Không chỉ ở Thế vận hội Rio 2016 vừa rồi mà hầu như trong rất nhiều kỳ Thế vận hội trước đó, các VĐV Mỹ mỗi khi xuống nước lại có huy chương.
Không chỉ ở Thế vận hội Rio 2016 vừa rồi mà hầu như trong rất nhiều kỳ Thế vận hội trước đó, các VĐV Mỹ mỗi khi xuống nước lại có huy chương.
|
Đội bơi của Mỹ tại Rio 2016 (ảnh USA Today) |
Đoạt 1/3 số huy chương của môn bơi trong lịch sử Olympic
Không phải chỉ đến Thế vận hội Rio 2016 các VĐV bơi của Mỹ mới áp đảo đường đua “xanh” (tên gọi cho môn bơi) mà thực ra họ đã từng “làm mưa làm gió” trong suốt nhiều Thế vận hội trước đây.
Một thống kê đáng kinh ngạc cho thấy Mỹ là quốc gia giành huy chương (HC) môn bơi nhiều nhất trong lịch sử Thế vận hội từ khi sự kiện này tổ chức lần đầu tiên năm 1896 ở Athens, Hy Lạp - quê hương của Olympics cho đến nay.
Tổng cộng quốc gia này đã giành được 520 HC trong môn bơi, trong đó có 230 vàng, 164 bạc và 126 đồng trong tất cả các kỳ Thế vận hội tính đến thời điểm này; chiếm gần 1/3 tổng số HC bộ môn bơi của các kỳ Thế vận hội. Theo sau Mỹ, Australia cũng là một quốc gia cường quốc về môn bơi nhưng họ chỉ giành được tổng cộng 186 HC, còn cách rất xa Mỹ.
Không chỉ giành HC nhiều nhất, nước Mỹ còn có một siêu sao đi vào kỷ lục của Thế vận hội với tư cách là người giành được nhiều HC nhất trong môn bơi, đó là kình ngư Michael Phelps. Anh đã giành được tổng cộng 28 HC qua 4 kỳ Thế vận hội từ Athens 2004 đến Rio 2016, trong đó có 23 HC Vàng. Tại Rio 2016 vừa rồi, Phelps giành được 6 HC, trong đó có 5 vàng.
Tại Rio 2016, Mỹ dẫn đầu thế giới khi giành được 121 HC (46 vàng, 37 bạc, 38 đồng), trong đó bộ môn bơi đóng góp vào thành tích này nhiều nhất với 33 HC (gồm 16 vàng, 8 bạc, 9 đồng), kế tiếp là bộ môn điền kinh (với 32 HC, trong đó có 13 vàng, 10 bạc và 9 đồng).
Trước đó, tại Thế vận hội London 2012, các VĐV bơi của Mỹ cũng giành được đến 31 HC (16 Vàng, 9 Bạc và 6 Đồng). Trong năm đó, các VĐV Nhật cũng giành được thắng lợi vẻ vang trong môn bơi với 11 HC, tuy nhiên không có HC Vàng nào. Úc ít hơn Nhật 1 HC nhưng trong 10 HC đó, họ giành được 1 vàng, 6 bạc và 3 đồng.
Tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, các VĐV bơi Mỹ cũng bỏ túi đến 31 HC (có 12 vàng, 9 bạc và 10 đồng). Riêng trong kỳ Thế vận hội này, chỉ riêng Michael Phelps đã giành 8 HC Vàng. Nước Úc trong kỳ này cũng bám đuổi Mỹ với 20 HC, trong đó có 6 vàng, 6 bạc và 8 đồng.
Tại Athens 2004, các VĐV bơi Mỹ giành được 28 HC, gồm 12 vàng, 9 bạc và 7 đồng (năm này VĐV Michael Phelps giành được 6 HC Vàng, 2 HC Đồng). Nước Úc năm đó cũng xếp thứ nhì trong môn bơi với 15 HC, gồm 7 vàng, 6 bạc và 2 đồng.
Trong Thế vận hội Sydney 2000, các VĐV bơi Úc với lợi thế chủ nhà cũng không thể bắt kịp Mỹ. Năm này đoàn bơi Mỹ đã giành đến 33 HC, trong đó có 14 vàng, 8 bạc và 11 đồng trong khi chủ nhà Úc chỉ giành được 18 HC trong môn bơi, trong đó có 6 vàng, 9 bạc và 3 đồng.
Tại sao Mỹ mạnh trong môn bơi?
Nước Mỹ lâu nay luôn có một đội bơi rất mạnh, thi đấu ổn định, là cường quốc về môn bơi tại các kỳ Thế vận hội nên chuyện họ giành được nhiều huy chương trong môn thể thao này là một lẽ hiển nhiên. Tuy nhiên, bản thân bộ môn thể thao này cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho VĐV giành HC so với môn khác; đặc biệt là những VĐV xuất sắc.
Chẳng hạn có rất nhiều bộ môn chỉ có một bộ huy chương (như bóng đá chẳng hạn) duy nhất dành cho đội thắng cuộc thì môn bơi tại Thế vận hội luôn có rất nhiều huy chương trong các nội dung bơi. Như Rio 2016 lần này có đến 35 bộ huy chương trong các nội dung bơi nam nữ với tổng cộng 104 huy chương các loại. Chỉ có một bộ môn khác có nhiều huy chương hơn bơi là điền kinh với 47 nội dung, 141 huy chương các loại; tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong khi mỗi nội dung của điền kinh thường có sự cạnh tranh quyết liệt của các VĐV với nhau theo thế mạnh của mình; ít người trong bộ môn này có thể thi đấu được trong nhiều nội dung (như siêu sao Usain Bolt cũng chỉ thi đấu ở 3 nội dung gồm 100 m, 200 m và 400 m tiếp sức sở trường). Trong khi đó, VĐV bơi khi học bơi thường học tất cả các kỹ năng nên thường có thể thi đấu được trong nhiều nội dung, từ cá nhân đến đồng đội tiếp sức, ít nhất mỗi VĐV cũng tham dự được 2 nội dung.
Trong trường hợp trên, nếu có những cá nhân bơi xuất sắc, họ có thể tham dự rất nhiều nội dung. Như VĐV Ánh Viên của Việt Nam chẳng hạn từng giành nhiều HC từ các nội dung khác nhau trong những cuộc thi tại khu vực. Điển hình như Michael Phelps tại các kỳ Thế vận hội, VĐV này gom rất nhiều HC Vàng trong các nội dung anh có mặt.
Nhưng nền tảng sâu xa nhất của sự thành công trong bơi cũng như trong rất nhiều bộ môn khác của thể thao Mỹ chính là từ thể thao học đường. Ngay từ nhỏ các trường học ở Mỹ đã coi trọng giáo dục thể chất bên cạnh học tập văn hóa. Lên bậc đại học, những sinh viên có năng khiếu thể thao được trường tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng của mình. Để tranh đua tìm người tài tạo tiếng tăm cho trường mình, các đại học Mỹ cấp học bổng lớn cho các tài năng thể thao, được tập luyện với cơ sở vật chất hiện đại, giáo trình thể thao tân tiến cùng các HLV hàng đầu. Ước tính có khoảng 80% số VĐV Mỹ có mặt tại Rio 2016 lần này chính là các sinh viên đã và đang theo học tại các trường đại học của Mỹ.
Đó là lý do tại sao trong môn bơi nước Mỹ không chỉ có Phepls mà đã và đang sản sinh ra hàng loạt các VĐV tên tuổi khác từ thể thao học đường như Jenny Thompson (từng giành 12 HC Thế vận hội, trong đó có 8 vàng), Ryan Lochte (12 HC Thế vận hội với 6 vàng), Dara Torres (12 HC Thế vận hội với 4 vàng), Natalie Coughlin (12 HC Thế vận hội, 3 vàng), Mark Spitz (11 HC Thế vận hội), Gary Hall và gần đây có Katie Ledecky. Michael Phelps tuyên bố giải nghệ trong kỳ Thế vận hội sắp đến nhưng đằng sau đó còn rất nhiều tên tuổi khác sẽ nổi lên từ nền thể thao “xã hội hóa” học đường kiểu Mỹ.
GIA KHÁNH