Những gia đình yêu thể thao

09:07, 21/07/2016

Một cuộc hội ngộ thú vị của những gia đình yêu thể thao đã diễn ra tại Liên hoan Gia đình Thể thao toàn tỉnh 2016. Liên hoan do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam cuối tháng 6/2016 vừa qua. 

Một cuộc hội ngộ thú vị của những gia đình yêu thể thao đã diễn ra tại Liên hoan Gia đình Thể thao toàn tỉnh 2016. Liên hoan do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam cuối tháng 6/2016 vừa qua. 
 
Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Thơ
Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Thơ
Làm vườn cũng cần chơi thể thao
 
Đây là chia sẻ của đôi vợ chồng ông Đinh Văn Minh (52 tuổi) và bà Phạm Thị Hòa (49 tuổi), người ở thôn Mỹ Hòa, xã Tân Văn, Lâm Hà.
 
Là nhà vườn thứ thiệt, canh tác vài ha cà phê, ông Minh cho biết, trước đây cả ngày cứ cặm cụi với vườn. Năm 2002, cả thôn Mỹ Hòa của ông bỗng nhiên rộ lên phong trào chơi cầu lông, ông thấy vui vui cũng thử chơi. Chơi thể thao thấy khỏe lên nhiều, đâm mê, thế là về nhà ông vận động cả vợ và 4 đứa con cùng chơi. Sân cầu lông trong thôn cho đến nay vẫn là sân đất, chỗ nào có đất trống làm sân được thì làm sân chơi. Mà không chỉ thôn ông, các thôn bên cạnh trong xã đều chơi cầu lông. Sau khi nhà thi đấu có mái che của huyện tại thị trấn Đinh Văn khánh thành với sân cầu lông trong nhà, cứ chiều tối là vợ chồng ông cùng nhiều người trong Tân Văn cùng ra đây để chơi.  
 
Cầu lông, theo ông Minh, hiện phát triển rất mạnh ở Lâm Hà nhưng ở xã Tân Văn của ông là mạnh nhất. Cả xã ông có trên 30 cặp vợ chồng cùng chơi cầu lông, hằng năm các gia đình tự nguyện góp tiền để tổ chức giải cấp huyện, vợ chồng ông năm nào thi đấu cũng có huy chương giải huyện. Riêng đứa con út của ông - Đinh Trường An, được ông đưa đi chơi cầu lông từ nhỏ đến nay đã quyết định gắn bó với thể thao, là thành viên của đội tuyển cầu lông trẻ Lâm Đồng. Năm 2014, ông cùng cậu con trai này đi dự giải cầu lông gia đình toàn quốc ở Đăk Lăk, giành được Huy chương Bạc nội dung bố - con. 
 
Còn theo bà Hòa, vợ ông Minh: “Ngày trước chỉ đi làm rồi về nhà, quanh quẩn việc nhà, nay khi tham gia thể thao rất vui. CLB cầu lông của huyện tổ chức các đợt giao lưu với các CLB các huyện khác như Đức Trọng, Di Linh, Đà Lạt… thường xuyên đi đây đí đó”. 
 
Cả nhà cùng đi thi đấu
 
Đó là gia đình của ông Kiều Đình Ngữ (52 tuổi), người ở thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương. Cả nhà c4 thành viên gồm ông, vợ ông, bà Phạm Thị Phục (50 tuổi),  2 cậu con trai Kiều Quang Duy (26 tuổi) và Kiều Duy Quang (19 tuổi) đều đăng ký thi đấu tại Liên hoan này. 
 
Là giáo viên, Hiệu trưởng trường Dân tộc Nội trú Đơn Dương, ông Ngữ cho biết đã chơi thể thao chừng khoảng… 30 năm. Người cao ráo, tay vươn dài, ông chơi bóng chuyền từ ngày còn đi học, là cầu đập tay trái chủ lực của Phòng Giáo dục Đơn Dương, từng giành nhiều huy chương trong hội thao ngành GD tỉnh, trong đó có cả Huy chương Vàng. Gần đây, ông mới chuyển sang chơi bóng bàn và cả cầu lông. 
 
Tình yêu thể thao của ông Ngữ đã lan sang cả nhà, 2 con trai ông cũng biết chơi bóng chuyền, bóng đá từ nhỏ, gần đây chơi bóng bàn cùng ông. Cả vợ ông dù bận rộn mua bán ở chợ Thạnh Mỹ nhưng cũng thu xếp buổi tối mỗi ngày đi chơi bóng bàn với nhà, mỗi ngày từ 2 - 3 tiếng. Các thành viên trong gia đình ông đến nay đã giành được khá nhiều huy chương từ các giải thể thao của huyện, đặc biệt là trong môn bóng bàn. Cậu con trai thứ của ông đang học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh mùa hè này về cùng cả gia đình thi đấu tại Liên hoan.
 
Thể dục thể thao, theo ông Ngữ, luôn là một điều quan trọng trong cuộc sống của ông. Ông nói không thể hình dung cuộc sống của ông sẽ ra sao nếu thiếu thể thao. Ông vui vì đã vận động được cả nhà cùng tập thể thao với mình; thể thao không chỉ để rèn luyện thân thể cường tráng, sảng khoái tinh thần mà theo ông, còn làm cho con người năng động, giải tỏa căng thẳng, áp lực công việc thường nhật. Chính vì vậy, trong trường học bên cạnh nhắc nhở học sinh học tập ông còn cố gắng tạo ra các sân chơi thể dục thể thao để học sinh cùng chơi.      
 
67 tuổi còn thi đấu thể thao
 
Đó là cụ bà Nguyễn Thị Thơ, người ở thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông, Đam Rông. Bà là thành viên của một gia đình có 3 thế hệ cùng thi đấu tại Liên hoan, gồm bà, con trai bà là anh Cao Xuân Thái, 38 tuổi - Hiệu trưởng Trường THPT Đạ Tông; con dâu là Lê Thị Kiều Thư, 38 tuổi, giáo viên Trường THCS Liên Trang và 2 cháu nội là Cao Ngân Hà, 13 tuổi và Cao Nhật Minh, 10 tuổi, học sinh. 
 
Gia đình 3 thế hệ này đã đăng ký thi đấu tất cả 4 nội dung của Liên hoan gồm đi bộ tiếp sức và nhảy bao bố cả nhà; cầu lông (cặp đôi bố con, mẹ con, vợ chồng), bóng bàn (mẹ con, vợ chồng). Đây là lần đầu tiên gia đình bà thi đấu ở giải thể thao cấp tỉnh, còn trước đó cả nhà đã tham dự giải gia đình thể thao của huyện Đam Rông. 
 
Theo cụ Thơ, đi bộ thì đâu gì khó “Thì cũng như đi bộ thường ngày thôi, đi hơi nhanh hơn thôi. Cả đời tôi đâu biết đi xe” - cụ nói. Quê Nghệ An, bà theo con trai vào đây sinh sống, hằng ngày có việc gì vẫn đi bộ, chính vì vậy, bà vẫn còn rất mạnh khỏe. “Tôi thi để động viên con cháu là chính” - bà cười.
 
Theo anh Thái, con bà, anh chơi thể thao từ ngày còn ở trường đại học, chơi bóng đá và bóng chuyền, khi vào Đam Rông dạy học anh chơi thêm môn bóng bàn và cầu lông. Bóng bàn phát triển khá mạnh ở các trường học tại Đạ Tông, sau đó lan ra trong dân, ở xã Đạ Tông nhiều người dân góp tiền mua bàn bóng bàn về chơi và hiện nay Đạ Tông là địa phương mạnh nhất về bóng bàn tại huyện vùng sâu Đam Rông. Từ anh, thể thao đã lan sang cả nhà, vợ và 2 con anh cũng tập chơi bóng bàn, cầu lông. 
 
Theo anh Thái, Trường THPT Đạ Tông nơi anh là hiệu trưởng có phong trào thể thao cũng rất mạnh, trường có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn cho học sinh chơi và phục vụ cho cả người dân trong xã Đạ Tông.
 
VIẾT TRỌNG