Không ai có thể ngờ một đội bóng tí hon như đội tuyển quốc gia Iceland lại có thể hạ gục gã khổng lồ Anh để lọt vào vòng 1/8.
Không ai có thể ngờ một đội bóng tí hon như đội tuyển quốc gia Iceland lại có thể hạ gục gã khổng lồ Anh để lọt vào vòng 1/8.
|
Đội tuyển Iceland |
1- Buổi sáng khi trận đấu Anh - Iceland đã có kết quả 2-1 nghiêng về Iceland, tôi gõ vào Google thử tìm hiểu thêm về đảo quốc - Băng đảo này.
Nằm ở châu Âu, giáp vòng Cực Bắc nên quốc gia này đúng như tên gọi “Băng đảo” luôn buốt giá quanh năm. Đó là một quốc gia thưa người bậc nhất thế giới (lạnh quá ít người muốn đến ở) với tổng dân số chỉ khoảng 330 nghìn người (hơn Đà Lạt một chút), mật độ dân số trên 3,1 người/km2, thủ đô là Reykjavik. Khoảng trên 92,6% dân số là người Iceland, trên 3,3 % là người Ba Lan, còn lại là các dân tộc khác.
Đảo quốc này được một thuyền trưởng Na Uy tìm ra năm 874, sau đó được nhiều người Na Uy và người Celtic đến đây định cư. Từ 1262 đến tận 1944, đảo quốc này là một phần của Na Uy và Đan Mạch, từng bước giành được độc lập và trở thành một nước cộng hòa.
Đất lạnh, người thưa nhưng từ khi độc lập Băng đảo đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, đây là một quốc gia có thu nhập tính trên đầu người rất cao tại châu Âu cũng như trên thế giới (thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên 44,5 nghìn USD, đứng thứ 23 trên thế giới), có hệ thống phúc lợi xã hội theo kiểu Bắc Âu cực tốt, trong đó có cả việc nhà nước bao cấp cho mọi người dân trong học đại học.
Đặc biệt, nằm ở xứ lạnh nhưng Iceland có một ưu thế để phát triển du lịch nhờ cảnh quan độc đáo của mình. Do nằm trong vành đai núi lửa Đại Tây Dương nên trên Bảng đảo có rất nhiều núi lửa, suối nước nóng và nguồn địa nhiệt khổng lồ. Cùng với ngành tài chính, du lịch chính là thế mạnh của Iceland, hằng năm thu hút đông đảo du khách châu Âu và quốc tế đến đây. Bộ phim đình đám “Trò chơi vương quyền” của Mỹ đang chiếu hiện nay tại Việt Nam cũng lấy bối cảnh hùng vĩ của đất nước này.
Với bóng đá, mặc dù đây là một môn chơi phổ thông, được ưa chuộng hàng đầu ở xứ này và họ cũng có một giải đấu bóng đá thành lập từ năm 1912, hiện nay đã phân thành các hạng từ hạng nhất đến hạng 4 nhưng trừ vài CLB hạng đầu, hầu hết đều ở dạng nghiệp dư. Có khoảng 20 nghìn người ghi tên vào các CLB bóng đá hiện nay, cả nam lẫn nữ; cầu thủ nổi danh nhất đảo quốc này là Gurjohnsen, từng giành vô địch Ngoại hạng Anh với Chelsea. Trong lịch sử của mình, quốc gia này đã có 2 lần lọt vào Euro nhưng là với đội nữ trong năm 2009 và 2013, và phải đến Euro 2016, khi UEFA mở rộng cửa cho Euro, lần đầu tiên đội bóng đá nam quốc gia mới lọt được vào vòng chung kết.
2- Nước Anh những ngày này bối rối lắm. Kết quả của vụ trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Cộng đồng chung châu Âu (EU) - Brexit đang như một cú đấm mạnh vào nền kinh tế đất nước này. Nhiều người Anh vui mừng vì không còn phải dang tay gánh rất nhiều vấn đề nan giải cho châu Âu trong khi không ít người, đặc biệt là lớp trẻ lại hối tiếc cho những mất mát vì sự ra đi này. Và đùng một cái, đội bóng đá Anh yêu quí của họ lại bị thua trước một đội nhóc tì như Iceland.
Trước khi vòng chung kết Euro 2016 diễn ra, đội tuyển Anh với các khuôn mặt trẻ cùng chuỗi trận ấn tượng đang lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ xứ sở sương mù lẫn người yêu bóng đá Anh trên khắp thế giới. So với nhiều đội bóng mạnh khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… tuyển Anh không được đánh giá cao bằng, cơ hội họ vô địch cũng khó, nhưng cho dù với người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không ai có thể tin rằng họ lại bị bại trận trước một đội bóng nhỏ như Iceland.
Làm sao có thể tin được khi một đất nước là quê hương của bóng đá, có một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh; nơi hội tụ của rất nhiều, nếu không nói là tất cả, các HLV tên tuổi hàng đầu thế giới hiện nay; nơi thu hút không biết bao cầu thủ ngôi sao đến đầu quân, một đội tuyển với các chân sút hàng đầu Ngoại hạng Anh như Harry Kane, Jamie Vardy lại không ghi lấy nổi một bàn vào đội bóng mà nhiều người trong đó đang chơi nghiệp dư? Làm sao một đội bóng mà giá trị từng cầu thủ cao ngút trời không thắng được một đội bóng hầu như vô danh trong làng túc cầu thế giới?. Đội Anh có thể thua Đức, thua Tây Ban Nha, thua chủ nhà Pháp… nghĩa là có thể thua những kẻ xứng tầm, còn đây là thua cay đắng một đội tí hon, thật khó mà nuốt trôi được “cục nợ” này dù bao nhiêu năm trôi qua đi nữa.
3- Nhưng nếu ai xem trận đấu đó sẽ thấy rằng Anh thua không chỉ vì Iceland mạnh mà thua vì chính họ. Họ dẫn bàn từ sớm, sơ sẩy bị đối phương ghi lại 2 bàn liền trong đầu hiệp 1, đáng lẽ họ phải đẩy nhanh tốc độ sau đó vây ép đối thủ để gỡ bàn thì họ cứ đủng đỉnh, chậm rãi như là họ đang dẫn bàn. Họ có cả một thời gian mênh mông cho một hiệp 2 để thay đổi mọi thứ nhưng rồi không có gì thay đổi đáng kể. Ngay cả bàn thắng thứ hai của Iceland lỗi về thủ môn bất cẩn đã đành nhưng trước đó cả 3 cầu thủ Anh đứng trước cầu môn làm gì khi không đủ độ quyết liệt để ngăn cản cầu thủ đối thủ ghi bàn?
Trong khi đó, hãy nhìn tinh thần thi đấu của đội bóng Iceland. Họ không có danh thủ, không có ngôi sao trong đội hình nhưng cả đội chính là ngôi sao lớn nhất. Họ chơi với tinh thần lăn xả, quyết liệt, đơn giản, đầy khôn ngoan, công thủ hợp lý. Họ biết yếu nên kéo cả đội về trước cầu môn, nhưng mỗi khi lên bóng cực kỳ nhanh và nguy hiểm.
Và thật tuyệt cổ động viên Iceland. Hãy coi cách họ cổ động cho đội nhà, đứng cả trên khán đài suốt trận, hai tay vươn cao, vỗ tay theo nhịp, họ cổ động bóng đá như tín đồ hành lễ, như cầu nguyện từng bước chạy cho cầu thủ đội nhà. Khi thắng trận, các cầu thủ cũng quay lại chào lại khán giả như vậy. Bóng đá với những cung bậc cảm xúc là đây.
Sẽ cực khó cho Iceland trong trận gặp chủ nhà Pháp vào thứ tư (ngày 4/7) sắp đến và cho cả đội bóng nhỏ xứ Wales khi gặp Bỉ trước đó. Nhưng Wales còn có 2 danh thủ Ramsey và Bale để xoay chuyển cục diện khi cần; còn Iceland tí hon chỉ mỗi mình họ chống lại nước Pháp. Nhưng như vẫn thường nói, khi trái bóng còn lăn thì vẫn còn mơ mộng; đời đâu biết được chữ ngờ. Hãy xem, ở Anh, Leicester, một đội bóng nhỏ một mình “chống lại với cả thế giới” còn vô địch Ngoại hạng được thì cớ sao các đội bóng nhỏ như Iceland lại phải ngán các đại gia nhỉ?
VIẾT TRỌNG