Cứ vào dịp diễn ra các giải đấu thể thao lớn, đặc biệt là các giải cấp quốc tế hay Thế vận hội thì câu chuyện về doping (chất kích thích) lại rộ lên. Rio 2016 năm nay cũng thế.
Cứ vào dịp diễn ra các giải đấu thể thao lớn, đặc biệt là các giải cấp quốc tế hay Thế vận hội thì câu chuyện về doping (chất kích thích) lại rộ lên. Rio 2016 năm nay cũng thế.
Doping là gì?
Theo định nghĩa của Ủy ban Olympic châu Âu (EOC), doping là việc sử dụng những chất và những phương pháp nhằm làm tăng một cách nhân tạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên.
Còn doping, theo Ủy ban Olympic Mỹ (USOC), đó là việc một vận động viên thi đấu uống hay dùng bất cứ chất gì lạ đối với cơ thể với ý định làm tăng một cách giả tạo và không trung thực thành tích thi đấu của vận động viên.
Có thể nói một cách khái quát, doping là những chất cấm hay những phương pháp bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao, do đó nếu sử dụng sẽ coi như là hành động làm tăng thành tích thi đấu một cách gian lận.
Chính vì vậy chuyện kiểm tra doping luôn được đặt lên hàng đầu trong các giải đấu thể thao lớn, tất cả nhằm một mục tiêu chống lại gian lận trong thể thao. Điều gì sẽ xảy ra khi sự gian lận này không kiểm soát được? Hậu quả trước nhất là làm xói mòn niềm tin của tất cả các VĐV vào sự công bằng, về lâu dài nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của các giải đấu thể thao, đánh mất đi những giá trị cao cả mà con người xây dựng được trong hằng nghìn năm nay.
Theo những nhà chuyên môn, việc các VĐV sử dụng doping hay các chất cấm còn dẫn đến những tác dụng phụ, gây tác hại về sức khỏe lâu dài, thậm chí là mất mạng như chơi. Dù là doping dạng nào, từ doping tăng cường hồng cầu, doping tăng cường cơ bắp hay doping thần kinh kích thích tinh thần, chúng đều có tác hại như nhau. Việc sử dụng lâu dài theo các nhà dược lý học sẽ làm người sử dụng nghiện thuốc, trầm cảm, tổn thương các cơ quan trong cơ thể, suy tim và có thể dẫn đến đột tử.
Cuộc chiến vì thành tích
Dù biết rất rõ điều này nhưng tại sao các VĐV vẫn dùng, thậm chí là có những quốc gia có sẵn các chuyên gia riêng để “tư vấn” cho VĐV của nước mình sử dụng một cách có hệ thống? Tất cả là vì căn bệnh thành tích.
Với từng VĐV, chiến thắng đã nói lên tất cả. Như một bài hát của ban nhạc vang danh một thời ABBA, “The winner takes it all” dịch nghĩa một cách nôm na là “người chiến thắng sẽ giành lấy tất cả mọi thứ”, họ sẽ giành được từ vinh quang, giải thưởng, tiền bạc, mọi thứ đi theo, vậy thì cớ gì họ không cố “chịu đấm ăn xôi” dù đó được coi là một hành vi phi đạo đức, gian lận.
Ở bình diện quốc gia, thể thao lâu nay luôn là chỗ cho nhiều nước phô diễn nhằm chứng tỏ sức mạnh, sự ưu việt của mình. Để làm cho VĐV của mình nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn, xa hơn, hơn hẳn mọi đối thủ, họ tìm mọi cách và bằng mọi giá, kể cả hành vi phi đạo đức là dùng doping một cách có hệ thống bất chấp hậu quả.
Nga gần đây với các vụ “scandal” về doping là một điển hình cho điều này. Nước Nga hiện nay, Liên Xô trước đây vốn là một cường quốc về thể thao, luôn có mặt trong tốp dẫn đầu tổng sắp huy chương tại các kỳ Thế vận hội. Thế nhưng những sự cố gần đây liên quan đến chất cấm đã làm sụt giảm uy tín nghiêm trọng của quốc gia này trên đấu trường thể thao thế giới.
Mặc dù các quan chức Nga một mực cho rằng đây là một “âm mưu chính trị thô thiển” của phương Tây nhằm hạ uy tín nước Nga nhưng những chứng cứ đưa ra đầy thuyết phục đã khiến rất nhiều VĐV Nga mất quyền thi đấu tại Rio 2016 vì liên quan đến doping, bắt đầu từ môn điền kinh, sau đó đến cử tạ và xe đạp. Các cuộc điều tra trước đó cho biết rất nhiều quan chức trong ngành thể thao đã cùng tiếp tay cho việc sử dụng doping có hệ thống trong một thời gian dài.
Nhưng bê bối doping của Nga không ngừng ở đây. Dẫu sao thì Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn cho phép một bộ phận VĐV Nga thi đấu tại Rio 2016 lần này, nhưng đến kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) trong tháng 9 sắp đến cũng tại Rio de Janeiro - Brazil, (dự kiến Nga sẽ cử khoảng 260 VĐV khuyết tật sang thi đấu 18 môn thể thao tại đây), Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) đã mạnh tay cấm cửa hoàn toàn các VĐV khuyết tật Nga vì liên quan đến doping. Chủ tịch IOC Philip Craven đã thẳng thừng trong đầu tháng 8/2016 này: “Hệ thống chống doping ở Nga đã sụp đổ hoàn toàn, vì vậy Ủy ban Paralympic Nga bị đình chỉ tư cách thành viên, theo quyết định có hiệu lực ngay lập tức”.
Cần biết rằng Nga cũng rất mạnh trong Paralympic. Tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật ở London - Anh năm 2012 nước này đứng thứ nhì toàn đoàn với 102 huy chương, trong đó có 36 Huy chương Vàng.
Nhưng không chỉ có Nga, rất nhiều quốc gia khác cũng vướng vào những cáo buộc tương tự, Trung Quốc là một ví dụ. Chẳng hạn như trong môn bơi, tại Thế vận hội London cách đây 4 năm, nước này đã làm cho thế giới kinh ngạc khi giành đến 5 Huy chương Vàng, phá kỷ lục thế giới, nhưng đến Rio 2016 lần này họ đang dần mất hút. Rất nhiều nghi ngờ cho rằng quốc gia đông dân này đang cố tình sử dụng doping một cách tinh vi để giành thành tích. Một VĐV hàng đầu của họ trong môn bơi là Sun Yang, từng bị phát hiện liên quan đến doping, nhưng chỉ bị cấm thi đấu 3 tháng mập mờ trong nước là xong, với sự bao che để rồi đủ điều kiện thi đấu, làm mưa làm gió ở Đại hội Thể thao châu Á sau đó. Tại Rio 2016, VĐV người Trung Quốc này luôn lẩn tránh các câu hỏi của giới truyền thông về chuyện doping, rất nhiều VĐV các quốc gia khác khi gặp mặt VĐV này đã tỏ thái độ “không đáng để chào hỏi.” vì đó là tay bơi sử dụng doping. Đây là một thái độ rất rõ ràng của thế giới văn minh để lên án mạnh mẽ hành vi phi thể thao này.
GIA KHÁNH