Làm gì để đưa thể hình Lâm Đồng trở lại sân chơi quốc gia?

09:05, 26/05/2016

Cần thay đổi cách làm để đưa một bộ môn từng mang rất nhiều huy chương về cho Thể thao Lâm Đồng trở lại với sân chơi quốc gia. 

Cần thay đổi cách làm để đưa một bộ môn từng mang rất nhiều huy chương về cho Thể thao Lâm Đồng trở lại với sân chơi quốc gia. 
 
Trao HC cho các VĐV tại giải TDTH và nữ Fitness các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng 5/2016 vừa qua
Trao HC cho các VĐV tại giải TDTH và nữ Fitness các CLB toàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng 5/2016 vừa qua
Sự tụt dốc nhanh chóng 
 
Biểu hiện rõ nhất của sự tụt dốc nhanh chóng này là số huy chương (HC) từ các giải khu vực và quốc gia được bộ môn Thể dục thể hình (TDTH) mang về cho Thể thao Lâm Đồng trong 3 năm gần đây đang ngày càng ít dần lại.
 
Nếu như những năm trước đây, mỗi năm tổng số tiền thưởng của tỉnh cho vận động viên (VĐV) và huấn luyện viên (HLV) giành được HC từ các giải quốc gia hằng năm của bộ môn này đều rất cao, luôn dẫn đầu so với các bộ môn khác còn lại có năm trên 100 triệu đồng thì nay số tiền thưởng này đang tụt rất nhanh. Trong năm 2014, TDTH Lâm Đồng giành được 25 HC, đến 2015 vừa qua chỉ còn 19 HC, trong đó chỉ có 2 HC vàng (1 HC vàng giành được ở giải Vô địch trẻ toàn quốc và 1 HC Vàng còn lại từ giải Câu lạc bộ toàn quốc). Cần biết rằng trong thời đỉnh cao của mình trước đây, mỗi lẫn tham dự 2 giải này, TDTH Lâm Đồng luôn tạo ra một cơn mưa HC kể cả mưa HC vàng. 
 
Vì đâu TDTH Lâm Đồng tụt dốc nhanh như vậy? “Bởi các VĐV tên tuổi đi gần hết rồi” - HLV trưởng đội tuyển Thể hình Lâm Đồng Cilpame Moses than thở. 
 
Hàng loạt cái tên ra đi được đưa ra. Đây hầu như là những VĐV trụ cột của đội tuyển TDTH Lâm Đồng, từng giành không ít HC từ các giải quốc gia như Cê Pha, từng vào đội tuyển quốc gia, từng giành HC quốc tế, nay đang đầu quân cho Bình Dương. Đó là Hồ Tấn Phát, Lê Trung Chính cũng đang thi đấu cho Bình Dương; là Nguyễn Thanh Tuấn đang đầu quân cho Đồng Nai; còn VĐV Phan Hoàng Triều, một tên tuổi lớn của TDTH Lâm Đồng nay đã “rửa tay gác kiếm” nghỉ tập luyện. 
 
Rất nhiều những VĐV trẻ mới trưởng thành, thành tích khá tốt cũng lần lượt nhấp nhỏm tìm đường ra đi. Hầu hết 18 thành viên trong đội hình đội tuyển TDTH Lâm Đồng hiện nay là lớp trẻ, tuyến 2 mới đẩy lên, còn rất ít kinh nghiệm, rất khó cho họ trong đấu trường quốc gia đầy cạnh tranh như hiện nay. 
 
Trưởng thành từ một VĐV trẻ, từng là thành viên trong đội tuyển tỉnh giành không ít thành tích cho Thể hình Lâm Đồng, nay chịu trách nhiệm huấn luyện cho đội tuyển Thể hình tỉnh nên HLV Cilpame Moses hiểu rất rõ nguyên do vì sao các VĐV bỏ ra đi hầu hết. “Bởi lương và chế độ của Lâm Đồng rất thấp nên họ ra đi” - anh nói.
 
Theo Moses, khi lên đội tuyển, mỗi thành viên tùy theo thành tích đạt được sẽ có một mức lương theo qui định, cộng thêm với tiền tập luyện 150 nghìn đồng/ngày, thứ bảy và chủ nhật không tính. Nhưng dù ở mức A - mức cao nhất hiện nay cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng; trong khi đó, nếu về thi đấu cho Bình Dương, những VĐV có tên tuổi như Cê Pha thì mức lương và hỗ trợ được nhận gấp đôi, gấp ba, tùy theo thành tích thi đấu của từng người.
 
Làm gì để đưa Thể hình Lâm Đồng trở lại sân chơi quốc gia? 
 
TDTH là một bộ môn tập luyện cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Không thể thành công bằng cách đốt ngắn thời gian được. 
 
Bên cạnh các VĐV người Kinh, TDTH Lâm Đồng lâu nay có một thế mạnh là đội ngũ VĐV người dân tộc thiểu số với cơ bắp và thân hình rất đẹp. Trong tập luyện, họ rất chịu khó, kiên trì; nhiều người thành công trên đấu trường quốc gia, điển hình như anh em nhà Moses, như VĐV Cê Pha. 
 
Cùng đó, phong trào TDTH cũng đang phát triển rất mạnh trong tỉnh hiện nay. Hầu như các huyện, thành trong tỉnh đến nay đều có phòng tập thể hình với lượng người tập rất ổn định, cả tỉnh lên đến cả nghìn người. Trong kế hoạch phát triển của mình, Thể thao Lâm Đồng vẫn xác định TDTH là một bộ môn thế mạnh của tỉnh. 
 
Tuy nhiên, như HLV TDTH Trần Phước Toàn - Đà Lạt, giành được HC từ các giải quốc gia hiện nay đã không còn dễ như trước; rất nhiều tỉnh, thành trong nước đang đầu tư rất mạnh cho bộ môn này. Sẽ không còn cái cảnh tập suông rồi đi thi đấu giành huy chương như trước mà nay các VĐV phải đầu tư bỏ thời gian, công sức rất nhiều, đặc biệt là tăng cường thực phẩm dinh dưỡng. Với số tiền hỗ trợ tập luyện quá thấp họ sẽ chẳng đủ để làm gì, chưa nói đến việc mua thực phẩm dinh dưỡng vốn rất mắc tiền. 
 
Để giành thành tích, đưa đội tuyển TDTH trở lại sân chơi quốc gia, điều trước tiên, theo HLV Moses, cần thay đổi việc hỗ trợ hiện nay cho các thành viên đội tuyển TDTH tỉnh. Phải tăng chế độ tập luyện cho đội tuyển, ít nhất theo ông, mọi thứ cộng lại cũng cũng phải được khoảng 8 triệu đồng cho một người thì mới có khả năng đầu tư thêm dinh dưỡng. 
 
Đồng ý với quan điểm này, theo HLV Thể hình Phù Tường Hùng - Di Linh, cũng cho rằng ngành Thể thao Lâm Đồng đã đến lúc cần thay đổi cách làm như lâu nay. Không thể chờ thành tích tự nhiên đến được, trong thể hình không đầu tư thì không thể có thành tích cao. “Theo tôi nghĩ cần có một chế độ hỗ trợ hợp lý cho VĐV, có chính sách ưu đãi để giữ chân những VĐV có thành tích, cần có VĐV kinh nghiệm trong đội hình để tranh chấp HC” - ông nói. Đồng thời theo ông cần chú ý đào tạo tuyến kế cận, tổ chức các giải nữ để khuyến khích giới nữ tập luyện, chú ý đến việc tăng cường dinh dưỡng cho VĐV.
 
Còn theo HLV Trần Phước Toàn, những VĐV đã ra đi rất khó trở về thi đấu lại cho tỉnh nhà, cho nên Lâm Đồng lúc này nên làm lại từ đầu, trước mắt là xây dựng tuyến trẻ. Hằng năm, tỉnh nên duy trì các giải trẻ chứ không nên năm có năm không như thời gian vừa qua, qua giải phát hiện các nhân tố mới đưa vào đội tuyển tỉnh bồi dưỡng thi đấu tại các giải quốc gia. Anh nêu ví dụ, tại phòng tập của mình ở Đà Lạt, anh đã tự mình thử đầu tư cho một số khuôn mặt trẻ tập luyện và tại giải trẻ toàn tỉnh vừa qua họ đã có thành tích khá tốt.
 
VIẾT TRỌNG