Các nước Đông Nam Á đã trải qua kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử khi giành 5 HCV, 10 HCB, 3 HCĐ. Việt Nam và Singapore là 2 trong số 9 quốc gia lần đầu tiên có HCV Olympic.
Các nước Đông Nam Á đã trải qua kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử khi giành 5 HCV, 10 HCB, 3 HCĐ. Việt Nam và Singapore là 2 trong số 9 quốc gia lần đầu tiên có HCV Olympic.
|
Hoàng Xuân Vinh được tiếp đón long trọng khi trở về nước với việc đoạt 1 HCV, 1 HCB Olympic. Ảnh: Tiến Tuấn |
Trước đây, thành tích tốt nhất của khu vực là tại Olympic Athens 2004 khi đoạt được 4 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ. Còn cách đây 4 năm tại London, các VĐV của Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore chỉ có 4 HCB và 6 HCĐ – lần đầu tiên kể từ Olympic Seoul 1988 không đoạt bất cứ HCV nào.
Trước Rio 2016, chỉ có 2 quốc gia trong khu vực có tên trong bảng vàng Olympic. Nhưng kết thúc những ngày tranh tài trên đất Brazil, con số này đã tăng lên gấp đôi. Hoàng Xuân Vinh trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCV Olympic ở môn bắn súng nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Thậm chí đây là tấm HCV đầu tiên của Đông Nam Á ở môn thể thao lâu đời này. Thành tích của anh càng được tô đậm khi đoạt thêm 1 HCB 50 m súng ngắn bắn chậm.
Singapore hân hoan với tấm HCV đầu tiên của Joseph Schooling ở môn bơi. Anh xuất sắc vượt qua Michael Phelps, lập nên kỷ lục Olympic ở nội dung 100 m bơi bướm. Nền thể thao của Đảo quốc Sư tử đã chờ đợi ngày đứng trên bục cao nhất của Olympic từ rất lâu nhưng đến nay mới được toại nguyện. Họ hỗ trợ “tận răng” cho VĐV, đề ra khung thưởng rất cao lên đến 1 triệu đô la Singapore (hơn 700.000 USD) cho tấm HCV Thế vận hội.
Malaysia để lại nhiều tiếc nuối khi vẫn chưa có HCV Olympic. Nhưng việc đoạt 4 HCB, 1 HCĐ cũng là thành tích tốt nhất của họ từ trước đến nay. Trong số này, có đến 3 tấm HCB đến ở môn thế mạnh cầu lông (nội dung đơn nam, đôi nam và đôi nam nữ). Phong độ xuất sắc của những tay vợt Malaysia và Indonesia (đoạt HCV đôi nam nữ) đã phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc ở môn thể thao này.
Thái Lan tiếp tục là quốc gia của khu vực có thành tích tốt nhất ở Olympic. Họ giành 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Đáng chú ý cả 6 tấm huy chương của họ chỉ đến ở 2 môn cử tạ và taekwondo. Đây là 2 môn thế mạnh của Thái Lan (cùng với boxing), từng giúp họ giành đến 24 huy chương ở những Thế vận hội trước.
Còn Indonesia cũng để lại dấu ấn với việc đoạt 1 HCV (cầu lông đôi nam nữ) và 2 HCB (cử tạ). Nhìn chung, các quốc gia trong khu vực đều khá hài lòng với thành tích ở Rio vừa qua và đã có những kế hoạch cho kỳ Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản).
“Hiệu suất phi thường của Joseph Schooling ở nội dung 100 m bướm và phá vỡ kỷ lục Olympic là điểm nổi bật của Singapore tại Olympic. Đó là bước đột phá đáng kể. Chúng tôi hài lòng với phong độ của các VĐV bởi họ đang cạnh tranh với những đối thủ tốt nhất thế giới ở môn của mình,” trưởng đoàn thể thao Singapore Low Teo Ping cho biết.
16 trong 25 VĐV của Singapore tại Rio lần đầu tiên dự Thế vận hội. Họ còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Quốc gia này đã sớm có những hành động để chuẩn bị cho Olympic 2020. Joseph Schooling tiếp tục được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự để tập huấn tại Mỹ. Việc đầu tư cho những môn khác cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia.
Tunku Tan Sri Imran Tuanku Ja’afar, chủ tịch Hội đồng Olympic Malaysia (OCM) ca ngợi đội ngũ VĐV quê nhà tại Rio, đồng thời nhấn mạnh đến việc chuẩn bị cho Olympic 2020, thậm chí là 2024. “Olympic là đỉnh cao của thể thao. Bạn phải có kế hoạch cho điều này. Đó phải là kế hoạch dài hạn chứ không dừng lại ở những mục tiêu trước mắt,” ông cho biết trên tờ The Star.
Trọng tâm của Malaysia vẫn dồn về 3 môn thế mạnh là cầu lông, nhảy cầu và đua xe đạp lòng chảo. Với việc karate được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic 2020, Malaysia hy vọng tạo nên những khởi sắc, thêm cơ hội để tranh huy chương.
Với Việt Nam, tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh là vinh dự cho bản thân anh nói riêng và ngành thể thao nói chung. Tại buổi gặp gỡ các VĐV, HLV của đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic chiều 16/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương thành tích của Hoàng Xuân Vinh, đồng thời yêu cầu ngành thể thao cần tạo điều kiện tối đa cho VĐV, HLV tập luyện, thi đấu, hướng đến những thành tích cao trong tương lai.
Thành tích của thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2016
Thái Lan: 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ
Indonesia: 1 HCV, 2 HCB
Việt Nam: 1 HCV, 1 HCB
Singapore: 1 HCV
Malaysia: 4 HCB, 1 HCĐ
Philippines: 1 HCB
(Theo vnmedia)