Phát huy vai trò các nhà văn hóa xã

09:03, 10/03/2016

Là huyện nông thôn mới, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn Đơn Dương hiện nay đều có nhà văn hóa. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện đang tìm giải pháp phát huy vai trò của các nhà văn hóa xã trong cộng đồng dân cư.

Là huyện nông thôn mới, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn Đơn Dương hiện nay đều có nhà văn hóa. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện đang tìm giải pháp phát huy vai trò của các nhà văn hóa xã trong cộng đồng dân cư.
 
Một đội bóng chuyền nữ trước giờ thi đấu
Một đội bóng chuyền nữ trước giờ thi đấu
4h30 chiều, trời vẫn còn nắng nhưng sân Nhà văn hóa Lạc Lâm đã nhộn nhịp hẳn lên vì tiếng hò reo. 2 đội bóng chuyền thanh niên của xã đang rượt đuổi nhau về tỷ số, các thành viên trong đội thi đấu một cách hào hứng, mắt chăm chú vào từng đường bóng trong sự cổ vũ của các thanh niên đứng ngoài. “Đội tập hợp những người yêu bóng chuyền trong xã, chiều nào sau giờ làm vườn cũng đến đây chơi, cứ đến là ráp đội hình cho đều, làm sao ngang tài ngang sức là được” - một VĐV trong đội tươi cười nói với tôi.
 
Tại sân vận động xã Ka Đơn trong buổi chiều mùa khô tháng 3 khi tôi đến đây cũng nhộn nhịp không kém. Trên sân 2 đội thanh niên dân tộc thiểu số đang quần thảo nhau trong trận bóng đá 11 người, nhiều VĐV chạy chân trần chơi bóng, quanh sân cả vài mươi người reo hò cổ vũ. 
 
“Đơn Dương hiện nay bóng chuyền rất phát triển ở những xã có nhiều người Kinh sinh sống trong khi bóng đá 11 người lại phát triển mạnh trong các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ka Đơn, Tu Tra, Pró…” - ông Đặng Huệ Chí - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Đơn Dương cho biết. 
 
 Là huyện nông thôn mới nên hầu hết 8 xã, 2 thị trấn tại Đơn Dương hiện nay như ông Chí cho biết, chỉ trừ thị trấn D’Ran đang tìm đất để xây, còn lại tất cả đã có nhà văn hóa, có sân vận động, được qui hoạch bài bản. Các nhà văn hóa phía trước có sân rộng, thường được làm thêm từ 1 đến 2 sân bóng chuyền cho mọi người trong xã cùng đến chơi. Nhiều thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng cũng làm sân bóng chuyền tại đây. Còn sân vận động xã thường là sân bóng 11 người, có cầu môn, nên gần đây bóng đá 11 người đang phát triển mạnh trở lại tại Đơn Dương, đặc biệt trong các vùng có đông cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Gần đây trước phong trào bóng đá đang lên, rất nhiều tư nhân ở huyện đã bỏ tiền đầu tư vào sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, toàn huyện hiện có 13 sân ở các vùng đông dân cư. Tuy nhiên như ông Chí cho biết, bóng đá sân cỏ nhân tạo chủ yếu thu hút thanh niên người Kinh còn với thanh niên dân tộc vẫn là bóng đá sân đất 11 người.  
 
“Chúng tôi đang cố gắng phát huy vai trò của các nhà văn hóa tại cộng đồng trong các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là để phát triển phong trào TDTT” - ông Chí cho biết.
 
Với bóng chuyền phong trào, bên cạnh các đội bóng nam, gần đây Đơn Dương còn chú ý phát triển môn thể thao này trong giới nữ, nhiều xã hiện nay đã có các đội bóng chuyền nữ và huyện hằng năm tổ chức giải bóng chuyền nữ cấp huyện để các đội bóng nữ các xã thi đấu với nhau.
 
Với bóng đá, Trung tâm VHTT huyện hằng năm thường xuyên tổ chức giải vô địch bóng đá 11 người toàn huyện với chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số ở các xã trong vùng sâu tham dự. Trong năm 2015 vừa qua, giải có 9 đội tham dự, đội xã Ka Đơn đoạt chức vô địch. 
 
Để tạo phong trào, Trung tâm đưa các giải bóng đá, bóng chuyền xuống tổ chức tại các xã để mọi người dân cùng đến dự khán. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các nhà văn hóa xã tổ chức thêm các hoạt động TDTT để thu hút cộng đồng đến đây sinh hoạt như các CLB võ thuật, CLB dưỡng sinh… Hiện Đơn Dương có 3 nhà văn hóa có phong trào hoạt động khá tốt, đó là các nhà văn hóa của xã Lạc Xuân, xã Lạc Lâm và xã Ka Đô, trong đó, Nhà văn hóa xã Ka Đô đã thành lập được các CLB sinh hoạt buổi chiều tại đây như CLB Võ thuật, CLB Hip hop và khiêu vũ, CLB Aerobic. 
 
Cái khó cho các nhà văn hóa xã, thị trấn hiện nay chính là kinh phí hoạt động rất ít. Mỗi năm, các xã, thị trấn được cấp khoản kinh phí chừng 20 - 30 triệu đồng cho tất cả các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT trong xã. “Rất khó để cho các nhà văn hóa có thể duy trì các hoạt động đều trong năm vì số tiền này cũng chỉ đủ để tổ chức một vài hoạt động lớn trong các dịp lễ lớn, dịp tết mà thôi, còn trong năm các xã muốn tổ chức hoạt động gì cũng khó vì lấy đâu kinh phí?” - ông Chí phân trần. Cùng đó, theo ông, cán bộ nhà văn hóa cũng là cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, rất nhiều việc ở xã, không thể toàn tâm toàn ý xây dựng phong trào được.
 
Để phát huy vai trò của nhà văn hóa xã tại cộng đồng, khắc phục chuyện thiếu kinh phí hoạt động, lâu nay, Đơn Dương khuyến khích các nhà văn hóa xã ký liên tịch hoạt động với các ngành, các đoàn thể trên địa bàn để tổ chức các hoạt động, trong đó có thể thao ở đây. Điển hình như liên tịch với Đoàn Thanh niên xã để tổ chức các giải thi đấu cho thanh niên; liên tich với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã định kỳ tổ chức giải cho các hội viên của mình ngay tại nhà văn hóa xã. Gần đây, các xã có các tổ chức tôn giáo mạnh như Lạc Lâm đã phối hợp với nhà thờ để tổ chức các giải bóng chuyền, bóng đá thanh niên trong xứ đạo. 
 
Hằng năm, Trung tâm vẫn định kỳ làm việc với UBND các xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch hoạt động cho nhà văn hóa, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ nghiệp vụ khi xã cần để xã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, lưu diễn thông tin lưu động ở cơ sở. 
 
 Cùng đó, theo ông Chí, Trung tâm huyện cũng đang khuyến khích các xã tăng cường việc vận động hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân, từ mọi nguồn tài trợ của cộng đồng theo hình thức xã hội hóa để góp phần đẩy mạnh phong trào, phát triển TDTT trên địa bàn dân cư. “Các cán bộ văn hóa xã, cán bộ nhà văn hóa cũng cần năng động vận động xã hội hóa để tổ chức các giải thể thao với các môn phổ biến trên địa bàn để cùng phát triển phong trào” - ông Chí mong muốn.
 
GIA KHÁNH