè cứ đi tắm sông tắm suối trong vùng rất nguy hiểm. Đầu tư một bể bơi khá tốn tiền, không biết đến bao giờ mới thu hồi lại vốn nhưng vì lợi ích của cộng đồng và có thể kinh doanh lâu dài nên gia đình ông quyết tâm làm, dạy được mỗi em nhỏ biết bơi chính là niềm vui của ông. 
 
Một giải bơi cho mùa hè
 
Cùng với thị trấn Liên Nghĩa của Đức Trọng, rất nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay đã có sự hiện diện của các hồ bơi tư nhân theo chủ trương xã hội hóa thể thao. 
 
Tại thị trấn Di Linh, hồ bơi “Thung lũng xanh” đã được đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nay và cũng là một địa chỉ hấp dẫn thu hút lứa tuổi học sinh phổ thông trong những dịp cuối tuần. Chủ nhân của hồ bơi này là ông Trần Công Cường, vốn là một giáo viên của một trường trung học cơ sở trên địa bàn, cùng gia đình mình đầu tư vào đây vài tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2013 đến nay. Trong dịp hè, ông Cường đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh Xã hội của huyện để tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh theo chương trình phòng chống đuối nước rất được phụ huynh hoan nghênh. Theo ông Lê Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Di Linh, sắp đến, Trung tâm sẽ phối hợp với hồ bơi để tổ chức giải bơi cấp huyện
 
Tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh cũng có 2 hồ bơi, một của cha xứ Dương Công Hồ và một của một giáo viên trung học phổ thông. Mỗi hồ bơi như thế cũng đầu tư vài tỷ đồng, thu hút rất đông người lớn và học sinh đến bơi. Cha xứ Dương Công Hồ trong hè vừa rồi đã phối hợp với một tổ chức thiện nguyện nước ngoài dạy bơi, hầu như miễn phí, cho trẻ em trong vùng. 
 
Tại Đạ Huoai, Khu du lịch Rừng dưới chân đèo Bảo Lộc có chuỗi hồ bơi trong khung cảnh thiên nhiên cực kỳ đẹp, không chỉ thu hút du khách mà rất nhiều người địa phương cũng đến đây bơi. Tại Đà Lạt, hồ bơi tư nhân Phù Đổng lâu nay hoạt động rất tốt. 
 
Đã đến lúc ngành chức năng tỉnh, cụ thể là ngành Thể thao và ngành Giáo dục nên phối hợp để duy trì một giải bơi cho thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh trong hè. Cách đây vài năm Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng đã từng phối hợp với hồ bơi Phù Đổng tổ chức giải bơi như thế trong hè nhưng chỉ được vài lần rồi không tiếp tục được nữa. Một trong những nguyên do là lúc đó chỉ Đà Lạt có hồ bơi, giải cấp tỉnh nhưng chỉ riêng Đà Lạt hiện diện, số lượng VĐV tham dự cũng ít, còn hiện nay đã khác.
 
Điều đáng nói nhất, một giải bơi như thế không chỉ là một giải thể thao mà còn là sự khuyến khích, động viên cho phong trào học bơi trong tỉnh, đặc biệt cho các trường học trong các cấp học phổ thông. Không chỉ là một hoạt động ngoại khóa trong giáo dục thể chất, học bơi còn là học kỹ năng sống, kỹ năng để sinh tồn. Rất nhiều HLV tại các hồ bơi cho biết chỉ cần vài buổi học là các em có thể bơi, ít nhất là biết cách nổi lên để bảo vệ mạng sống của mình khi lỡ rơi xuống nước. Là một tỉnh có nhiều sông, hồ, ao, suối, sẽ không còn những trường hợp đuối nước thương tâm đáng tiếc xảy ra nếu tất cả học sinh đều được học bơi từ trong trường học, biết bơi và biết cách xoay xở cho mình khi lỡ gặp hoàn cảnh bất trắc.
 
Viết Trọng