Một ngày hội thật sự của những người yêu cờ tướng khi thành phố Đà Lạt tổ chức giải cờ vô địch hằng năm trong đầu tháng 9/2016 vừa qua.
Một ngày hội thật sự của những người yêu cờ tướng khi thành phố Đà Lạt tổ chức giải cờ vô địch hằng năm trong đầu tháng 9/2016 vừa qua.
|
Giải cờ tướng vô địch Đà Lạt - 2016 |
Trong số 45 kỳ thủ tay bắt mặt mừng trong 3 ngày thi đấu dịp này có rất nhiều người có “tay nghề” cờ trên vài mươi năm và số huy chương đạt được từ các giải thành phố và cả giải tỉnh nhiều vô kể.
Như kỳ thủ Phạm Văn Nghĩa, 65 tuổi, người ở phường 6 chẳng hạn. Ông biết chơi cờ từ năm 20 tuổi và đến nay hầu như năm nào cũng dự giải thành phố và dự giải tỉnh. “Trừ trường hợp có gì đột xuất, còn thành phố, tỉnh tổ chức cho mình chơi, đại diện cho địa phương thi đấu nên phải có mặt, với lại rất vui khi được đấu cờ với nhiều người chơi cờ hay trong thành phố, học hỏi được các nước cờ hay” - ông Nghĩa vui vẻ.
Tham dự giải nhiều nên ông biết mặt hầu hết mọi kỳ thủ trong giải, trừ những khuôn mặt trẻ mới thi đấu gần đây. Về huy chương thì ông cho biết năm nào cũng có, có năm giành huy chương vàng, có năm là huy chương bạc hay đồng; huy chương nhiều quá không nhớ hết, chắc phải cả “ký” nếu đem cân, mới đầu ông còn treo trong nhà cho vui giờ nhiều quá ông than không đủ chỗ để treo!
Là một cán bộ văn hóa về hưu, hằng ngày ông Nghĩa vẫn dành “một ít thời gian” cho cờ. Cờ theo ông là nghệ thuật, là cái hay, cái đẹp của cuộc đời, muốn chơi cờ hay phải biết yêu quí, trân trọng nét đẹp của cờ. Dù lớn tuổi nhưng cờ cho ông nhanh nhẹn, theo ông cờ tướng rất thích hợp cho người cao tuổi, như là một môn chơi trí tuệ, chơi cờ giúp vận động đầu óc, giảm lão hóa. Nhưng ông cũng khuyên người chơi cờ, nhất là lớp trẻ, đừng mê cờ quá, phải biết cân bằng giữa công việc làm đời thường và đam mê cờ để còn có sự nghiệp trong đời.
Một danh thủ khác của đất cờ Đà Lạt cũng có mặt tại giải, đó là kỳ thủ Hà Hiền Trung, 64 tuổi, người ở phường 1. Ông Trung chơi cờ từ nhỏ, là một cao thủ có tiếng của Đà Lạt, thường xuyên vô địch toàn thành. “Năm đầu tiên Đà Lạt tổ chức giải vô địch cờ tướng là vào năm 1978, năm đó tôi không tham dự, nhưng đến lần thứ hai tổ chức (năm 1982), tôi lần đầu tiên tham dự, hồi đó giải có nhiều người cao cờ lắm nhưng không hiểu sao tôi đã vô địch” - ông Trung vui nhớ lại.
Và chức vô địch toàn thành phố này sau đó đã theo ông Trung suốt trên 20 năm. Hay nói cách khác là ông chẳng có đối thủ, là tay cờ “vô đối” của Đà Lạt trong suốt thời gian này. Từ năm 1992 đến năm 2003, năm nào ông Trung cũng vô địch Đà Lạt, liên tục trong 21 năm. “Những năm đó không biết sao tôi cứ vô địch hoài, vô địch tuyệt đối; nhưng từ năm 2003 trở đi tôi nhớ Đà Lạt đã xuất hiện nhiều tay cờ trẻ, nhờ rèn cờ trên máy tính nên họ đánh rất nhanh và hay, từ đó đến nay có năm tôi vô địch, có năm chỉ huy chương bạc, có năm được huy chương đồng. Tre già măng mọc là chuyện thường, thôi thì dự giải, so dịp gặp nhau mỗi năm, được đấu cờ là vui rồi, còn thắng thua tính sau” - ông cười vui.
Cũng như ông Nghĩa, ông Trung cũng từng được giành rất nhiều huy chương khi dự giải, không chỉ giải thành phố mà cả giải cấp tỉnh. Bí quyết thắng giải theo ông bên cạnh thường xuyên tập luyện còn có yếu tố tâm lý và cả may mắn nữa. “Đánh giải cần bình tĩnh trong mọi tình huống, không được khinh thường địch thủ, cân nhắc kỹ từng nước đi vì đôi khi chỉ cần một nước đi là thay đổi cả cục diện cờ” - ông nói. Và một phần quan trọng để thắng giải theo ông Trung còn có chút may mắn nữa” Nhưng máy mắn chỉ đến khi mình cố gắng hết mức” - ông chia sẻ.
Theo ông Trung, so với các địa phương trong tỉnh thì cờ tướng ở thành phố Đà Lạt có phong trào khá mạnh, có rất nhiều người chơi, tuy nhiên so với cả nước thì làng cờ ở đây cũng chỉ mức trung bình yếu. Muốn nâng trình độ thì các tay cờ trong tỉnh cần có dịp đi thi đấu nhiều nơi trong nước thì mới biết mình đang ở đâu để nâng trình độ thi đấu lên được. Gần đây, theo ông, tại Đà Lạt, đã xuất hiện nhiều hội quán cờ tướng quy tụ hội viên và người chơi cờ rất đông; các hội quán này tổ chức các giải cờ tướng hằng năm. Như CLB Kỳ Ngộ - Đà Lạt chẳng hạn, những năm gần đây mỗi năm CLB này tổ chức 2 giải cờ trong dịp mùa hè và dịp mùa đông gần Noel. Giải của CLB này tổ chức rất quy mô, được tài trợ nên trao giải thưởng khá lớn, khá uy tính nên quy tụ rất nhiều kỳ thủ tại Đà Lạt, trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác trong nước về đây tranh giải nên đây là một dịp tốt cho những ai muốn nâng trình độ cờ của mình lên. Riêng ông Trung cũng nhiều lần vô địch giải cờ CLB này, gần đây nhất là vô địch giải cờ mùa đông trong năm vừa qua.
Một kỳ thủ khác vào hàng cao tuổi nhất giải vẫn thi đấu rất tích cực, đó là ông Lê Quang Thạch, 75 tuổi, người phường 3. Ông Thạch mê cờ từ nhỏ và giữ niềm đam mê của mình cho đến nay. Tuy không nhiều huy chương như các danh thủ Phạm Văn Nghĩa, Hà Hiền Trung như ông Thạch cũng từng giành được nhiều tấm huy chương danh giá cho mình trong làng cờ, gần đây có huy chương vàng giải Người cao tuổi Đà Lạt và huy chương vàng giải cờ tướng Người cao tuổi Lâm Đồng. Trước đây, vào năm 2000, ông Thạch từng giành huy chương bạc giải tỉnh trong nội dung thi đấu không hạn tuổi.
Chơi cờ theo ông Thạch, là để sảng khoái cuộc đời, dù có gì khó khăn thì khi ngồi vào bàn cờ với một đối thủ chơi cờ hay cũng làm ông vui lên, giúp ông vơi bớt muộn phiền. Cờ như ông nhận xét, như cuộc đời, giúp ông kiên nhẫn, bình tâm, không nên nóng nảy, biết khiêm tốn, biết mình biết người, biết tôn trọng người khác dù lớn hay bé. Ông có 5 người con, có người cũng theo ông chơi cờ rất hay trong làng cờ Đà Lạt.
Bên cạnh các danh thủ lớn tuổi, giải cờ năm nay cũng có không ít các kỳ thủ tuổi còn rất trẻ. Như Hồ Hữu Tiến, người Tà Nung chẳng hạn, chỉ mới 23 tuổi nhưng đã có 2 năm liền dự giải. Xã vùng sâu Tà Nung như Tiến cho biết nay cũng có rất nhiều người chơi cờ, trong đó có người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Để thúc đẩy phong trào ở địa phương, Tà Nung cử một số kỳ thủ đại diện cho xã thử sức tại giải. “Giải có nhiều cao thủ lắm, ra đây học hỏi kinh nghiệm là chính” - Tiến cười vui. Đà Lạt đến nay đang duy trì rất tốt phong trào cờ trên địa bàn thông qua việc tổ chức giải vô địch hằng năm. Những người như Tiến chính là sức sống của phong trào cờ vua Đà Lạt.
GIA KHÁNH