Song song với giải bóng đá vô địch châu Âu (Euro 2016) đang đi đến hồi kết, cuối tuần này sẽ có các trận chung kết hấp dẫn của giải Quần vợt Wimbledon - nơi người Anh đang cố gìn giữ "truyền thống" của mình cho giải thể thao Grand Slam trên 100 tuổi này.
Song song với giải bóng đá vô địch châu Âu (Euro 2016) đang đi đến hồi kết, cuối tuần này sẽ có các trận chung kết hấp dẫn của giải Quần vợt Wimbledon - nơi người Anh đang cố gìn giữ “truyền thống” của mình cho giải thể thao Grand Slam trên 100 tuổi này.
|
Một trong 2 con chim ưng tuần hành xua chim đi tại Wimbledon |
Phớt tỉnh như người Anh
Như thông lên, Wimbledon - 1 trong 4 giải Grand Slam danh giá của làng quần vợt thế giới đã bắt đầu từ ngày 27/6 và sẽ kết thúc trong ngày 10/7, chủ nhật cuối tuần này. Bất chấp sự vụ nước Anh rời EU (Brexit) với hậu quả kinh tế đang chao đảo, người Anh và khán giả khắp nơi trên thế giới vẫn lũ lượt đến sân trong những ngày này để xem các tay vợt hàng đầu thế giới trình diễn các trận đánh đỉnh cao. Quần vợt cho đến nay vẫn là một môn hấp dẫn người xem, chỉ sau bóng đá dù giá vé vào sân cực đắt.
Là một giải đấu lâu đời và uy tín nhất trong làng quần vợt thế giới (bắt đầu từ 1877), Wimbledon đến nay đã có 130 năm tuổi và đây là lần thứ 49 giải được tổ chức trong kỷ nguyên mở rộng. Giải được tổ chức tại Luân Đôn - Anh, tổng giải thưởng của năm nay là trên 28 triệu bảng, trong đó tay vợt vô địch đơn nam và đơn nữ cùng nhận được 2 triệu bảng Anh, người thua cuộc trong trận chung kết nhận được 1 nửa số này, ngoài ra còn có giải cho vô địch cặp đôi (350 nghìn bảng Anh), giải thưởng cho đơn và đôi người khuyết tật (chơi trên xe lăn) và giải cho đôi khách mời.
Điểm đặc biệt trong khi các giải Grand Slam khác đã đổi mới theo thời thế như Roland Garros - Pháp, đấu trên sân đất nện, giải Úc mở rộng cùng giải Mỹ mở rộng đấu trân mặt sân cứng thì người Anh vẫn tổ chức các trận đấu trên mặt sân cỏ như truyền thống của giải lâu nay. Tất cả 19 sân tại Wimbledon đều là sân cỏ tự nhiên. Thi đấu trên mặt sân này rất thử thách, bóng đi nhanh, nảy thấp và không đều, tùy theo nơi có cỏ dày hay thưa nên nhiều tay vợt vốn quen với mặt sân cứng sẽ rất khó khăn để xoay xở.
Một điểm khác để nói lên tính bảo thủ của giải đấu này chính là trang phục. Trong khi các giải đấu khác các đấu thủ có thể chọn màu trang phục theo cách của mình thì ở đây chỉ độc có 2 màu, màu xanh lá cây đậm hoặc màu tía cho trọng tài và bộ phân điều hành giải và màu trắng cho VĐV.
Một điểm vui nữa là tất cả các sân ở đây đều là sân không có mái che, khán giả đến đây có thể thưởng thức các trận đấu cùng với nắng ấm mùa hè. Tuy nhiên, mùa hè ở London thường mưa khiến các trận đấu thường bị hoãn. Ngần ngừ mãi, đến 2009, Ban tổ chức Wimbledon mới quyết định làm mái che cho sân Trung tâm (Centre Court), nơi các trận chung kết diễn ra.
Có điều lạ là trong bóng đá, người Anh đang làm rất tốt, thay đổi mọi thứ rất nhanh để làm cho Ngoại hạng Anh hấp dẫn nhất thế giới thì trong quần vợt hoàn toàn khác. Với Wimbledon, mặc cho ai nói gì, người Anh cứ “truyền thống” mà tuân thủ, ai có gọi họ “bảo thủ” họ cũng cứ phớt tỉnh Ăng lê” làm theo cách của mình và đây chính là điểm độc đáo của Wimbledon.
Để duy trì được mặt cỏ
Để duy trì được các mặt cỏ trên sân cho các trận đấu quần vợt diễn ra tại đây là điều không dễ chút nào; người Anh phải mất rất nhiều công sức trong cả năm để có một Grand Slam hoàn hảo ở đây.
Theo tờ Daily Mail - Anh, mỗi năm sau khi Wimbledon kết thúc, tất cả các mặt sân tại đây được cắt trụi cỏ, cày xới làm lại từ đầu để chuẩn bị cho mùa giải đến. Có riêng một đội chuyên gia để làm việc này, họ cắt cỏ đến sát mặt đất nhằm loại bỏ tất cả các cây cỏ yếu cùng cỏ dại trên mặt sân, cào đất mặt sân đi, thay thế bằng 6 tấn đất mới có trộn lẫn phân bón và chất dinh dưỡng cần thiết và bắt đầu trồng lại cỏ.
Nhờ đất mới, cỏ mới trồng phát triển nhanh. Trong mùa đông, mặt cỏ được xén xuống còn 13 mm, đến thảng 3 cỏ được xén xuống thấp hơn một chút, đến tháng 5 chỉ còn cao 8 mm, đây chính là độ cao của cỏ cho thi đấu. Trước khi giải diễn ra cỏ được xén mỗi tuần 3 lần, khi giải bắt đầu mỗi ngày cỏ được xén một lần.
Với yêu cầu đặt ra là phải dai và có sức chịu đựng, cỏ trồng ở các mặt sân Wimbledon không phải là các loại cỏ bình thường mà được tuyển chọn và kiểm tra rất kỹ. Để đảm bảo độ bền cho mặt cỏ, hầu hết các sân ở đây được trồng xen cả 3 loại cỏ; cỏ dại trên sân được phát hiện và loại bỏ bằng một thiết bị hiện đại. Nhiều sân bóng đá tại Anh cũng trồng cùng loại cỏ với các sân quần vợt này.
Một vấn nạn cho các chuyên gia chăm sóc sân chính là sự quấy phá của lũ cáo. Quanh Wimbledon cáo rất nhiều, chúng tràn vào sân ban đêm kiếm ăn, nước tiểu của chúng trên sân làm cỏ úa vàng. Giải pháp đua ra; lắp hàng rào điện chống cáo quanh các sân trong nhiều tuần trước khi giải diễn ra, ban đêm cho thêm chó tuần tiểu để xua cáo đi.
Một “vấn nạn” khác “đe dọa” màu xanh của sân cỏ nơi đây đến từ lũ chim trời, đặc biệt là chim bồ câu có rất nhiều trong vùng. Chúng ùa đến đây kiếm ăn, phân chim làm cỏ cháy, chúng mổ bớt cỏ làm cỏ thưa. Để đuổi lũ chịm đi, Ban tổ chức nhiều năm nay nhờ đến 2 uy lực của con chim ưng, một con tên là Rufus và con khác tên Pollux trong đó Rufus đã phục vụ được 9 năm còn Pollux mới “làm việc” trong năm nay. Nhiệm vụ của chúng là bay tuần hành trên cao từ 5 giờ sáng đến 9 giờ sáng để xua chim đi.
Để tránh mưa là ướt sân cỏ, làm trơn trượt VĐV và ảnh hưởng đến độ nảy của bóng, Ban tổ chức còn có các tấm che cho các sân, khi có mưa, các trận đấu bị hoãn, các tấm che này nhanh chóng kéo ra phủ lại mặt sân.
VIẾT TRỌNG