Lâu nay thể thao thường được xem như một chiếc cầu nối hữu nghị giữa các cộng đồng người, các dân tộc; nhưng thể thao còn có những góc tối, đó là phương tiện đào sâu các khoảng cách, là cái cớ cho các cuộc ẩu đả xung đột diễn ra. Những gì xảy ra trong các vòng đấu đầu tiên tại Euro 2016 lại là một minh họa cho điều này.
Lâu nay thể thao thường được xem như một chiếc cầu nối hữu nghị giữa các cộng đồng người, các dân tộc; nhưng thể thao còn có những góc tối, đó là phương tiện đào sâu các khoảng cách, là cái cớ cho các cuộc ẩu đả xung đột diễn ra. Những gì xảy ra trong các vòng đấu đầu tiên tại Euro 2016 lại là một minh họa cho điều này.
|
Ngăn chặn một CĐV Nga trong cuộc hỗn chiến với CĐV Anh |
1. Lộn xộn bắt đầu trong trận đấu giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Nga rạng sáng 12/6/2016 vừa qua. Khi trận đấu giữa 2 đội tuyển này vừa kết thúc với tỷ số hòa 1-1 trên sân thì một trận đấu khác lại diễn ra trên khán đài. Cổ động viên (CĐV) Nga đã leo rào tấn công CĐV Anh trên sân vận động, hỗn loạn xảy ra, một số khán giả Anh đã phải vượt rào để chạy trốn. Ống kính của các hãng truyền hình đã đưa những hình ảnh không đẹp này ra khắp thế giới.
Trước đó, đã có một cuộc hỗn chiến nổ ra giữa các CĐV Nga, Anh và một nhóm thanh niên Pháp tại thành phố Marseille. Cảnh sát địa phương phải dùng đến biện pháp mạnh để lập lại trật tự, nhiều CĐV phải nhập viện.
Không chỉ Hooligan Anh và các chú “gấu Nga” đấu nhau sứt đầu mẻ trán, trong ngày sau đó các CĐV 2 đội Đức và Ucraina cũng “đụng độ” nhau tại thành phố Lille ngay trước trận đấu của đội nhà. Nhiều CĐV đã hô vang những khẩu hiệu mang tính kỳ thị chủng tộc, khiêu khích nhau, hậu quả là nhiều người bị thương. Cảnh sát xuất hiện sau đó để ngăn chặn vụ việc leo thang.
Để “giải cứu” cho một Euro mới chỉ bắt đầu, Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA đã ra tay dọa loại Anh và Nga ra khỏi giải đấu, phạt Liên đoàn Bóng đá Nga 150 nghìn euro vì không kiềm chế được sự hung hãn của CĐV nhà, gây rối trật tự công cộng, phân biệt chủng tộc. Pháp cũng đề nghị Anh gửi thêm cảnh sát qua đây hỗ trợ cho các đồng nghiệp Pháp “chăm sóc” CĐV nhà trong những trận đấu có đội Anh sắp đến. Chủ nhà Pháp cũng ra lệnh cấm bán đồ uống có cồn, một xúc tác cho các hooligan tác quái, quanh các khu vực có các trận đấu diễn ra như là một giải pháp tình thế.
2. Là đất nước của quả bóng tròn nhưng Anh cũng khét tiếng thế giới về vấn nạn hooligan của mình. “Hooligan” có thể hiểu là “băng nhóm, côn đồ”, thường gắn liền với các hoạt động thể thao, với các CĐV hiếu chiến, gây hấn, khiêu khích đối thủ và khi cần là lao vào hỗn chiến trước trong và sau khi trận đấu diễn ra.
Nạn hooligan tại Anh đã được ghi nhận từ thế kỷ 14, vua Edward II từng cấm các trận đấu bóng đá vì lo sợ những trận hỗn chiến của các CĐV lan ra làm bất ổn xã hội. Năm 1885, sau trận thắng 5-0 của Preston North End trước Aston Villa trong một trận đấu giao hữu, CĐV ủng hộ đội nhà của 2 đội này đã lao vào nhau với gạch đá, gậy gộc, một cầu thủ của Preston North End bị đánh bất tỉnh ngay tại chỗ. CĐV Preston năm sau đó tiếp tục hỗn chiến với CĐVcủa đội Queen Park tại một nhà ga xe lửa và đây là lần đầu tiên một cuộc ẩu đả của 2 nhóm CĐV 2 đội bóng xảy ra ngoài phạm vi sân bóng. Cho đến những năm 1960, hooligan Anh nâng lên mức toàn cầu, rất nhiều đội bóng ở Anh đều có những nhóm CĐV cuồng. Tại Anh thời điểm này còn nổi lên tệ phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ da đen chơi trong đội, họ được nhại là “khỉ”.
Năm 1985, hooligan Anh đã gây ra một vụ tồi tệ ở châu Âu. Trong trận chung kết Cúp Vô địch châu Âu giữa Liverpool và Juventus trên sân vận động quốc gia Heysel của Bỉ, CĐV của Anh đã gây nên tình trạng hỗn loạn trên khán đài, khán giả bỏ chạy làm sập khán đài, 39 người chết, khoảng 600 người bị thương. Hậu quả, các CLB Anh bị cấm tham dự giải châu Âu trong 5 năm, trong đó, Liverpool bị cấm 6 năm. Vụ tai tiếng này đã buộc Anh sau đó phải xem lại nạn hooligan trên nước mình, triển khai nhiều biện pháp kiểm soát tận gốc.
Không chỉ ở Anh, hooligan còn xảy ra trên khắp thế giới, trong rất nhiều loại hình thể thao, từ bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ. Tại Pháp, khét tiếng nhất là các nhóm hooligan của đội Paris Saint - Germain (PSG), từng đụng độ rất nhiều lần với CĐV của đội miền nam Pháp là Olympique de Marseille, gây ra các cuộc hỗn chiến với các CĐV ở nước ngoài, điển hình như vụ đánh nhau với CĐV của đội Gatalasaray của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2001 khiến đội nhà và cả đội khách đều bị phạt tiền. Năm 2006, một vụ đụng độ khác của CĐV PSG với cảnh sát trong trận đấu của đội này với Hapoel Tel Aviv của Israel.
Tại Đức, các băng nhóm hooligan được cho là có mối liên hệ với phe cánh cực hữu và dân tộc cực đoan. Tháng 3/2005, hooligan Đức đã tấn công cảnh sát và CĐV của đội khách trong một trận giao hữu với đội Slovenia tại Celje, Slovenia, đập phá các cửa hiệu, trương lên các khẩu hiệu phân biệt chủng tộc. Cảnh sát đã bắt 52 người sau đó, trong đó có 40 người Đức, 12 người Slovenia. Tháng 6/ 2006, tại vòng chung kết World Cup, một cuộc xung đột đã xảy ra trong trận Đức gặp Ba Lan tại Dortmund, cảnh sát đã bắt 300 người trong đó có 120 người được xác định là hooligan “thứ thiệt”.
Tại Nga, các cuộc hỗn chiến vẫn thường xảy ra khi các đội bóng thi đấu với nhau nhưng đây là lần đầu tiên hooligan Nga đã tự nâng tầm mình lên cấp độ “thế giới”.
3. Nhiều giải pháp được các quốc gia đưa ra nhằm trấn áp các băng nhóm hooligan, chẳng hạn cấm các CĐV mang đến sân những thứ có thể làm vũ khí tấn công các CĐV đội bạn; cấm các CĐV hung hăng đến sân; xắp xếp khán đài thành các khu vực riêng cho từng nhóm CĐV; lập các hàng rào ngăn cách các khu vực với nhau, ngăn cách giữa khán giả với sân; không cho phép ra nước ngoài cổ động cho đội tuyển quốc gia…
Thể thao được tạo ra để các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc xích lại gần nhau nhưng thể thao đôi lúc cũng chính là cái cớ để đào sâu thêm các khoảng cách vốn đã mênh mông giữa các quốc gia với nhau. Liệu có ngăn chặn được vấn nạn hooligan hay không luôn là một câu hỏi cho bất cứ quốc gia nào khi đứng ra đăng cai các giải đấu quốc tế.
GIA KHÁNH